1. Mỗi ngày em bé nên được ngủ ngoài trời ít nhất một tiếng
Một trong những điểm khác biệt lớn mà bất cứ ai tới Đan Mạch hay Bắc Âu đều sửng sốt và ngạc nhiên đó là việc thoải mái để trẻ ngủ trong nôi ở ngoài trời một mình. Bất kể khi đi ngang nhà ai đó, cửa hàng hay quán ăn, bạn sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh chiếc nôi ở ngoài cửa hay trên vỉa hè và bên trong là em bé đang ngủ, còn bố mẹ thì không thấy đâu hết. Thực ra nhất cử nhất động của em bé đều trong tầm kiểm soát của cha mẹ, dù chỉ là cái trở mình nhờ vào thiết bị baby alarm/monitor.
Đây là thiết bị không dây giống như bộ đàm gồm hai đầu. Đầu phát được đặt trong nôi hay trong phòng bé, đầu nhận thì ở chỗ bố mẹ. Mỗi khi bé phát ra tiếng động hay trở mình thì bố mẹ sẽ phát hiện ngay ở đầu nhận. Nguời Đan Mạch rất thích khí trời tự nhiên và việc để con trẻ hít thở không khí trong lành được cho là rất tốt cho sức khỏe của bé. Nó trở thành một trong những nét đặc trưng không lẫn vào đâu được trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh ở đất nước này.
Mình phải mất một thời gian dài mới thích nghi được vì cảm giác không yên tâm và nỗi lo con còn bé quá, sợ con bị cảm lạnh... Mình và ông xã cãi nhau mấy lần vì chuyện này khi chú Bèo còn nhỏ. Vì chú sinh vào mùa đông nên mình rất cực lực phản đối việc để con nằm ngủ ngoài trời với nhiệt độ đôi khi âm 15-20 độ. Cho đến khi chú Bèo được hơn 6 tháng, mùa xuân về và thời tiết ấm lên thì mình mới dần cho ngủ ngoài trời vài tiếng vào ban ngày.
Vì mình định quay lại làm việc sau 7 tháng nên phải tập dần cho con thói quen ngủ trong nôi ngoài sân để chuẩn bị cho con đi "bộ đội". Với những bé từ 18 tháng trở xuống, nhà trẻ ở đây sẽ cho ngủ trong nôi ở ngoài trời. Mỗi bé sẽ có một nôi riêng ở nhà trẻ và các thầy cô không theo bất cứ thời khóa biểu cứng nhắc nào cho những bé nhỏ này. Thay vào đó, họ chỉ làm theo nhu cầu riêng của từng bé. Ví dụ như bé đói lúc nào thì sẽ được cho ăn lúc đó, tỏ ra buồn ngủ khi nào thì sẽ được thay tã, thay đồ và đặt vào nôi, cô giáo sẽ đẩy đi lòng vòng cho bé ngủ. Chú Bèo nhà mình đến giờ khi đã gần một tuổi vẫn còn ngủ trong nôi ở nhà trẻ vì ban ngày chú ngủ ít nhất là 2 lần (sáng và chiều).
2. Trẻ dưới 2 tuổi không dùng gối
Ở Đan Mạch bạn khó (nếu không muốn nói là không thể) tìm thấy gối ôm hay gối nằm trong các cửa hàng dành cho trẻ em và siêu thi. Đơn giản là trẻ con dưới 2 tuổi ở đây không được khuyến khích dùng gối. Các chuyên gia khuyến cáo rủi ro biến chứng ở cổ và lưng của em bé nếu nằm gối kê đầu. Hơn nữa, với những trẻ hay cựa mình, ngọ nguậy khi ngủ thì nằm gối sẽ làm tăng nguy cơ SIDS (Sudden Infant Death Syndrom - đột tử ở trẻ sơ sinh). Điểm này hoàn toàn khác biệt với Việt Nam.
Cá nhân mình cũng đã thường xuyên tranh luận với mẹ khi bà ở đây về chuyện này và phải giải thích cho bà hiểu tại sao mình không cho chú Bèo nằm gối. Tuy nhiên thỉnh thoảng mình vẫn phải dùng khăn bông cuộn lại để nâng nửa thân trên của chú sau khi cho bú nhưng chú không ợ dù đã ẵm dựng lên một hồi lâu. Đến khi bé ợ thì mới lấy khăn ra, không thì bé bị ọc sữa.
Mỗi khi mẹ chồng qua thăm hay y tá tới khám, một trong những câu hỏi đầu tiên mà mình gặp là có cho chú Bèo nằm trên gối không đấy. Đến giờ, chú Bèo nhà mình gần một tuổi rồi nhưng vẫn nằm không, chẳng có gối kê gì hết, trừ chiếc gối ôm nhỏ mà mẹ mình gửi sang lúc chú được 7 tháng để chú ôm ''cho khỏi mỏi chân'' (trích nguyên văn của mẹ mình).
3. Ngủ chung hay riêng
Cũng như nhiều mẹ ở các nước phương Tây khác, em bé ở Đan Mạch thường được cho ngủ riêng ngay từ rất sớm. Lý do cho việc này là để an toàn cho bé. Người lớn khi ngủ thải ra một lượng khí carbon oxide, mặc dù không đáng kể nhưng với trẻ sơ sinh cũng không tốt, đặc biệt với những bé sinh thiếu tháng. Ngoài ra, nhiều bố mẹ khi ngủ thường ngủ rất sâu và không để ý đến xung quanh, có thể vô tình đụng chạm mạnh vào bé hoặc làm bé ngạt.
