Bài viết dưới đây tổng hợp cách làm của Mianmian, đã đi làm và Jiajiange, đang đi học, đến từ Trung Quốc, đăng trên tài khoản Wechat Tamen. Hai cô gái này đã dành nguyên một năm không mua sắm, tránh xa những ham muốn vật chất.
Thử thách không mua sắm mà họ theo đuổi nghĩa là không mua bất kỳ sản phẩm mới nào trong một thời hạn nhất định, có thể là vài tuần, tháng hoặc năm. Đây cũng là thử thách phổ biến tại Trung Quốc, khi có tới 860.000 ghi chú về trend này trên mạng xã hội Xiaohongshu, có hàng loạt nhóm "Không mua sắm" nở rộ trên mạng để chia sẻ cách làm.
Quy tắc để không mua sắm trong một năm
Cô gái tên Mianmian cho biết: "Nếu chất đống những thứ không cần thiết trong nhà, bạn sẽ phải hối hận gấp đôi". Quy tắc mà cô gái đặt ra khi theo đuổi thử thách này là:
- Chỉ mua những vật dụng cần thiết.
- Không mua bất kỳ đồ trang trí hoặc quần áo nào.
- Những vật dụng tiêu dùng như thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày và sản phẩm chăm sóc da nên được mua sau khi sử dụng hết.
- Không mua các sản phẩm điện tử hoặc đồ nội thất nếu chúng không bị hỏng.
Kiểm tra các thói quen gây tốn kém
Trước khi thực hiện thử thách, lần đầu tiên cô gái kiểm tra lịch sử mua hàng của mình trong hai năm trước đó. Cô nhận ra đã tốn tới 70% chi phí tiêu dùng để mua quần áo, đồ trang điểm, đồ lặt vặt, lọ hoa, khăn trải bàn, cốc, đĩa, bát đĩa... Khi mua chúng về, phần lớn đồ bị cô xếp xó.
Sau đó, Mianmian đã tự kiểm điểm các thói quen đã khiến mình tốn kém:
- Tiêu dùng quá mức. Khi còn học đại học, cô thường đăng ký mail để nhận danh sách mua sắm hàng tuần của sàn thương mại điện tử.
- Hay lướt trang mua sắm Taobao. Vì hay xem video livestream sản phẩm, cô gái này bị thúc đẩy nhu cầu mua hàng nhiều hơn. Cô không cân nhắc xem mình có cần món đồ hay không mà chỉ nghĩ xem có muốn mua nó vào lúc này hay không.
Tiếp theo, Mianmian nhớ lại, sau khi tốt nghiệp đại học và có việc làm, cô liên tục mua quần áo, có hơn 400 bộ, chất đầy căn nhà thuê diện tích 30 m2 ở Bắc Kinh, tới mức không có chỗ để thở. "Dù tủ quần áo đầy ắp, tôi nhận ra chẳng có bộ nào là thứ mình muốn mặc. Tôi rất thất vọng", cô nói.
Lúc này, sự mất mát tiền của, lo âu đã thúc đẩy Mianmian thay đổi. Ở tuổi 24, cô cố gắng chỉ đặt ra một mục tiêu mỗi năm. Năm 2017, cô thử thách mình không lãng phí. Năm 2018, cô thay đổi công việc để theo đuổi việc mình thích. Năm 2019, cô giảm 13 kg. Năm tiếp theo, cô đặt mục tiêu không mua sắm.
Thay đổi lối sống
Để sống sót qua thử thách một năm không mua, Mianmian bắt đầu thử lối sống không rác thải, tức là hạn chế rác ở mức tối đa. Đây là một điều khó khăn, vì khi tan sở vào sau 21h, cô thường không nấu nướng, chỉ muốn gọi đồ ăn ngoài.
Cách làm của Mianmian để không mua sắm, sống tối giản là:
- Trì hoãn sự hài lòng: Thực hiện không quá 10 lần mua hàng trực tuyến trong cả năm. Cô thường bỏ đồ muốn mua vào giỏ hàng online, chờ một tháng mới xem xét lại. Sau đó, 80% món đồ đều được bỏ khỏi giỏ hàng vì không cần thiết.
- Ít xem trang mua sắm online. Cô gỡ ứng dụng mua sắm online trên điện thoại. Mỗi khi cần mua, chỉ lướt web để tránh sắm hàng vô tội vạ. Cô gợi ý, nếu không thể gỡ app trên điện thoại, hãy đặt thời gian lướt app, để nó hiển thị ở trang khó thấy nhất.
- Sử dụng các trang mua sắm khôn ngoan. Ví dụ: bạn muốn mua kem dưỡng da mặt của một thương hiệu nào đó, bạn chỉ cần tìm kiếm loại kem đó, xem các đánh giá của người dùng về trải nghiệm sử dụng.
