1. Không thức khuya
Thường xuyên thức khuya dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng như đột tử, ung thư... Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng thức khuya hại máu nhiều nhất, những người thường xuyên thức khuya dễ gặp tình trạng thiếu hụt khí huyết.
Vậy đi ngủ mấy giờ được tính là thức khuya? Mỗi người có nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau, tuy nhiên ngủ trước 23h, ngủ đủ 7- 9 tiếng mỗi đêm được xem là tốt nhất cho sức khỏe.
Ngoài ra, nếu phải thức khuya, bạn nên ngủ bù đúng giờ, đồng thời ăn một số thức ăn bổ khí dưỡng huyết như nhãn, quả óc chó, táo tàu, kỷ tử...
2. Ngâm chân
Thời tiết đang ấm lên nhưng đừng quên ngâm chân trước khi đi ngủ. Thói quen này có rất nhiều lợi ích như làm ấm cơ thể và trừ lạnh, giảm các triệu chứng cảm lạnh, loại bỏ mệt mỏi, bảo vệ tim mạch, cải thiện chất lượng giấc ngủ...
Tuy ngâm chân có vẻ đơn giản, bạn vẫn nên chú ý một số điểm như:
- Bồn ngâm chân: Nên chọn thùng gỗ ngâm chân để giữ ấm tốt hơn, nếu cho dược liệu vào ngâm chân thì không nên dùng thùng hợp kim nhôm để tránh phản ứng hóa học.
- Lượng nước: Nước phải vượt mắt cá chân, tốt nhất là đến giữa hoặc 1/3 của bắp chân.
- Nhiệt độ nước: Khoảng 40 độ C, khi cho tay vào nước sẽ thấy ấm.
- Thời gian: Thông thường nên ngâm trong 15-20 phút.
- Bệnh nhân bị viêm động mạch, viêm tĩnh mạch, huyết khối động mạch và tĩnh mạch nếu ngâm chân sẽ làm giãn mạch máu cục bộ, dễ gây nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường, loét, viêm nhiễm hay bệnh ngoài da ở bàn chân cũng không nên ngâm chân.
3. Uống nước
Theo thống kê lâm sàng, từ 9 đến 10h sáng là thời điểm dễ khởi phát các bệnh về tim mạch, và một trong những lý do là cơ thể thiếu nước. Nguyên nhân bởi khi ngủ, việc đổ mồ hôi, thở, đi tiểu... sẽ làm cơ thể mất nước, dẫn đến độ nhớt của máu tăng lên.
Uống một chút nước trước khi đi ngủ có thể ngăn ngừa sự gia tăng độ nhớt của máu vào ban đêm, giữ cho máu lưu thông thông suốt và ngăn ngừa huyết khối, đặc biệt đối với người trung niên, người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não mãn tính như huyết áp cao, bệnh mạch vành...).
Tuy nhiên, bạn không nên uống quá 200 ml nước trước khi ngủ, để không làm tăng lượng nước tiểu đêm và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
4. Chải tóc
Chải tóc trước khi đi ngủ có thể kích thích các đầu dây thần kinh và mao mạch của da đầu, kéo căng và thư giãn các dây thần kinh vùng đầu thông qua vỏ não.
Bạn có thể chải ngược tóc từ trán, răng lược sát da đầu và chải từ đỉnh đầu ra sau gáy. Khi chải, chú ý để răng lược chạm vào chân tóc và da đầu, lực chải phải đều, nhẹ nhàng để không làm tổn thương da đầu.
Cuối cùng, không nên chọn lược có răng quá nhọn, dày hoặc thưa. Bởi răng lược quá nhọn dễ làm xước da đầu, quá dày dễ làm tóc rối, quá mỏng sẽ không đạt được mục đích chải đầu.
5. Mở cửa sổ và cửa ra vào để thông gió
Buổi tối khi đi ngủ, nhiều người thích đóng chặt cửa ra vào và cửa sổ. Tuy nhiên, việc đóng kín cửa trong thời gian dài sẽ khiến không khí lưu thông kém. Khi một người ngủ, các cơ quan trong cơ thể vẫn hoạt động liên tục, vẫn cần hít không khí trong lành và thở ra khí carbon dioxide.
Người trưởng thành khi ngủ sẽ thở ra khoảng 30 lít khí cacbonic mỗi giờ. Nếu luôn đóng kín cửa ra vào và cửa sổ, lượng khí cacbonic thở ra này tiếp tục tích tụ trong nhà, không có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, bạn nên mở cửa hoặc cửa sổ để thông gió trước khi đi ngủ, giữ ít nhất 20 phút, sau đó mới đóng lại.
Hướng Dương (Theo Aboluowang)