1. Buổi sáng sau khi thức dậy
Vào buổi sáng, sau một đêm nghỉ ngơi và nhịn ăn, tốc độ trao đổi chất của cơ thể đang tăng lên để hỗ trợ các hoạt động hàng ngày. Nếu bạn bỏ bữa sáng, cơ thể bạn có thể chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng và giảm tốc độ trao đổi chất, điều này có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn hơn và ăn quá nhiều vào cuối ngày. Nếu ăn sáng nhưng chọn những món kém lành mạnh, chứa nhiều đường hay dầu mỡ sẽ khiến lượng đường trong máu biến động mạnh, làm tăng cảm giác đói và thèm ăn.
Cách cải thiện: Chọn bữa sáng giàu protein và chất xơ như bánh mì nướng nguyên hạt với trứng luộc hoặc sữa chua Hy Lạp, có thể giúp ổn định lượng đường trong máu và giúp no lâu hơn.
2. Sau 16h
Vào khoảng thời gian 15-16h, nhiều người có xu hướng thấy mệt mỏi, uể oải và tìm đến các loại trái cây, thức uống chứa đường để tỉnh táo, sảng khoái hơn. Những thực phẩm này khiến lượng đường trong máu của bạn tăng nhanh nhưng cũng giảm nhanh, khiến bạn thấy đói ngay sau đó, có nhu cầu ăn nhiều hơn.
Cách cải thiện: Chọn thực phẩm giàu protein và chất xơ như sữa chua Hy Lạp, các loại hạt hoặc ăn một bát salad nhỏ hoặc chuối chín, táo,...
3. Sau bữa tối
Nghỉ ngơi sau khi ăn tối có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và trao đổi chất, đặc biệt là sau khi ăn một bữa ăn nhiều chất béo. Điều này khiến lượng calo được đốt cháy kém hiệu quả hơn đồng thời tăng khả năng tích trữ chất béo.
Cách cải thiện: Thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút sau bữa ăn, chẳng hạn như đi bộ hoặc làm việc nhà, có thể làm tăng lượng calo tiêu thụ và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
4. Trước khi ngủ
Ăn trước khi đi ngủ, đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo và đường, có thể tác động tiêu cực đến tốc độ trao đổi chất vào ban đêm vì quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại trong khi ngủ.
Cách cải thiện: Hạn chế ăn vặt, ăn sát giờ đi ngủ. Nên thiết lập thời gian biểu cho bữa ăn cuối ngày, tối thiểu cách giờ đi ngủ khoảng hai tiếng để phần nào tiêu hóa, chuyển hóa năng lượng.
5. Trong kỳ kinh nguyệt
Trong chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là vào "ngày đèn đỏ", nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi đáng kể. Những hormone này, đặc biệt là estrogen và progesterone, ảnh hưởng đến việc điều hòa nước của cơ thể. Nồng độ estrogen tăng cao khiến các mô cơ thể giữ nhiều nước hơn, dẫn đến tăng cân. Sự dao động nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, đặc biệt là tăng progesterone, dễ làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thèm đường và carbohydrate.
Cách cải thiện: Duy trì chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ và protein để giúp no lâu, giảm tình trạng thèm ăn vặt. Ngay cả trong kỳ kinh nguyệt, nếu cơ thể không quá mệt mỏi, bạn có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ nhằm duy trì tốc độ trao đổi chất, tiêu hao calo dư thừa.
Duk Sun (Theo Woman)