1. Kế hoạch đám cưới như thế nào?
Dự định về kế hoạch cưới là một vấn đề lớn, có thể mơ hồ, nhưng ngay từ khi quyết định cưới, cô dâu chú rể nên thẳng thắn chia sẻ ý muốn về cách tổ chức cưới. Bạn muốn đám cưới nhỏ gọn, phong cách gần gũi hay đám cưới hoành tráng, mời tất cả bạn bè người quen, điều đó sẽ quyết định kinh phí và việc chuẩn bị. Dù mong muốn đám cưới ra sao, uyên ương cũng nên bàn bạc với nhau cụ thể, chi tiết, từ đó thống nhất cách tổ chức.
2. Sau cưới hai người sẽ sống ở đâu?
Việc về sống chung với gia đình là lo ngại không nhỏ của nhiều uyên ương, đặc biệt là đối với cô dâu. Nếu hai người có kinh tế vững vàng và muốn độc lập tự chủ, cả hai có thể ở riêng để đảm bảo không gian riêng tư. Nếu gia đình chú rể ít người, cần ở chung với cha mẹ, uyên ương cũng nên xác định những tình huống dễ ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Điều quan trọng nhất là cô dâu chú rể thông cảm, hiểu nhau và cùng đồng lòng lựa chọn nơi sẽ ở sau đám cưới. Nếu cảm thấy không thể ở cùng bố mẹ chồng, bạn cũng phải bày tỏ quan điểm ngay để tìm ra giải pháp thích hợp, tránh trường hợp cưới xong, về sống chung lại gây ra xích mích.
3. Việc chia sẻ về kinh tế sau đám cưới như thế nào?
Khi cùng chung sống, cô dâu chú rể sẽ phải cùng lo liệu mọi chi phí từ lớn tới nhỏ cho gia đình. Việc chia sẻ về kinh tế khá nhạy cảm nên ngay trước ngày cưới, uyên ương nên bàn bạc cụ thể, thẳng thắn về số tiền cố định mà cả hai sẽ đóng góp mỗi tháng vào ngân sách chung và sẽ được giữ lại bao nhiêu phần để chi tiêu riêng cho bản thân. Khi có kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ tránh được những xung đột không cần thiết, giữ được hạnh phúc cho cuộc sống hôn nhân.
4. Cách cân bằng giữa gia đình và công việc ra sao?
Khi độc thân, cô dâu chú rể sẽ có nhiều thời gian làm việc, tận hưởng cuộc sống nhưng khi kết hôn, quỹ thời gian sẽ phải chia sẻ cho cả việc chăm sóc gia đình. Uyên ương nên phân chia công việc nhà, lên kế hoạch về thăm gia đình hai bên mỗi tuần, mỗi tháng hoặc tùy điều kiện cho phép.
Nếu là người quảng giao, có nhu cầu gặp gỡ bạn bè thường xuyên, cô dâu, chú rể cũng nên chia sẻ với người bạn đời để xem thái độ cũng như cách nghĩ của đối phương. Việc tôn trọng thời gian riêng tư của nhau là điều cần thiết trong cuộc sống hôn nhân.
5. Dự định về con cái?
Nếu uyên ương còn trẻ, cần có thời gian tận hưởng cuộc sống của những đôi tình nhân và chưa muốn sinh con ngay sau đám cưới, hai bạn cần có kế hoạch ngay trước cưới. Ngoài việc bàn bạc cùng nhau, việc thuyết phục gia đình cũng là điều cần thiết. Thường các bậc phụ huynh sẽ mong cặp đôi sinh con ngay sau đám cưới. Nên nếu muốn "hoãn" việc sinh con, cô dâu chú rể nên khéo léo đề cập đến vấn đề này.
Nếu có ý định làm cha mẹ sớm, bạn cần chuẩn bị một khoản chi phí dự phòng và không nên tiêu hết tiền tiết kiệm vào đám cưới vì việc sinh con sẽ tiêu tốn không ít số tiền bạn có. Đồng thời, nếu định sinh con ngay, bạn cũng cần tiêm phòng trước khi kết hôn để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
Linh Linh
Ảnh: A.X