1. Tìm sẵn mẫu
Đôi khi, việc diễn tả bằng lời nói có thể không chính xác 100%. Vì vậy, hãy đem theo mẫu tóc bạn mong muốn cho thợ xem để họ dễ hình dung sở thích của bạn hơn. Khi tìm mẫu tóc, tốt nhất hãy chọn những mẫu gần giống nhất với dáng gương mặt của bạn.
2. Liệt kê các vấn đề quan tâm
Đừng ngại trình bày các vấn đề bạn quan tâm với thợ cắt tóc trước khi làm để họ có thể tư vấn cho bạn phương pháp, cách khắc phục lý tưởng. Ví dụ như đuôi tóc dễ bị vểnh, mái quá thưa, tóc dễ rụng...
3. Cân nhắc thói quen sinh hoạt hàng ngày
Việc duy trì mái tóc sau khi tạo kiểu mới cũng rất quan trọng. Bạn nên cân nhắc những thói quen hàng ngày để quyết định kiểu tóc mình sẽ làm sao cho tiện lợi, không mất quá nhiều thời gian chăm sóc.
4. Đừng ngại đặt câu hỏi
Hãy trình bày sở thích, thắc mắc của bản thân với người tạo mẫu tóc bởi bạn sẽ là người "chung sống" với mái tóc mới chứ không phải là thợ cắt tóc. Hơn nữa, nếu bạn để họ thay đổi mái tóc theo hướng bản thân không thích, sau đó sẽ rất khó "chữa" lại.
Bên cạnh đó, sau khi cắt tóc, tạo kiểu xong, nếu cảm thấy có vấn đề gì chưa ưng ý, bạn nên nói càng sớm càng tốt để có thể dễ dàng cải thiện, khắc phục. Đừng để vài ngày sau bạn mới quay trở lại tiệm làm tóc và yêu cầu sửa đổi. Lúc này, thợ làm tóc có thể không còn "tâm huyết" như trước và bạn nhiều khả năng cũng mất thêm một khoản phí.
5. Không nên làm tóc cận ngày Tết
Càng sát ngày Tết, tiệm làm tóc càng có xu hướng đông. Lúc này, thợ làm tóc có thể không được tỉ mỉ, kỹ lưỡng như ngày thường. Hơn nữa, bạn nên làm trước Tết vài tuần để tóc có thời gian vào nếp, trông tự nhiên hơn. Ngoài ra, trong trường hợp bạn không ưng ý với mái tóc mới, khi làm sớm bạn còn có thời gian để sửa lại.
Duk Sun (Theo ETToday)