Mỳ
Hầu hết các loại mỳ thông thường đều chứa hàm lượng carbs khá cao. Riêng mỳ ăn liền còn có hàm lượng natri cùng nhiều chất bảo quản, phụ gia. Carbs không quá có hại, song nếu tiêu thụ với liều lượng lớn khiến bạn khó kiểm soát cân nặng hơn. Tiêu thụ nhiều nhóm chất này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đường huyết...
Cơm trắng
Cơm trắng có lượng calo cao nhưng lại không còn nhiều dinh dưỡng do quá trình xay xát kỹ lưỡng. Chỉ số đường huyết của cơm gạo cũng khá cao, dễ làm tích tụ mỡ thừa. Khi đặt mục tiêu giảm cân, bạn nên giảm lượng cơm nạp vào mỗi bữa hoặc thay thế bằng các loại carb nhiều chất xơ hơn như gạo lứt, yến mạch, khoai lang, ngô... vừa giúp no lâu lại giàu giá trị dinh dưỡng nhưng cũng cần ăn với liều lượng điều độ.
Nước ngọt
Nước ngọt được xem như "khắc tinh" đối với công cuộc giảm cân vì nó chứa nhiều chất ngọt nhân tạo cùng các chất phụ kém lành mạnh, liên quan nhiều đến các bệnh như béo phì, tiểu đường, huyết áp... Ngay cả khi bạn dùng loại nước ngọt ăn kiêng, chúng vẫn chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Thay vì uống nước ngọt, bạn có thể thay thế bằng các loại trà hoặc ăn các loại quả mọng nước như lựu, bưởi, dưa leo... để giảm tình trạng thèm đồ ngọt trong quá trình giảm cân.
Đồ đóng hộp, chế biến sẵn
Nhóm thực phẩm này thường có hàm lượng natri cao nhằm bảo quản và giữ chúng trông ngon mắt hơn. Tiêu thụ nhiều những món đóng hộp, chế biến sẵn dễ làm tăng tích trữ nước trong cơ thể. Bên cạnh đó, bao bì, hộp để đựng những món ăn sẵn cũng thường được làm từ nhựa, nhôm... chứa nhiều hoạt chất không thực sự có lợi cho sức khỏe.
Ngũ cốc ăn liền
Ngũ cốc ăn liền khá phổ biến trong các bữa sáng phương Tây nhờ tiện lợi, tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của chúng không cao, chứa lượng đường lớn, ít chất xơ, không lý tưởng cho công cuộc giữ gìn vóc dáng.
Duk Sun (Theo Brightside)