Nhịn ăn sáng
Bữa sáng quan trọng nhất trong ngày đối với cơ thể, bao gồm cả hơi thở. Một nghiên cứu đã chỉ ra những thanh thiếu niên không ăn sáng có tỷ lệ bị hôi miệng nhiều hơn những người ăn sáng. Điều quan trọng là bữa sáng cần lành mạnh: Ít đường, nhiều chất xơ và đủ protein.
Sỏi amidan
Sỏi amidan, còn được gọi là bã đậu amidan, thường khó nhìn thấy nhưng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng vì chúng thu hút vi khuẩn và được tạo ra từ các vi sinh vật. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể súc miệng bằng giấm táo hoặc nước muối ấm hoặc các loại nước súc miệng lành tính. Vệ sinh răng miệng bằng máy tăm nước áp suất thấp cũng có thể giúp ngăn ngừa hình thành sỏi amidan.
Thở bằng miệng
Hít thở bằng miệng có thể gây hôi miệng mãn tính vì nó ảnh hưởng đến quá trình bài tiết nước bọt. Khi thiếu nước bọt, khoang miệng khô và không thể rửa trôi được vi khuẩn. Khi thở bằng mũi, oxy được vận chuyển đi khắp cơ thể hiệu quả hơn, đồng thời còn có thể lọc độc tố và chất gây dị ứng từ không khí xâm nhập vào cơ thể.
Thức ăn
Ăn các món có mùi vị đậm có thể gây hôi miệng do các chất hóa học trong nhóm thực phẩm này di chuyển theo máu đến phổi, sau đó thoát ra ngoài thông qua hơi thở. Khi ăn các món cay, mùi nồng, bạn có thể nhai kẹo cao su không đường để giữ khoang miệng thơm tho. Đối với các thức uống như cà phê, sữa, rượu bia... bạn nên uống nước trước và sau để rửa trôi các hợp chất này. Đối với các món có mùi tanh như cá, bạn có thể thêm một một vài giọt nước chanh tươi trước khi ăn cá, giúp hạn chế phần nào mùi hôi.
Răng có nhiều mảng bảm
Mảng bám cao răng lâu ngày không được làm sạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến răng bị ố vàng và làm hơi thở kém thơm tho. Bên cạnh việc đến gặp nha sĩ định kỳ, hàng ngày bạn nên hình thành thói quen dùng chỉ nha khoa, súc miệng, đánh răng kỹ, để loại bỏ các mảnh vụn từ thức ăn mắc kẹt giữa kẽ răng, rửa trôi vi khuẩn. Bên cạnh đó, cần chú trọng làm sạch cả mảng bám lưỡi - nơi tập trung nhiều vi khuẩn thường bị bỏ sót.
Duk Sun (Theo Brightside)