Thoái hóa đốt sống cổ, thường được gọi viêm khớp cổ, là căn bệnh liên quan đến tuổi tác, ảnh hưởng đến cột sống cổ. Tình trạng này thường biểu hiện bằng sự thoái hóa ở các đĩa đệm và xương cổ. Thoái hóa đốt sống ảnh hưởng đến 9 trên 10 người ở độ tuổi 60. Bạn có thể mắc bệnh mà không có triệu chứng.
Dưới đây là 5 yếu tố chính góp phần vào sự phát triển của bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
1. Tuổi tác
Khi con người già đi, tình trạng hao mòn các đĩa đệm và đốt sống xảy ra tự nhiên. Theo thời gian, cột sống cổ trải qua nhiều thay đổi, bao gồm sự phá vỡ sụn và hình thành các gai xương. Trên thực tế, tình trạng này có thể bắt đầu xảy ra ở độ tuổi 30. Những thay đổi liên quan đến tuổi tác này góp phần đáng kể vào sự phát triển của bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
2. Lối sống và tư thế
Tư thế xấu và một số lựa chọn lối sống nhất định có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Ngồi lâu sai tư thế, đặc biệt là khi sử dụng máy tính hoặc thiết bị cầm tay, có thể làm căng cổ và đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Tương tự, các nghề nghiệp hoặc hoạt động liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại của cổ hoặc nâng vật nặng không đúng cách cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này.
3. Chấn thương và sang chấn
Các chấn thương trước đây ở cổ, chẳng hạn như chấn thương cổ do tai nạn xe hơi, té ngã hoặc chấn thương liên quan đến thể thao, có thể dẫn đến thoái hóa nhanh hơn ở cột sống cổ. Chấn thương có thể gây tổn thương các cấu trúc cột sống, đẩy nhanh quá trình hao mòn đĩa đệm và đốt sống, làm tăng khả năng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ trong những năm sau này.
4. Di truyền
Một số cá nhân có thể có yếu tố di truyền đối với các tình trạng thoái hóa cột sống, bao gồm cả bệnh thoái hóa cổ. Một số đặc điểm di truyền nhất định cũng có thể khiến nhiều người dễ bị thoái hóa sớm ở cột sống cổ hơn.
5. Hút thuốc và thói quen không lành mạnh
Thói quen sống không lành mạnh, đặc biệt là hút thuốc, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Hút thuốc ảnh hưởng đến lưu thông máu và có thể làm suy yếu việc cung cấp chất dinh dưỡng cho đĩa đệm cột sống, đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Các thói quen không lành mạnh khác như lối sống ít vận động, dinh dưỡng kém và uống quá nhiều rượu cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này.
Điều trị và kiểm soát bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Hiểu được nguyên nhân chính gây ra bệnh thoái hóa đốt sống cổ giúp làm sáng tỏ tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa và thay đổi lối sống. Mặc dù một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền không thể thay đổi, bạn có thể thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro và kiểm soát triệu chứng như:
- Tìm kiếm lời khuyên y tế: Tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hướng dẫn về cách kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển thêm. Chuyên gia có thể đề nghị tiêm steroid ngoài màng cứng cổ để giảm kích ứng và viêm ở các dây thần kinh.
- Duy trì tư thế tốt: Thực hiện tư thế đúng khi ngồi, đứng và sử dụng các thiết bị điện tử.
- Tập thể dục thường xuyên: Tham gia các bài tập tăng cường sức mạnh cho cổ và hoạt động thể chất nói chung để hỗ trợ sức khỏe cột sống.
- Tránh căng thẳng cổ: Nghỉ ngơi sau các hoạt động lặp đi lặp lại liên quan đến cổ và sử dụng các kỹ thuật nâng, bê đồ phù hợp.
- Bỏ thuốc lá: Hãy bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ thoái hóa nhanh ở cột sống cổ.
Hướng Dương (Theo Jersey Rehab)