Trong khi quan điểm ung thư có thể phòng ngừa và chữa khỏi đã trở nên khá phổ biến, phần lớn người bình thường vẫn cho rằng việc bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giống như phải nhận án tử hình.
Với sự phát triển nhanh chóng của nghiên cứu ung thư học hiện đại, từ năm 2006, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa lại ung thư là một bệnh mãn tính có thể điều trị, kiểm soát được hoặc thậm chí chữa khỏi.
Những loại ung thư nào có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm?
1. Ung thư vú
Ung thư vú khiến phụ nữ cảm thấy sợ hãi, không chỉ vì căn bệnh này nguy hiểm đến tính mạng, mà điều khiến họ không chấp nhận được chính là những khiếm khuyết về thể chất sau mổ, ảnh hưởng tương đối lớn đến tâm lý. Nhưng trên thực tế, khi ung thư vú được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi rất cao (có thể đạt 70% đến 80%).
Ngoài ra, sự phát triển của y học hiện nay cũng có thể giữ lại phần lớn bầu ngực cho chị em, giảm tổn thương cho cơ thể do phẫu thuật gây ra ở một mức độ nhất định. Việc áp dụng kết hợp hóa trị, liệu pháp nội tiết và các chương trình khác, hầu hết các bệnh nhân đều có tiên lượng tốt.
2. Ung thư cổ tử cung
Tiên lượng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu rất tốt, sau khi điều trị bằng phẫu thuật, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có thể lên tới hơn 95%.
Ung thư cổ tử cung hiện là khối u ác tính duy nhất có căn nguyên rõ ràng. Hầu hết trường hợp ung thư cổ tử cung đều liên quan đến sự lây nhiễm dai dẳng của virus HPV, do đó có thể phòng ngừa chủ động thông qua tầm soát và tiêm phòng định kỳ.
3. Ung thư dạ dày
Trong cuộc sống ngày nay, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc ung thư dạ dày ngày càng tăng. Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu có tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%, nếu phát hiện sớm và điều trị sớm thì mối đe dọa của ung thư dạ dày đối với cơ thể giảm đi rất nhiều.
Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy 50% trường hợp ung thư dạ dày có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), và hầu hết các trường hợp nhiễm vi khuẩn này là do thói quen dùng chung trong bữa ăn.
4. Ung thư máu (bệnh bạch cầu)
Bệnh cầu cấp bệnh học tiền tủy bào (APL) là một loại bệnh bạch cầu (ung thư máu) cấp tính. Do ở giai đoạn đầu bệnh sẽ kèm theo xu hướng xuất huyết tương đối rộng, nên một khi khởi phát sẽ càng nguy hiểm, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như thiếu máu, chảy máu, nhiễm trùng, sốt... Phần lớn bệnh bạch cầu cấp giai đoạn đầu đều có thể chữa khỏi bằng hóa trị và ghép tế bào gốc tạo máu. Ngay cả khi không thể chữa khỏi, hầu hết bệnh nhân ung thư vẫn có thể sống chung với các khối u.
Ung thư là nỗi kinh hoàng vì nó không phải là bệnh cục bộ mà là bệnh toàn thân rất phức tạp. Do đó, mấu chốt để nâng cao tỷ lệ sống sót khi mắc bệnh ung thư chính là đề phòng khi sức khỏe tốt, tốt nhất nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm để kịp thời phát hiện những bất thường. Sau khi phát hiện ung thư, cần điều trị càng sớm càng tốt để cải thiện tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư và kéo dài thời gian sống sót.
Phòng ngừa và điều trị ung thư thế nào?
1. Tăng cường cải thiện khả năng miễn dịch
Duy trì một lối sống tốt, tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư trong cuộc sống, không hút thuốc, không uống quá nhiều, tăng cường hoạt động thể chất và duy trì tâm trạng tốt, đều có thể cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể và đạt được mục đích chống lại ung thư.
2. Tầm soát tiền ung thư
Tầm soát ung thư sớm có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống sót và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, những người khỏe mạnh không nên thực hiện tầm soát ung thư phổ thông, do một số lần kiểm tra cũng sẽ gây ra vài tổn thương cho cơ thể và đối với nhóm nguy cơ cao.
Với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, thói quen sinh hoạt không tốt không thể giúp cải thiện hoặc môi trường làm việc bị ô nhiễm bức xạ nhất định, việc tầm soát ung thư sớm càng cần thiết, có thể phát hiện ung thư sớm và các tổn thương tiền ung thư ở phạm vi nhất định.
3. Điều trị đúng tiêu chuẩn
Bệnh nhân ung thư được điều trị khác nhau ở các giai đoạn khác nhau của bệnh. Bệnh nhân ở giai đoạn đầu có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật triệt để, khả năng chữa khỏi tương đối cao. Ở những bệnh nhân ở giai đoạn giữa, các liệu pháp toàn diện như hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch có thể làm giảm mức độ tổn thương, tạo điều kiện cho các cuộc phẫu thuật tiếp theo và bệnh nhân cũng có thể có được tiên lượng tốt hơn, ngăn ngừa tái phát và cải thiện lâu dài tỷ lệ sống sót.
Trong khi đó, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần được điều trị chống ung thư tương ứng tùy theo tình trạng thể chất của họ vì tổn thương khối u đã lan rộng. Với sự tiến bộ không ngừng của kỹ thuật y học, cũng có nhiều phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, giúp giảm đau để bệnh nhân có thể sống với khối u.
4. Phòng ngừa tái phát và di căn
Bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu có thể đạt hiệu quả chữa bệnh tốt sau khi điều trị bằng phẫu thuật, nhưng nếu điều trị không triệt để có thể dẫn đến ung thư tái phát, di căn. Không có phương pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư, vì vậy sau khi điều trị có hệ thống và đều đặn, bệnh nhân cần phải tái khám định kỳ. Dù cơ thể hồi phục tốt, người bệnh cũng cần làm tốt công tác theo dõi và tái khám để kịp thời phát hiện những bất thường về cơ thể.
Hướng Dương (Theo Sohu)