- Mang chai nước cá nhân. Cô gái này cũng bắt đầu tập mang chai nước khi đi ra ngoài vì không muốn tạo thêm rác thải nhựa.
Luôn tận dụng cơ hội thanh lý
- Sau một năm không mua, mỗi khi sắm một món đồ nào đó, Mianmian hiếm khi vứt bỏ mác trên quần áo mới, dễ bề thanh lý nếu không muốn mặc.
- Thanh lý quần áo, đồ nội thất cũ. Mianmian đã thu được 30.000 tệ nhờ bán 240 mặt hàng trên trang Xianyu.
- Bán sách. Với các cuốn chưa đọc, cô gái này thúc giục bản thân phải đọc hết để tận dụng kiến thức từ chúng một cách tốt nhất.
Sàng lọc đồ đạc
Tiếp theo là câu chuyện của Jiajiange, một nữ sinh viên Trung Quốc. Khi trải qua thời kỳ dịch bệnh Covid, cô gái này đã học được cách tối giản đồ đạc. Cô từng có đến 7 cái chăn bông khi ở ký túc xá, vất vả khi phải di chuyển chúng về nhà. Cô nhận ra nếu sau này tốt nghiệp và phải ở trong một căn phòng bừa bộn, cô sẽ gặp gánh nặng tâm lý.
Vì vậy, cô quyết định không lặp lại sai lầm tương tự. Cô thu dọn quần áo mùa đông và trải qua hai vòng sàng lọc. Ở vòng đầu tiên, việc tuyển chọn dựa trên tiêu chí "đẹp, dễ mặc, dễ phối đồ", sau đó giảm số lượng bằng cách tưởng tượng ra các kịch bản trang phục. Kết quả sàng lọc của cô gái là:
- Chỉ trữ 1-2 áo khoác mùa đông. "Tôi thực sự thích cảm giác không có sự lựa chọn, rất tiết kiệm thời gian và sức lực mỗi khi nhìn vào tủ đồ", cô nói.
- Không mua thêm khăn trải bàn vì cô hiếm khi sử dụng chúng.
- Đem cho dây buộc tóc, kẹp tóc nhiều màu sắc không dùng tới.
- Không trang điểm, để dành năng lượng cho việc học.
"Tôi nghĩ việc hạn chế tiêu dùng có thể không phải là vượt qua ham muốn của bản thân mà là hiểu được nhu cầu của chính bạn. Sau khi hiểu rõ bản thân, bạn sẽ thấy rằng thực ra bạn không muốn nhiều đến thế", nữ sinh viên này nói. "Khi tôi ít sở hữu đồ vật, tôi thấy rằng việc chia sẻ chúng khiến mình hạnh phúc hơn là sở hữu chúng", cô bổ sung.
Nếu bạn vẫn muốn mua thứ gì đó, bạn cũng có thể tự hỏi mình những câu hỏi sau:
1. Tôi có đang nâng mức sống của mình không? Điều này có hơi xa xỉ không?
2. Tôi mua nó có phải để khoe mẽ và thể diện?
3. Liệu những người biết tôi có chỉ trích nếu tôi mua nó không?
4. Việc mua hàng của tôi có thân thiện với môi trường không? Nó có tốt cho hành tinh này không?
5. Tôi có mang nó theo khi chuyển nhà không?
6. Chất lượng của nó có xứng đáng với giá tiền không? Có phải nó quá đắt không?
7. Tôi vẫn cần nó sau 30 ngày chứ?
8. Tôi đã có thứ gì đó tương tự chưa? Tôi sẽ làm gì với cái cũ?
9. Tôi thực sự mua theo nhu cầu của bản thân hay chỉ chạy theo xu hướng? Nếu người khác nói nó đã lỗi thời, tôi vẫn mua nó chứ?
10. Tôi có thực sự thích nó không, hay là vì hào quang thương hiệu của nó? Giả sử không phải nhãn hiệu này mà là nhãn hiệu khác có mẫu mã tương tự nhưng chất lượng tương đương thì tôi vẫn mua chứ?
11. Gia đình tôi có chịu nhiều áp lực về tiền bạc không? Nếu thế, tôi vẫn nên mua nó chứ?
12. Tôi là một người lao động và phải tiết kiệm tiền để mua nhà, hoặc trả nợ thế chấp, vay mua ô tô và đóng bảo hiểm. Tôi có kế hoạch nào để tiết kiệm tiền không?
13. Món đồ tôi muốn mua giữ giá trị đến mức nào? Giả sử món đồ tôi mua khó bán lại hoặc nó sẽ mất giá trầm trọng thì tôi vẫn mua chứ?
>> Xem thêm 21 thứ lãng phí tiền bạc mà 9X từ chối mua lại
Hằng Trần (Theo Huxiu)