Nhạc Hoa lời Việt là dòng chảy thịnh hành thập niên 1990 - 2000. Cả trăm kim khúc từ Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, trở nên phổ biến với công chúng yêu nhạc qua những bản chuyển ngữ tình nồng ý đượm. Nhiều giọng ca từng ghi tên mình trong trào lưu này. Nhưng mang tính chiếm lĩnh thị trường, đại diện cho từng giai đoạn phải kể đến đôi song ca chất nghệ Minh Thuận - Nhật Hào, "anh Hai" Lam Trường, "anh Bo" Đan Trường và chàng ca sĩ đẹp trai Ưng Hoàng Phúc.
Minh Thuận - Nhật Hào
Năm 1991, qua những đĩa nhạc phim Hong Kong được bạn bè cho mượn, Minh Thuận và Nhật Hào phải lòng chất nhạc Cantopop lãng mạn, liền nảy ra ý tưởng Việt hóa. Không ngờ, bước chuyển hướng táo bạo này được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt, đưa họ thành cặp bài trùng đắt show nhất thời bấy giờ.
Đôi song ca phát hành liên tục album Chàng trai Beijin từ vol.1 tới vol.12 trong bốn năm, cập nhật đến khán thính giả loạt hit Hoa ngữ đình đám. Nhiều nhạc phẩm của họ mang tinh thần gần gũi với bản gốc. Chàng trai Beijin có tiêu đề gần với Tôi đến từ Bắc Kinh của Lê Minh, đồng thời giữ lại câu "I was born in Beijing" trong điệp khúc. Thất tình mang ý tứ tương đồng bản gốc cùng tên của boyband Thảo Mãnh. Yêu một mình có ca từ không y hệt nhưng bám sát Tự mình đa tình của nàng thơ Châu Huệ Mẫn... Theo giọng ca Minh Thuận - Nhật Hào, các ca khúc làm mưa làm gió trên nhiều sân khấu nhạc trẻ.
Lam Trường
Sinh trưởng trong gia đình gốc Hoa, Lam Trường yêu thích âm nhạc Hoa ngữ từ thuở nhỏ. Giải nhì 'Thập đại tinh tú' tuổi 20 và màn chào sân ca hát chuyên nghiệp một năm sau của anh đều gắn liền với ca khúc tiếng Hoa. Và xuyên suốt chặng đường âm nhạc, anh thực sự gây dựng được "đế chế" của riêng mình ở địa hạt nhạc Hoa lời Việt. Bốn CD Baby I Love You, Xin đến trong giấc mộng, Mãi mãi và Biển trắng của Lam Trường lưu trữ 35 bản ballad nhạc Hoa lời Việt giai điệu ngọt ngào, lời ca tình tứ. Anh còn tung ra nhiều hit đơn lẻ khác như Tiếng sáo phiêu bồng, Tiễn bạn lên đường, Tuyết sơn phi hồ, Tình đơn phương...
Các ca khúc của anh thường giữ nguyên giai điệu bài gốc, nhưng phần lời được "phiêu" theo ngòi bút của các nhạc sĩ. Một vài bài hát cũng được biến tấu cho mới mẻ, như Thằng Tàu lai từ nhạc đến lời đều được phủ màu sắc mới so với Nhìn qua đây của Nhậm Hiền Tề.
Ngoài độc xướng, Lam Trường còn hòa giọng cùng Cẩm Ly, Minh Tuyết, Khánh Du... trong nhiều tình khúc nhạc Hoa. Và đâu chỉ chau chuốt giọng ca hay lời hát, nam ca sĩ còn dành tâm huyết cho phiên bản MV, chịu ảnh hưởng từ dòng phim võ hiệp nổi tiếng đương thời. MV Cánh chim cuối trời (bản gốc là Thần thoại, tình thoại, nhạc phim Thần điêu đại hiệp 1995) có nhiều cảnh giống phim gốc. Minh Tuyết vào vai Tiểu Long Nữ với phần hóa trang giống Lý Nhược Đồng. Tạo hình Dương Quá của Lam Trường lấy cảm hứng từ Cổ Thiên Lạc.
