![]() |
Người dân Gia Lạc, Gia Viễn, Ninh Bình chạy lũ sáng qua 6/10. |
Trong đó Sơn La có 3 người chết do sạt ta-luy đường gây sập nhà, bị vùi lấp à 4 người mất tích, do lũ cuốn trôi; Hoà Bình, 1 người chết do lũ cuốn trôi). Theo TTXVN lúc cuối ngày, tại Hòa Bình đã có 7 người chết, 3 người mất tích; Ninh Bình:1 người chết do lũ cuốn trôi. Yên Bái có 2 người chết; Thanh Hoá: 2 người chết do lũ cuốn trôi. Song, tính tới 21h đã có 8 người chết và mất tích;
Nghệ An: 4 người chết và 2 người mất tích do lũ cuốn trôi. Đến 22h đêm qua Nghệ An đã có 20 người chết và mất tích). Thiệt hại tài sản ước hàng trăm tỷ đồng (riêng Thanh Hóa, thiệt hại tài sản khoảng 335 tỷ đồng).
Trong đó, số nhà bị đổ, sập: 4.207; số nhà bị ngập, hư hỏng: 18.625; trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại: 226; diện tích lúa bị ngập, hư hại: 6.183 ha; diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 35.171 ha; khối lượng đất bị sạt lở: 117.000 m3.
Cũng trong ngày 6/10, BCĐ PCLB T.Ư đã có tổng hợp mới nhất về thiệt hại do cơn bão số 5. Theo đó, có 7 người chết và mất tích (Thái Bình: 1; Quảng Bình: 3; Quảng Trị: 1; Quảng Nam: 1; Quảng Ngãi: 1 và 1 người mất tích ở Quảng Bình). Số người bị thương lên tới 92 người.
Về thiệt hại tài sản, số nhà bị đổ, sập: 886; số nhà bị tốc mái, hư hỏng: 69.527; trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại: 737; diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 32.806 ha…
Sau sự cố vỡ đê, tràn đê sông Bưởi, các lực lượng quân đội, công an đã huy động máy bay trực thăng, thuyền, xuồng di dời, cứu những người vẫn đang kẹt giữa biển nước.
Đêm 5/10, tiếng còi báo động di dời khẩn cấp liên tục vang lên tại các xã bên ngoài đê sông Bưởi (huyện Thạch Thành). Dự báo nguy cơ vỡ đê, tràn đê sông Bưởi đã được báo trước, thế nhưng đến sáng 6/10, hàng nghìn người dân của 22/28 xã của huyện Thạch Thành vẫn đang kẹt giữa biển nước chưa thể di dời.
Sau khi đê sông Bưởi bị vỡ, tràn nước, quốc lộ 45 hướng từ TP Thanh Hóa đến huyện Thạch Thành đã bị chia cắt hoàn toàn. Nước lũ tràn, dâng nhanh chưa từng có trong lịch sử. Mực nước đã che khuất các biển báo hiệu giao thông. Hơn 22 xã của Thạch Thành và một số xã của huyện Vĩnh Lộc đã chìm trong biển nước.
Tại vị trí tràn đê sông Bưởi ở thôn Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chiến sĩ bộ đội thuộc Đại đội 6, Lữ đoàn pháo binh 368 (thuộc Quân đoàn 1) gấp gáp bê những bì đất, cát chắn nước giữ đê.
Chị Lưu Thị Hiền, thôn 10, xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Lộc vừa khóc vừa tất tưởi chạy đến cầu cứu lực lượng cứu hộ: “Nhà tôi còn 6 người trong đó, cháu nhỏ mới 8 tuổi. Nước dâng không còn chỗ nào để đứng nữa. Còn nhiều người dân trong xã cũng chưa đi được vì không có thuyền”.
Tại vị trí đê ở thôn 1, xã Thạch Long (huyện Thạch Thành) có những đoạn nước đã mấp mé lên mặt đê. Thế nhưng, hàng chục hộ dân ở thôn này vừa được di dời lên đê đang dựng lều ở tạm vì không còn nơi tránh lũ.
Bà Nguyễn Thị Xuân (68 tuổi) ở thôn 1 (Thạch Long) vừa lấy những thìa cơm nguội lạnh động viên cho mẹ mình là cụ Trinh Thị Di (96 tuổi) ăn cho đỡ đói, vừa nói: “Chưa bao giờ tôi thấy lũ về nhanh như thế, đồ đạc bị cuốn trôi hết. Chỉ kịp đưa người lên đê. Các con và cháu tôi còn đang ở nhà để cố giữ được vật dụng gì thì giữ”.
Ông Đinh Xuân Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Sáng 6/10, toàn huyện đã có 30km đê sông Bưởi bị vỡ, sạt lở, tràn toàn tuyến; có 120.000 dân đã được di dời; nước làm ngập hơn 40.000 nhà cửa, hàng nghìn héc - ta lúa, hoa màu; có 2 người bị nước lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại toàn huyện đến thời điểm hiện nay là gần 300 tỷ đồng.
Đến trưa ngày 6/10, âm thanh của những chuyến máy bay trực thăng đã xuất hiện trên vùng lũ Thạch Thành. Những gói bánh mì, lương khô, mì tôm được bọc trong các túi nilon đã được thả xuống cho người dân trong vùng lũ.
Tại một số huyện trên địa bàn Thanh Hóa như Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa… từ sáng 6/10 nước sông Mã tiếp tục dâng cao đã làm ngập nhiều làng, bản.
Dọc tuyến quốc lộ 217, 45 việc di dời dân, tài sản vẫn đang diễn ra. Nước lũ dâng cao tạo cơ hội làm dịch vụ vận chuyển xe, người ở nhiều địa phương. Trên quốc lộ 45, tại địa phận Cầu Si, xã Định Bình, huyện Yên Định, nước ngập mặt đường hơn 1km.
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa: Hiện, sự cố xói, lở khoảng 300.000 m3 đất, đá ở đập chính đang thi công ở công trình Cửa Đạt chưa thể khắc phục trong thời điểm hiện nay vì lưu lượng nước sông Chu vẫn đang chảy rất mạnh.
Ước tính thiệt hại do lũ gây ra tại công trình này là từ 40 đến 50 tỷ đồng. Đến 20h30 ngày 6/10, toàn tỉnh có 542 ngôi nhà bị cuốn, 5.400 nhà bị hư hỏng nặng, 1.670 nhà bị tốc mái, 25.378 nhà bị ngập nặng; 16.500 ha ngô bị đổ, 12.300 ha lúa bị dập nát; 155.000 tấn lương thực bị hư hỏng do không kịp di dời. Ước tính tổng thiệt hại là 475 tỷ đồng. Hiện Thanh Hóa 8 người chết và mất tích.
(Theo Tiền Phong)