Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney, Australia, đã phân tích dữ liệu từ 22.398 người trưởng thành không tập thể dục, trung bình 62 tuổi, cho họ đeo thiết bị theo dõi hoạt động trên cổ tay trong khoảng thời gian 7 ngày. Sau đó, họ xem xét các chẩn đoán, nhập viện và tử vong liên quan đến ung thư của những người tham gia trong khoảng thời gian vài năm.
Kết quả cho thấy những người tham gia hoạt động thể chất cường độ cao ngắt quãng hàng ngày (VILPA) trung bình 4-5 phút mỗi ngày đã giảm 32% nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến hoạt động thể chất như ung thư thận, bàng quang, dạ dày và phổi.
Với những người tham gia chỉ tập thể dục từ 3-4 đến 3-6 phút một ngày, nguy cơ mắc ung thư giảm xuống còn 17 đến 18%.
Theo bài báo trên tạp chí, những người được chẩn đoán ung thư trước đó đã bị loại khỏi nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh các yếu tố bao gồm tuổi tác, chỉ số BMI, tiền sử bệnh tim, thói quen ngủ, chế độ ăn uống, tiền sử ung thư gia đình và tình trạng hút thuốc.
"Chúng tôi biết phần lớn người trung niên không tập thể dục thường xuyên, điều này khiến họ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Nhưng nhờ sự ra đời của công nghệ đeo được như máy theo dõi hoạt động, chúng tôi mới có thể xem xét tác động của các đợt bùng phát ngẫu nhiên trong thời gian ngắn", Emmanuel Stamatakis, tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư tại Trung tâm Charles Perkins thuộc Đại học Sydney, cho biết.
"Thật đáng chú ý khi thấy rằng việc tăng cường độ của các công việc hàng ngày chỉ từ 4 đến 5 phút, được thực hiện trong các đợt ngắn khoảng một phút mỗi lần, có liên quan đến việc giảm tổng thể nguy cơ ung thư 18% và lên đến 32% đối với các loại ung thư liên quan đến hoạt động thể chất", ông nói thêm.
Trong nghiên cứu, VILPA được định nghĩa là "những đợt hoạt động thể chất mạnh mẽ và ngắn ngủi trong cuộc sống hàng ngày", chẳng hạn như leo cầu thang, mang túi hàng tạp hóa nặng, hoàn thành các công việc gia đình, đi bộ nhanh và chơi các trò chơi tốn nhiều năng lượng với trẻ em.
"Tác động tiềm năng của VILPA đối với việc ngăn ngừa ung thư và một loạt các kết quả sức khỏe khác rất lớn. VILPA giống như việc áp dụng các nguyên tắc của bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) vào cuộc sống hàng ngày của bạn", Stamatakis nói.
Đây được cho là nghiên cứu đầu tiên đánh giá mối liên quan của VILPA với tỷ lệ mắc bệnh ung thư, các tác giả viết.
Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế, trong đó có việc đại đa số (96%) người trưởng thành được phân tích là người da trắng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng mang tính chất quan sát và không nhằm mục đích chứng minh mối quan hệ nhân quả.
Hướng Dương (Theo NY Post)