Kỷ niệm đẹp nhất của Lam Trường trên hành trình nhạc Hoa lời Việt là cơ hội trình diễn tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội nghệ sĩ Hong Kong năm 2004. Năm ấy, anh được thần tượng Trương Học Hữu đích thân mời đến dự. Bất ngờ được MC đề nghị lên sân khấu, anh gửi tặng một tình khúc của thần tượng.
Đan Trường
Một thời, Đan Trường hay bị so sánh với đàn anh Lam Trường. Ngoài giống tên, họ cùng tạo dựng danh tiếng bằng phong cách pop ballad nồng nàn, lại cùng là gương mặt đình đám trong làn sóng nhạc Hoa lời Việt và "đụng hàng" một vài ca khúc.
Nối tiếp sản phẩm debut Kiếp ve sầu, Đan Trường tung ra thêm nhiều hit nhạc Hoa lời Việt khác như Cuộc tình trong cơn mưa, Tâm hồn xao động, Phong ba tình đời, Chờ trên tháng năm, Khi cô đơn em nhớ ai... Không ít bài đơn ca Hoa ngữ được biến tấu thành song ca với phần kết hợp ăn ý của anh và Cẩm Ly. Có sức ảnh hưởng của làn sóng nhạc Hoa lời Việt, Đan Trường được chọn song ca cùng Triệu Vy bài Biệt khúc chờ nhau khi hoa đán Trung Quốc đến Việt Nam giao lưu.
Chất giọng dịu dàng của Đan Trường vừa vặn với các tình khúc nhạc Hoa thịnh hành khi ấy. Gương mặt điển trai và hiền lành giúp anh dễ dàng hóa thân vào vai thư sinh trong các MV cổ trang. Ông bầu Hoàng Tuấn khi ấy rất chịu khó đầu tư MV hoành tráng cho Đan Trường. Mỗi video giống một phim ngắn độ dài trung bình 10 phút, chịu ảnh hưởng lớn từ series Hoàn Châu cách cách và nhiều phim kiếm hiệp Hong Kong. Riêng album Đan Trường In China - Phong ba tình đời năm 2001 được thực hiện toàn bộ tại Trung Quốc, trong đó ca khúc chủ đề Phong ba tình đời có kinh phí 300 triệu đồng.
Ở MV Ảo mộng tình yêu, Đan Trường hóa thân thành nhà vua và nên duyên với nàng tiên cá do Cẩm Ly thể hiện. Sang hai MV Tuyết hồng và Trở lại phố cũ, hai ngôi sao viết tiếp những chuyện tình thư sinh người phàm và nàng tiên nữ.
Ưng Hoàng Phúc
Cựu thành viên nhóm 1088 là đại diện tiêu biểu của thế hệ 8x trong dòng chảy nhạc Hoa lời Việt. Anh mang đến màu sắc mới cho nhiều bài hát nổi tiếng của Hong Kong với chất giọng da diết, tình cảm và phần ca từ độc lập hoàn toàn với bản gốc. Đến nay, nhiều hit của Ưng Hoàng Phúc vẫn có sức sống vững bền như Tôi không tin (bản gốc Chưa từng từ bỏ, nhạc phim TVB Thiên địa nam nhi), Vì sao trong lòng tôi (bản gốc Ai hiểu lòng lãng tử của Vương Kiệt), Vì một người ra đi (bản gốc Tiếu khán phong vân, nhạc phim TVB Bản năng).
Riêng phần trình diễn Anh không muốn bất công với em do Ưng Hoàng Phúc kết hợp nhóm H.A.T được dàn dựng cầu kỳ trên sân khấu Giai điệu tình yêu năm 2004 là một ký ức kinh điển trong lòng fan của nam ca sĩ. Bài này vốn do Lưu Đức Hoa độc xướng, nhưng được biến tấu thành bản song ca nam - nữ. Trái lại, bản song ca Vô gian đạo của Lưu Đức Hoa - Lương Triều Vỹ lại được nhạc sĩ Quang Huy chuyển thành phiên bản solo Đàn ông không được quên hết tình còn nghĩa dành riêng cho Ưng Hoàng Phúc.
Phong Kiều
Video: Quang Huy