Thay đổi của miễn dịch sau tuổi 35
Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi tác tăng lên, con người dần già đi với tốc độ lão hóa khác nhau. Vậy hệ thống miễn dịch thay đổi như thế nào khi chúng ta già đi? Nghiên cứu cho thấy sau tuổi 35, khả năng miễn dịch có thể "xuống dốc". Tốc độ lão hóa được phản ánh qua sự thay đổi của các tế bào miễn dịch như: tế bào lympho T, tế bào lympho B và tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK).
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Phenomics vào tháng 5/2023 cho biết kết quả phân tích hơn 43.000 người ở độ tuổi từ 20-88 và nhận thấy tỷ lệ các tế bào miễn dịch bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, bắt đầu giảm sau tuổi 35. Theo đó, tỷ lệ tế bào T cao nhất ở độ tuổi từ 30 đến 34, và thấp nhất ở độ tuổi qua 65. Ngoài ra, tỷ lệ tế bào NK có xu hướng cao hơn khi còn trẻ và giảm mạnh ở độ tuổi từ 25 đến 35.
Lão hóa hệ thống miễn dịch không chỉ đơn giản là già đi mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Vào tháng 9/2024, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho thấy hệ thống miễn dịch lão hóa sẽ đẩy nhanh sự phát triển của bệnh ung thư. Khi hệ thống miễn dịch già đi, tình trạng viêm có hại phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển của ung thư.
5 điều nên làm sau tuổi 35 để bảo vệ khả năng miễn dịch
1. Ngủ đủ giấc
Giáo sư Huang Zhili, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc và Giám đốc Khoa Dược tại Trường Y học Cơ bản thuộc Đại học Fudan, từng viết trên tài khoản Fudan Medical hồi năm 2022 rằng việc thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của tế bào T trong cơ thể và ngăn chặn các tế bào B sản xuất kháng thể.
So với giấc ngủ thông thường, những người chỉ ngủ 4 tiếng mỗi đêm có lượng kháng thể ít hơn 50%. Giấc ngủ ngon và lành mạnh là sự đảm bảo cho việc cải thiện chức năng miễn dịch, có lợi cho việc chống lại virus.
2. Bổ sung đầy đủ protein và rau quả
Vitamin và khoáng chất sẽ ảnh hưởng đến số lượng và sức sống của các tế bào miễn dịch. Ăn nhiều rau củ quả tươi sẽ giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Đồng thời, chú ý bổ sung các thực phẩm giàu protein và chất dinh dưỡng cao như sữa, trứng, cá...
Zhang Xu, thuộc Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Kinh, đã đăng một bài báo trên Health Times năm 2024 và giới thiệu một số nguồn dinh dưỡng chất lượng cao, bao gồm vitamin C (từ trái cây, rau quả họ cam quýt), vitamin E (có trong dầu hướng dương, hạnh nhân), vitamin B6 (trong cá hồi, hạt óc chó, hạt vừng...) và vitamin D trong cá biển.
3. Giảm bớt áp lực, căng thẳng
Zeng Yaochi, bác sĩ trưởng Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Y học cổ truyền Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, nhắc nhở rằng căng thẳng sẽ khiến cơ thể con người sản sinh ra yếu tố ức chế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của hệ miễn dịch. Do đó, chúng ta phải học cách điều trị tốt căng thẳng và giảm căng thẳng một cách hợp lý để tăng cường khả năng miễn dịch.
4. Tập thể dục thường xuyên
Ngồi trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm thể lực nói chung. Những thay đổi tốt về chức năng miễn dịch có thể xảy ra chỉ sau vài phút tập thể dục, mặc dù thời gian duy trì tương đối ngắn, khoảng 3 giờ. Tập thể dục thường xuyên 20-40 phút mỗi ngày rất có lợi cho miễn dịch của cơ thể và duy trì nó trong thời gian dài giúp cải thiện miễn dịch rõ rệt.
5. Day huyệt
Zhu Xiaoping, trợ lý bác sĩ Khoa Trị liệu Truyền thống của Bệnh viện Y học Cổ truyền ở tỉnh Quảng Đông, nói rằng tuyến ức là cơ quan miễn dịch của cơ thể con người, nhưng nó co lại theo tuổi tác. Gõ vào xương ức có thể kích thích các huyệt có liên quan trên ngực, làm chậm quá trình teo và thoái hóa của tuyến ức, kích thích tiết hormone thymosin và cải thiện khả năng miễn dịch.
Cách thực hiện: Dùng lòng bàn tay ấn vào huyệt Đản Trung ở xương ức (giao điểm của đường giữa xương ức với đường nối hai núm vú).
Ngoài ra, giáo sư Yang Li của Viện Khoa học Y học Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Health Times năm 2012 rằng ấn huyệt Túc Tam Lý (nằm bên dưới xương bánh chè) cũng là cách bổ sung dương khí, tăng cường thể chất và khả năng miễn dịch.
Hướng Dương (Theo Sohu)