Thức khuya
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khoảng thời gian từ 22h đến 2h sáng là thời điểm lý tưởng để làn da tự tái tạo, chữa lành thương tổn. Đi ngủ trong khoảng thời gian này góp phần tạo điều kiện lý tưởng cho làn da phục hồi, thư giãn cơ thể. Ngược lại, thường xuyên thức khuya sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tái tạo da. Bên cạnh đó, thức khuya, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc cũng góp phần làm rối loạn nội tiết, gây tăng sinh bã nhờn, làm nổi mụn. Thiếu ngủ kéo dài cũng làm tăng tình trạng giữ nước, gây bọng mắt, quầng thâm và ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc collagen.
Lười uống nước
Nước không chỉ có vai trò giữ ẩm cho toàn bộ cơ thể và làn da, còn giúp đào thải độc tố, chất thải ra khỏi cơ thể thuận lợi hơn. Việc cơ thể tồn đọng nhiều độc tố cũng là một trong những nguyên nhân gây nổi mụn, khiến làn da sần sùi, kém mịn màng.
Làm sạch quá mức
Làm sạch da là nguyên tắc cơ bản để giữ da khỏe đẹp, tuy nhiên, lạm dụng bước này cũng có thể khiến da tổn thương, kích ứng. Khi phải tiếp xúc quá nhiều với hóa chất tẩy rửa hay ma sát từ khăn lau, hàng rào bảo vệ da tự nhiên có xu hướng bị suy yếu. Càng rửa mặt nhiều, da càng phải tiết nhiều dầu hơn nhằm cân bằng lượng dầu duy trì độ ẩm da, từ đó khiến da dễ bị bít tắc lỗ chân lông, gây ra mụn.
Sờ tay lên da
Thói quen nặn mụn, chạm tay lên da, nhất là khi tay chưa được vệ sinh sạch sẽ càng làm tình trạng mụn thêm phức tạp, da dễ bị tổn thương, kích ứng.
Dùng cùng lúc quá nhiều mỹ phẩm
Quá nhiều bước đặc trị, dưỡng da trong một chu trình có thể khiến da trở nên quá tải, không dung nạp được dưỡng chất, gây kích ứng. Chu trình skincare lý tưởng không cần quá nhiều bước, nên tập trung vào các bước cơ bản nhất: làm sạch, dưỡng ẩm, chống nắng với các sản phẩm phù hợp đặc tính da. Trường hợp đang đặc trị vấn đề da liễu, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả chăm sóc da.
Duk Sun (Theo ETToday)