Hãy kiểm điểm lại 4 lý do thông thường nhất giải thích tại sao người ta không được đề bạt và cách xử lý với những trường hợp đó.
1. Bạn không được đề bạt bởi vì bạn không đáp ứng yêu cầu để đảm đương vị trí cao hơn. Có hai trường hợp xảy ra ở đây:
Thứ nhất: thực chất, bạn có đủ khả năng để thực hiện những công việc, trách nhiệm mới, nhưng bạn chưa cố gắng hết sức để thể hiện hết khả năng của mình.
Trong trường hợp này, hy vọng là công ty của bạn có một chương trình đạo tạo. Nếu có, hãy lập tức tham gia mà không chần chừ nữa.
Nếu chưa có chương trình đào tạo nào như vậy, thì cơ hội là tùy vào bạn có biết tìm cách học hỏi để xử lý những công việc quan trọng hơn hay không? Hãy học và thực hành công việc theo thời gian riêng của bạn. Hãy kiên nhẫn và bền bỉ. Hãy thuyết phục sếp là bạn đã sẵn sàng và quyết tâm đảm nhận công việc mới!
Trường hợp thứ hai: có thể là công việc mà bạn đang nhắm tới đơn giản là nằm ngoài khả năng của bạn! Bạn phải chấp nhận sự thật là bạn cũng là một con người bình thường và có những giới hạn nhất định.
Ở trường hợp này, bạn sẽ có ít nhất hai lựa chọn: cố gắng hết sức mình ở vị trí hiện tại của bạn; hoặc nỗ lực phấn đấu theo một định hướng khác nhưng thực tế hơn, tận dụng tối đa những khả năng của mình.
2. Bạn không được thăng tiến bởi vì không có ai thay thế vị trí hiện tại của bạn
Công ty của bạn lẽ ra phải có một kế hoạch đào tạo tạo nhân sự nối tiếp nhau cho những vị trí quan trọng. Nhưng, nếu vị trí của bạn lại không được chuẩn bị thay thế, bạn không thể trách phiền việc trì trệ thăng tiến của mình cho một ai khác hoặc điều gì khác được!
Trường hợp này, bạn phải tự tìm cách bảo đảm ít nhất có một người sẵn sàng thay vào vị trí của bạn. Hãy chọn một ứng viên phù hợp và đào tạo cho người đó những công cụ cần có để thay bạn khi bạn lên vị trí cao hơn.
3. “Họ” không biết bạn đang làm gì, bạn có thể làm được bao nhiêu, bạn đã sẵn sàng như thế nào để được tiến cử...
Trong thế giới cạnh tranh việc làm mạnh mẽ như ngày nay, hãy nghĩ về chính bạn như một món hàng và phải được bày bán để phát triển nghề nghiệp của mình. Điều này có nghĩa là người mua (tức là người quản lý, người quyết định về nghề nghiệp của bạn) cần phải nhìn nhận đầy đủ về phẩm chất và khả năng phát triển của bạn. Hãy làm việc hết mình, chuẩn bị cho việc thăng tiến và hãy truyền đạt cho người khác thấy thực tế nguyện vọng và quyết tâm của bạn.
4. Bạn đã cố gắng không ngừng để được đề cử vị trí cao hơn. Nhưng mọi việc vẫn trì trệ, không ai trong cơ quan bạn thay đổi công việc, việc kinh doanh phát triển chậm chạp... không còn chỗ để mở rộng.
Cơ hội vẫn tùy vào bạn. Nếu bạn nhận ra đây chính là tình trạng đang diễn ra với mình, sự nghiệp của bạn đã được xác định rất rõ ràng hơn bao giờ hết. Có thể nói, con đường thăng tiến của bạn đã đi vào bế tắc. Có hai cách giải tỏa bế tắc này:
Một là, hãy xem xét những lợi ích cộng thêm trong công việc hiện tại của bạn. Chắc chắn là có một vài lợi ích. Chúng sẽ duy trì mức tối thiểu hiện nay chứ? Còn lý do cá nhân nào khiến cho bạn ở lại tại vị trí này không? (Hãy suy nghĩ kỹ để chắc chắn rằng chúng không bị lạm dụng thành một cái cớ giữ chân bạn?) Những lợi ích này có xứng đáng với cái giá mà bạn phải trả cho việc dậm chân tại chỗ ở mức dưới khả năng của mình? Nếu có, bạn có thể ở lại và hy vọng mọi việc sẽ khá dần lên.
Hai là, nếu những mong muốn không được đáp ứng đang thiêu đốt bạn, thì hãy thuyên chuyển đến một công ty khác mà bạn có cơ hội phát triển.
Bước đầu tiên để nhận được tiến cử chính là hiểu rõ sự thành bại trong sự nghiệp của mình. Mà nguyên nhân của sự thành bại ấy hoàn toàn xuất phát từ chính bản thân bạn.
(Theo Tuổi Trẻ)