Ở trạng thái tỉnh táo, chúng ta sẽ có cơ hội xử lý những cảm xúc tiêu cực và buông bỏ chúng. Nhưng khi chúng ta gặp khó khăn, cảm giác khó chịu có thể lớn dần lên, và thậm chí một điều bất tiện nhỏ cũng sẽ biến thành tấn bi kịch. Đi ngủ khi chưa giải quyết được cơn nóng giận là một trong những điều tổn thương nhất mà bạn có thể làm với cơ thể.
1. Giận dữ phá hỏng giấc ngủ
Căng thẳng và cảm giác nặng nề được cho là nguyên nhân kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, khiến bạn tỉnh táo về thể chất. Trong những trường hợp này, việc đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Hơn nữa, khoa học cũng đã chứng minh rằng giấc ngủ bị gián đoạn có thể gây ra nhiều cơn giận dữ hơn. Bạn có thể sẽ bị thức dậy với tình trạng kiệt sức thay vì sảng khoái. Trong trường hợp này, tức giận dẫn đến ngủ không ngon và ngủ không ngon lại gây ra tức giận nhiều hơn, tạo thành cái vòng luẩn quẩn không ai muốn có.
2. Tức giận gây nguy hiểm cho sức khỏe
Các nhà khoa học đã nhận định rằng chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của một người. Thông thường, giấc ngủ đóng vai trò như "liệu pháp điều trị qua đêm", giúp chúng ta ổn định cảm xúc để có tinh thần tốt hơn vào ngày hôm sau. Nhưng sự tức giận và căng thẳng dữ dội có thể gây nguy hiểm cho quá trình này. Khi ở trong trạng thái tâm lý tiêu cực, cơ thể giải phóng các hormone căng thẳng, khiến bạn trở nên cáu kỉnh hơn và nhiều triệu chứng đáng lo ngại có thể đi kèm.
Nếu bạn cứ luôn đi ngủ cùng cơn tức giận, về lâu dài, bạn sẽ không thể ngủ ngon giấc và gặp ác mộng - hoặc trường hợp xấu nhất là các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm.
3. Khó quên những cảm giác tồi tệ sau khi ngủ hơn
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng chúng ta ít có khả năng ngăn chặn những trải nghiệm tiêu cực sau khi ngủ hơn. Giấc ngủ phóng đại mọi cảm xúc, suy nghĩ và rắc rối. Khi ngủ, não của chúng ta xử lý thông tin mới, lưu trữ nó vào bộ nhớ ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, trong suốt quá trình ngủ, sự tức giận đi vào bộ nhớ dài hạn của chúng ta và có thể gây ảnh hưởng lâu dài.
4. Giận dữ giết chết sự chân thành
Buổi tối muộn là thời gian lý tưởng cho sự thân mật. Vì thế, khi đi ngủ cùng sự bực tức sẽ làm hỏng tâm trạng của bạn và chẳng khác nào "chất độc" với mối quan hệ giữa bạn với bạn đời. Và nếu điều này được lặp lại một cách thường xuyên, mối quan hệ này sớm muộn cũng bị phá hủy.
5. Gửi thông điệp tiêu cực đến đối tác
Nếu giữa hai người đang xảy ra một cuộc tranh cãi và bạn quyết định kéo chăn kín mặt để đi ngủ thì điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang gửi một thông điệp cho đối tác rằng bạn coi trọng chuyện "thắng-thua" hơn là duy trì mối quan hệ lành mạnh. Cách bạn giải quyết bất đồng có thể củng cố hoặc làm tan vỡ mối quan hệ của bạn.
Hà Nhi (Theo Bright Side)