Dù hiểu rõ những rủi ro khi ngủ chung nhưng vì là con đầu, mình không kiềm được bản thân nên vẫn tranh cãi để thuyết phục anh xã về chuyện này. Cuối cùng thì giải pháp hợp lòng cả hai là cho con ngủ trong nôi riêng nhưng để ngay trên giường ở giữa hai vợ chồng. Như vậy, vừa an toàn cho chú Bèo (tên ở nhà của con trai mình), tránh được nguy cơ ba mẹ ngủ say đụng vào, vừa thỏa mãn nhu cầu nằm gần con của mình.
Tuy nhiên, khi mẹ mình qua thăm 3 tháng, vợ chồng mình đã để bé ngủ chung với ngoại vì thông cảm nỗi thương nhớ cháu của bà ở xa. Thi thoảng mình cũng thập thò lẻn vào nằm chung với hai bà cháu. Chiếc giường rộng nhưng chú Bèo chiếm hết một nửa, nửa còn lại mình và mẹ nằm chen nhau. Thế mà vẫn vui. Lúc chú Bèo được 3 tháng thì chỉ còn hai mẹ con mình ngủ chung trong phòng guestroom (phòng dành cho khách hoặc người nhà đến chơi và ngủ lại) cho đến khi bé 5 tháng và bắt đầu dễ tính hơn thì mình mới bắt đầu chiến dịch tách riêng.
Phải nói thêm rằng khi biết chuyện ngủ chung thế này, mẹ chồng và các bà bên chồng không đồng tình và hài lòng cho lắm. Nhưng vì tôn trọng con dâu và chuyện chăm sóc con cái mà họ không nói huỵch toẹt, chỉ tỏ thái độ ngạc nhiên và nói bâng quơ thôi.
4. Đặc biệt chú trọng phòng ngừa tình trạng méo đầu ở trẻ sơ sinh
Ngay từ khi còn ở bệnh viện, mình đã được căn dặn kỹ càng về vấn đề này. Ở trong phòng nghỉ cũng có những tờ hướng dẫn để mẹ đọc tham khảo. Hình dáng đầu của em bé từ khi mới lọt lòng cho đến vài tháng tuổi được các mẹ ở Đan Mạch quan tâm và theo dõi rất kỹ. Y tá khi tới nhà thăm khám cũng luôn kiểm tra đầu của bé để đảm bảo đầu bé không bị méo.
Nếu vì lý do nào đó mà đầu của bé bị méo và tình trạng này không chuyển biến khá hơn trước 6 tháng thì em bé sẽ được chuyển tới bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra kỹ càng (bao gồm cả scan, chụp hình... nhằm đảm bảo tình trạng méo không ảnh hưởng đến não). Thông thường, bé sẽ phải đội một loại mũ chuyên dụng 24/7 trong vài tháng đến khi đầu bé được nắn lại bình thường. Mũ này được "đo ni đóng giày" cho từng bé nên chỉ vừa khít hình dạng và kích cỡ đầu của bé, hoàn toàn không gây cảm giác khó chịu hay trở ngại gì khi bé phải đội suốt. Các chuyên gia cũng rất tâm lý khi thiết kế mũ cho bé, mũ luôn có những hình dáng, màu sắc cực bắt mắt và dễ thương. Khi nhìn vào, bạn cứ tưởng bé đang đội mũ thời trang nào đó thôi. Tất nhiên là mọi thứ đều miễn phí.
Các cha mẹ ở Đan Mạch được dặn luôn phải xoay đầu của bé khi ngủ, hạn chế không để bé ngủ trên ghế rung, mềm và nên thường xuyên địu bé khi bé thức. Chồng mình rất siêng năng trong việc để ý và xoay đầu chú Bèo từ trái sang phải (và ngược lại) khi chú ngủ. Vì bị hút lúc sinh nên lúc mới lọt lòng, đầu chú Bèo nhà mình nhìn như củ hành con, vậy mà nhờ chịu khó xoay đầu và ẵm địu, bây giờ đầu bé đã tròn xinh.
5. Không cần cho trẻ dưới 6 tháng uống nước
Cho bé uống nước hay không là một trong những đề tài mà mình và mẹ thường phải mất thời gian tranh cãi. Mẹ mình thì cho rằng cho em bé uống chút nước sôi để nguội hoàn toàn không sao, nhất là mỗi khi thấy chú Bèo nấc cục thì bà lại càng sốt ruột và muốn cho bé uống ngụm nước vì ''nhìn nó mắc cục thấy tội quá''. Mình thì phản đối và cho là không cần thiết.
Ở Đan Mạch nói riêng và các nước Tây Âu, Mỹ nói chung, các bác sĩ và chuyên gia Nhi đều không khuyến khích việc cho em bé dưới 6 tháng uống nước vì lượng nước cơ thể bé cần hoàn toàn được đáp ứng đủ từ sữa mẹ hay sữa công thức, ngay cả trong những ngày hè oi bức. Cho bé uống quá nhiều nước sẽ có nguy cơ bị ngộ độc nước - một biến chứng khiến các thành phần điện giải trong máu của bé bị loãng đi, làm cơ thể không hoạt động bình thường và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như cơ thể mất nhiệt, co giật. Chính vì những lý do này mà mình nhất quyết nói không với nước cho đến khi chú Bèo bắt đầu ăn dặm lúc 6 tháng tuổi.
Hang Christensen