Tiểu đường, hay đái tháo đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn bình thường do cơ thể thiếu hụt insulin hoặc kháng insulin hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu không được điều trị kịp thời và kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu, bệnh nhân tiểu đường sẽ bị tổn thương hoặc mắc bệnh lý về tim mạch, mắt, thận, hệ thần kinh, da và nhiều mô khác.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Bổ sung vitamin thích hợp và cân đối cho người đường huyết cao có lợi cho việc điều chỉnh rối loạn chuyển hóa, ngăn ngừa biến chứng. Có 4 loại vitamin chủ yếu cần bổ sung cho người bị tiểu đường.
1. Beta-carotene
Beta-carotene có thể được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể con người và có khả năng chống lại các gốc tự do oxy rất tốt.
Do sự mất cân bằng của hệ thống chống oxy hóa ở bệnh nhân tiểu đường, việc bổ sung beta-carotene sẽ có lợi trong việc kiểm soát sự phát triển bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh có thể bổ sung 15-25 mg vitamin này mỗi ngày.
Carotene chủ yếu tồn tại trong các loại rau và trái cây có màu xanh đậm hoặc vàng đỏ, bao gồm cà rốt, khoai lang, cải bẹ xanh, rau bina, lá rau diếp, bí ngô...
2. Vitamin E
Vitamin E, còn được gọi là tocopherol, là loại vitamin hòa tan trong chất béo, giúp bảo vệ Beta-carotene khỏi quá trình oxy hóa và cả hai có tác dụng hiệp đồng.
Hàm lượng vitamin E ở bệnh nhân đái tháo đường thường thấp hơn so với người bình thường và giảm dần theo tuổi tác. Lượng vitamin E khuyến nghị hàng ngày cho người bình thường là 10 mg, vì thế người bệnh tiểu đường có thể bổ sung 100-200 mg vitamin E mỗi ngày để phòng ngừa các biến chứng như bệnh tim mạch, mạch máu não.
Thực phẩm giàu vitamin E bao gồm dầu thực vật, mầm lúa mì, quả hạch, hạt, đậu và mầm ngũ cốc khác.
3. Vitamin C
Còn được gọi là axit ascorbic, vitamin C là một chất chống oxy hóa hòa tan trong nước có tác dụng chống oxy hóa hiệp đồng với vitamin E và Beta-carotene.
Bổ sung vitamin C có thể làm giảm peroxit lipid huyết tương tăng lên ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, giảm tổng lượng sterol và chất béo trung tính trong máu, tăng sterol lipoprotein mật độ cao, giảm cholesterol lipoprotein mật độ thấp biến đổi oxy hóa, giảm tiểu albumin vi lượng và bệnh võng mạc tiểu đường sớm.
Lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày cho người khỏe mạnh là 60 mg, bệnh nhân đái tháo đường có thể bổ sung 100-500 mg. Các nguồn vitamin C chính là trái cây tươi và rau quả.
4. Các loại vitamin B
Vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6 và vitamin B12 có tác dụng điều trị bổ trợ nhất định đối với bệnh viêm đa dây thần kinh do tiểu đường.
Nồng độ homocystein thường tăng cao ở bệnh nhân đái tháo đường so với nhóm không bị bệnh. Điều này rất dễ gây ra nguy cơ xơ vữa động mạch, tuy nhiên các loại vitamin B6, vitamin B12 và axit folic có thể làm giảm nồng độ homocysteine này. Vitamin B cũng là coenzyme trong các liên kết khác nhau của quá trình chuyển hóa glucose. Bệnh nhân đái tháo đường cần được bổ sung vitamin B đúng cách. Các loại thực phẩm chính giàu vitamin B gồm:
- Thực phẩm có hàm lượng vitamin B1 cao: ngũ cốc, đậu, quả khô, nội tạng động vật, thịt nạc, trứng gia cầm
- Nguồn thực phẩm chính của vitamin B2 là sữa và thịt
- Thực phẩm có hàm lượng vitamin B6 cao nhất là trái cây sấy khô, cá và gia cầm
- Các nguồn thực phẩm chính của vitamin B12 là thịt, nội tạng động vật, cá, gia cầm, trứng
Hướng Dương (Theo Sohu)