
Ảnh minh họa: Pinterest
1. Nghiện tích trữ và mua sắm
Bạn có thể nghĩ rằng sớm muộn gì mình cũng cần đến sản phẩm này nên tốt hơn là tích trữ trong thời gian khuyến mại thay vì mua với giá gốc. Logic này có vẻ đúng, nhưng thực tế càng mua nhiều, bạn càng tích trữ nhiều, cuối cùng bạn không thể sử dụng hết, hoặc món đồ hết hạn và bị loại bỏ.
Những gì bạn từng nghĩ là tiết kiệm trở thành lãng phí, cảm giác an toàn mà việc tích trữ mang lại biến mất. Thực ra, điều quan trọng nhất khi mua sắm là phải mua theo nhu cầu, kiềm chế ham muốn tích trữ, sử dụng từng đồng tiền hữu ích, như vậy mới thực sự tiết kiệm.
2. Bị cám dỗ bởi giá thấp
Trà sữa, cà phê và những món đồ rẻ tiền không thiết yếu... tất cả những khoản chi phí nhỏ đó cộng lại và làm giảm số tiền tiết kiệm mà bạn không hề nhận ra. Nhiều người không tiêu hết tiền vào những khoản lớn lao mà là các mua sắm nhỏ vô thức. Cuối cùng, sau một tháng, những khoản tiền nhỏ này cộng lại sẽ đủ để mua một thứ gì đó lớn hơn.
Nếu thực sự muốn tiết kiệm tiền, bạn có thể thử ghi lại các khoản chi tiêu hàng ngày và từ từ tìm cách cắt giảm các tiêu dùng lặt vặt. Bạn sẽ có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.
3. Lừa dối chính mình
Để tiết kiệm, nhiều người sẽ tìm ra cho mình một lý do hoàn hảo, chẳng hạn: "Mua cà phê mỗi ngày quá tốn kém, vậy thì mua máy pha cà phê về tự pha còn hơn". Nhưng một khi bạn bắt đầu, nó không chỉ là một máy pha cà phê. Bạn có thể sẽ tìm lý do để sắm một ấm pha cà phê thủ công, máy xay hạt cà phê, hạt cà phê cao cấp, cốc pha cà phê latte art... với chi phí còn cao hơn cả việc mua cà phê mỗi ngày.
Những tình huống tương tự cũng xảy ra rất nhiều. Để tự nấu ăn tiết kiệm hơn, bạn mua một loạt đồ dùng nhà bếp nhưng sau đó lại thấy mình quá lười nấu ăn và vẫn gọi đồ ăn mang về mỗi ngày. Muốn tiết kiệm tiền tập gym, bạn mua một chiếc máy chạy bộ, nhưng cuối cùng nó lại trở thành giá phơi quần áo. Trước khi mua một thứ gì đó, bạn cũng nên suy nghĩ xem liệu mình có sử dụng thứ này trong thời gian dài hay không? Sẽ rất tốt nếu thực sự có thể kiên trì, nhưng nếu chỉ là sự nhiệt tình trong ba phút thì có lẽ bạn nên suy nghĩ lại!
4. Không mua đúng ngay từ lần đầu tiên

Ảnh minh họa: Pinterest
Một số thứ khi mua với giá hời thường bị hỏng sau thời gian ngắn sử dụng. Ví dụ, quần áo mua với giá vài chục nghìn đồng sẽ mất dáng sau vài lần giặt, lớp phủ của một chiếc nồi rẻ tiền sẽ bong ra trong vòng chưa đầy nửa năm, những con ốc vít của chiếc ghế mua khi giảm giá sẽ bị lỏng sau một thời gian ngắn sử dụng.
Vấn đề là nếu những thứ này bị hỏng, bạn phải mua lại chúng, không chỉ tốn thêm tiền mà còn mất thời gian để lựa chọn, so sánh giá cả và chờ đợi vận chuyển. Việc này còn phiền phức hơn là mua đúng ngay từ lần đầu. Đối với những thứ sẽ sử dụng trong thời gian dài, tốt hơn hết là bạn nên nghiên cứu và mua tất cả cùng một lúc, điều này thực tế hơn là mua nhiều lần.
5. Đặt hàng theo combo
Bạn hẳn từng trải qua loại chiến tranh tâm lý này: một nền tảng sale shock, giảm giá 20.000 đồng cho những đơn hàng trên 500.000 đồng. Ban đầu bạn chỉ muốn mua thứ gì đó trị giá 50.000 đồng nhưng để "tận dụng cơ hội mặc cả, bạn bắt đầu điên cuồng đặt hàng, và cuối cùng đã chi gấp đôi dự định ban đầu.
Trên thực tế, các phương pháp như giảm giá, tích điểm, mua một tặng một đều là chiến thuật tâm lý được các thương gia sử dụng. Lần tới khi thấy có đợt giảm giá lớn, bạn nên bình tĩnh lại một chút và mua những gì mình thực sự cần, để mỗi lần giảm giá đều đáng giá hơn.
>> Xem thêm Bí quyết giúp 9X lương 12 triệu đồng mua được 2 cây vàng
Hằng Trần (Theo Girl Style)