Đánh đồng công việc yêu thích với sự hiệu quả khiến chúng ta cảm thấy bản thân nên làm việc nhiều hơn nữa, thậm chí bằng tất cả thời gian. Loại tâm lý này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, vừa nguy hiểm vừa khó phát hiện. Bởi khi bạn xem công việc là niềm đam mê to lớn, bạn có thể "yêu đương mù quáng" mà bỏ qua các dấu hiệu báo động đỏ từ cơ thể. Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của Mỹ, cứ 5 nhân viên có mức độ gắn kết cao với công ty thì có một người đang cảm thấy kiệt sức.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy bạn đang trong trạng thái căng thẳng tinh thần nghiêm trọng và mệt mỏi với chính công việc mình đam mê, yêu thích.
1. Bạn luôn mệt mỏi
Một trong những biểu hiện rõ rệt của tình trạng kiệt sức chính là việc bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, không có năng lượng làm việc dù bạn đã ngủ đủ giấc. Cảm giác này xuất hiện khi bạn bắt đầu có thái độ tiêu cực đối với các nhiệm vụ, dự án hay những đồng nghiệp trong công ty. Tồi tệ hơn, bạn quay lại làm việc vào thứ Hai nhưng vẫn thấy bản thân nghỉ ngơi chưa đủ sau hai ngày cuối tuần.
Với bạn, cuối tuần là để "ngủ nướng" thay vì thức dậy sớm và tham gia các hoạt động bổ ích bên gia đình, bạn bè. Thậm chí, bạn còn không muốn làm gì khác ngoài nằm ngủ. Theo các chuyên gia, luôn cảm thấy uể oải là triệu chứng bạn đang mất kiểm soát trong công việc.
2. Bạn đùn đẩy, bỏ bê công việc
Nếu bạn đang cố gắng đùn đẩy công việc hay trách nhiệm của mình sang đồng nghiệp, có nghĩa là bạn đã quá tải và có nguy cơ kiệt sức trong công việc. Lâu dần, bạn sẽ đi làm muộn, không tập trung, làm cho xong và bắt đầu trì hoãn các nhiệm vụ thường ngày. Một lần rồi hai lần, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của bạn trong mắt cấp trên, đồng nghiệp. Để thoát khỏi tình trạng này, bạn cần "đánh bại" sự lười biếng và thoái thác mọi thứ của mình. Khi mệt mỏi, bạn có thể nghỉ ngơi, nhưng không được phép "nuông chiều" cảm xúc bản thân một cách vô tội vạ.
3. Bạn hoài nghi về bản thân
Bạn không ngừng cố gắng qua từng ngày, làm việc thật chăm chỉ để tạo nên thành tựu trong công việc yêu thích, nhưng giờ bạn lại tự hỏi những gì mình đang làm liệu đã đi đến đâu. Cảm giác tự hạ thấp bản thân và mất tự tin chính là dấu hiệu kinh điển của tình trạng làm việc quá sức. Khi rơi vào trạng thái này, tâm trí của bạn bắt đầu thách thức lại chính bạn như một cách để xử lý những kỳ vọng, ước mơ bạn đã đặt ra cho sự nghiệp của mình.
4. Hiệu suất công việc giảm đáng kể
Bạn luôn làm tốt mọi nhiệm vụ được giao cho đến một ngày bạn cảm thấy mệt mỏi. Bạn mất tinh thần với tất cả mọi thứ xung quanh, cảm giác "chưng hửng" khiến bạn như muốn buông xuôi tất cả. Vì vậy, bạn không thể hoàn thành bất kỳ công việc nào một cách thỏa đáng. Hôm nay bạn trì trệ. Ngày hôm sau, cả hôm sau nữa, mọi thứ đều tệ hại và bạn không thể làm được gì.
Deadline tới gần, khối lượng công việc ngày càng tăng trong khi hiệu suất của bạn ngày càng giảm. Khi bạn dần nhận ra tiến độ của mình, đó cũng là lúc bạn đã ý thức được trạng thái kiệt sức của chính mình. Hãy cố gắng định hướng lại bản thân, tìm ra một điều gì đó làm động lực để tiếp tục chiến đấu trước khi bạn bị những cảm xúc tiêu cực chiếm lấy.
5. Bạn bị ốm liên tục
Bạn thường xuyên đau đầu mãi không thuyên giảm? Không riêng đau đầu, nếu bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể cho một chứng bệnh dai dẳng của bạn thì đó là lúc bạn phải xem lại lịch làm việc của mình. Bởi, khoa học đã tìm ra vô số mối liên hệ giữa những vấn đề thể chất với các trạng thái tiêu cực về tinh thần. Đôi khi, công việc quá căng thẳng sẽ làm sức khỏe của bạn tổn hại không ít. Một số nghiên cứu còn cho rằng, việc kiệt sức nặng về tinh thần sẽ gây suy giảm nhanh sức khỏe, dẫn đến một số vấn đề thường gặp về tim mạch, rối loạn tiêu hóa, căng cơ, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ và cảm cúm.
Vy Trần (Theo Huffpost)