1. Hiểu ý tưởng nào có khả năng tạo ra sự khác biệt và lắng nghe đồng nghiệp
Để ý tưởng trở nên khác biệt, tăng sức thuyết phục, hãy mạnh dạn chia sẻ dự án của bạn với đồng nghiệp và lắng nghe góp ý từ họ, tránh đề tài đi lạc hướng. Đồng nghiệp không chỉ giúp bạn hoàn chỉnh ý tưởng một cách hoàn hảo, họ còn cung cấp thêm cho bạn một số gợi ý, kiến thức phù hợp. Ngoài đồng nghiệp, bạn có thể xin lời khuyên từ người quản lý trực tiếp, hoặc một số lãnh đạo của phòng ban khác.
Bên cạnh đó, cần chú ý thêm các vấn đề mà cấp trên thường xuyên bác bỏ, không hài lòng. Càng hiểu rõ những gì sếp mong muốn, khả năng thành công càng cao. Sự khác biệt còn bắt nguồn từ nội tại của mỗi cá nhân. Hãy luôn sáng tạo và đổi mới để tạo điểm nhấn, sự khác biệt trong chính bạn và công việc của bạn.
2. Xác định các bên liên quan và tìm hiểu xem họ muốn gì để trình bày ý tưởng bằng ngôn ngữ đó
Hầu hết, mọi công ty đều có chung những mối quan tâm giống nhau như: Tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, nhiều hơn, bảo mật hơn... Vì vậy, hãy trình bày ý tưởng của mình theo các yếu tố trên, để tỷ lệ lắng nghe và được chấp thuận tăng cao. Bạn cũng cần chuẩn bị thêm hướng giải quyết. Có như vậy, đề xuất và ý kiến đóng góp mới có tính khả thi, thuyết phục.
3. Thời gian và các mốc thời gian trong ngân sách
Để cấp trên dễ dàng "bật đèn xanh" cho ý tưởng của bạn, cần có chiến lược về thời điểm đề xuất. Bởi vì, tiền luôn có sức ảnh hưởng lớn đến thời điểm. Theo Ethan Burris, Giám đốc tại Đại học Texas, Austin, "Nếu bạn đưa ra loạt ý tưởng mới vào tháng 8 sau khi các chu kỳ ngân sách đã được thiết lập cho năm học tới, thì thật khó để lấy ngân sách đó dùng cho dự án của bạn".
4. Đừng vội bỏ cuộc nếu bị bác bỏ, đồng nghiệp có thể giúp bạn đưa ý tưởng đến đích
Nhân viên thường có tâm lý bỏ cuộc khi bị sếp từ chối ý tưởng. Đôi khi, họ sẽ ngay lập tức bắt tay vào sửa theo đúng ý của cấp trên một cách thiếu khoa học, và có phần đối phó. Vì vậy, kết quả có được là những chắp vá không hài hòa, và lại tiếp tục bị từ chối.
Đầu tiên, cần bình tĩnh và xem lại toàn bộ quá trình sáng tạo của bản thân từ những bước đầu tiên, sau khi sửa lại phải bảo đảm sự thống nhất, nhất những chi tiết phức tạp. Tránh trường hợp vừa bị từ chối lại sinh ra tâm lý từ bỏ, ức chế, khiến ý tưởng thú vị ban đầu trở nên tệ hại.
Lắng nghe các ý kiến khách quan từ đồng nghiệp, đặc biệt từ những người có ý tưởng được duyệt vì lời khuyên của họ càng thực tế và có giá trị hơn. Đừng lo lắng bản thân bị đồng nghiệp so sánh, đánh giá thấp. Hãy cầu thị và lắng nghe để ý tưởng trở nên chặt chẽ, có chiều sâu. Thông qua đó, mối quan hệ với những người xung quanh cũng được cải thiện trong những lần chia sẻ tới.
Vy Trần (theo Huffpost)