![]() |
Tượng vàng bớt lấp lánh. |
Các lễ trao giải không còn được háo hức chờ đợi như trước kia. Khán giả cũng không cố thu xếp công việc để xem bằng được khi chương trình phát sóng. Dưới đây là 5 lý do khiến họ không còn mặn mà với các giải thưởng.
1. “Loạn giải”:
Trong năm 2004, khán giả “bội thực” với gần 50 giải thưởng được truyền hình trực tiếp. Chất lượng cũng “thượng vàng hạ cám”: từ giải Oscar của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ, giải do chính các diễn viên bầu chọn (Screen Actors Guild) đến những giải như TV Land, Sự lựa chọn của thiếu nhi... Vì vậy, giành được một kỷ niệm chương không còn quá khó khăn đối với các nghệ sĩ.
2. Chiến thắng không thuyết phục:
Hiện nay, có một khoảng cách khá lớn, hay là sự khác nhau trong “gu” thưởng thức của khán giả và thành viên các ban giám khảo. Phim hoạt hình Shrek 2 thống lĩnh tất cả các rạp chiếu phim ở Bắc Mỹ năm 2004 nhưng không nhận được đề cử Phim xuất sắc ở cả giải Oscar hay Cầu vàng mà chỉ được đề cử ở hạng mục dành cho phim hoạt hình. Cuộc khổ nạn của Chúa, Fahrenheit 9/11 và Người nhện cũng chịu số phận tương tự. Usher, ca sĩ có số album bán chạy nhất trong năm, cũng mang về nhà được vài giải Grammy, nhưng không có giải Album của năm.
Khán giả đi đến kết luận: Chớ mong chờ nhiều vào những tác phẩm nhận được giải xuất sắc.
3. Công thức cũ mèm:
Trừ một số thay đổi nhỏ trong lễ trao giải Oscar năm nay, mọi thứ vẫn chạy như đã lên chương trình: Chỉ mời toàn sao đến dự, đề cử một vài người, nhặt lấy một nhân vật chiến thắng, mỗi người được vài phút phát biểu và xin mời về chỗ ngồi. Vòng quay lại tiếp tục.
Theo VnExpress, công thức này được áp dụng từ những năm 1950 và được thiết lập để dành sân khấu cho những người được mời mở phong bì chứ không phải cho người thắng cuộc.
4. Lê thê dài dòng:
Phần lớn thời gian trong buổi lễ được dành cho người dẫn chương trình “khua môi múa mép”. Chris Rock, MC của Oscar 2005, cũng thấy ngán. Trong cuốn băng ghi hình tưởng niệm cựu MC Johnny Carson, Rock coi lễ trao giải Oscar “chỉ đáng diễn ra trong hai giờ nhưng kéo dài đến hơn bốn giờ”. Điều quan trọng nhất đối với khán giả là ai giành chiến thắng mà thôi.
5. Các ngôi sao hết “lấp lánh”:
Giải Oscar lần đầu được tổ chức năm 1929, khi chưa có nhiều chương trình giải trí trên truyền hình. Cách duy nhất để được nhìn thấy các diễn viên nổi tiếng là đến rạp xem phim. Ngày nay, tất cả các phương tiện truyền thông đều đưa tin về các ngôi sao, nên khán giả rất dễ nhàm chán.
Trong khi đó, các ngôi sao lại tạo khoảng cách với khán giả, như thể họ xa tít trên trời cao. Chẳng có ai trò chuyện với người hâm mộ. Họ ra khỏi xe hơi, bước trên tấm thảm đỏ dài 8 m. Thế là hết. Các sao dừng lại để chụp ảnh là may lắm rồi.