1. Thực phẩm chống oxy hóa
Vitamin C, lycopene, anthocyanin đều là những chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, góp phần giảm bớt tác hại do gốc tự do gây ra. Để bổ sung vitamin C, chuyên gia khuyên nên ăn nhiều súp lơ, ớt chuông xanh, kiwi, dâu tây, các loại quả mọng.
Lycopene có nhiều trong cà chua. Anthocyanin tập trung chủ yếu ở các loại thực phẩm màu tím như bắp cải tím, khoai lang... Tuy nhiên, chất này thường bị phân hủy khi gặp nhiệt độ cao. Vì vậy, thêm dâu tằm, việt quất vào thực đơn là cách lý tưởng hơn cả để bổ sung anthocyanin.
2. Thực phẩm chống viêm
DHA là một acid béo thuộc nhóm Omega-3 giúp tăng khả năng miễn dịch, ức chế viêm trong cơ thể, nhờ đó bảo toàn tế bào khỏe mạnh. Để bổ sung DHA cho cơ thể, ngoài việc sử dụng các sản phẩm chức năng, chuyên gia khuyên nên tiêu thụ nhiều loại cá biển như cá hồi, cá thu. Tuy nhiên, việc chế biến những loại cá này ở nhiệt độ cao cùng nhiều dầu mỡ cũng làm hao hụt, biến đổi DHA, vì vậy, nên ưu tiên phương pháp hấp, luộc hoặc ăn sống. Ngoài các loại cá biển, hạt óc chó cũng chứa DHA.
3. Thực phẩm bổ sung collagen
Chuyên gia Gu Chualing chỉ ra rằng quan niệm ăn chân giò, chân gà không thực sự giúp ích cho việc bổ sung collagen do lượng collagen trong những món này không cao lại ảnh hưởng đến cholesterol. Nguồn thực phẩm có lợi nhất cho việc tổng hợp collagen trong cơ thể có thể kể đến như thịt, sữa, trứng và đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành.
4. Thực phẩm giàu sắt
Càng có tuổi, quá trình tạo máu trong cơ thể càng có xu hướng suy yếu. Khi thiếu sắt, quá trình này sẽ phần nào bị trì trệ, khiến sắc mặt nhợt nhạt, xỉn màu, kém tươi tắn. Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh không nên tự ý uống các loại thực phẩm chức năng bổ sung sắt do chất này khi dư thừa sẽ thúc đẩy lão hóa nhanh hơn. Đổi lại, nên bổ sung sắt thông qua ăn uống hàng ngày. Thịt đỏ, gan lợn, lòng đỏ trứng, động vật có vỏ như hàu, tôm... là những nguồn thực phẩm giàu sắt, an toàn cho cơ thể.
Duk Sun (Theo ETToday)