Là thương hiệu thời trang danh tiếng hàng đầu thế giới với lịch sử lâu đời, Chanel luôn được ngưỡng mộ bởi sức sáng tạo không ngừng, mang đến sản phẩm chất lượng đỉnh cao, khiến hàng triệu phụ nữ khắp thế giới khao khát. Không chỉ vậy, giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld còn trở thành huyền thoại trong làng mốt với nhiều kiệt tác set-up sân khấu độc đáo, hiện thực hóa một cách ngoạn mục những điều tưởng như không thể.
Tuy nhiên, ông lớn của ngành thời trang thế giới vẫn không tránh khỏi những vụ lùm xùm liên quan đến việc "đạo" ý tưởng.
Tháng 12/2015, 'mượn' họa tiết áo len
Theo The New York Times, sau khi nhà mốt nước Pháp giới thiệu bộ sưu tập Pre-Fall 2016 mang tên "Paris in Rome", nhà thiết kế đồ len đến từ Scotland - Mati Ventrillon - đã đăng lên Facebook và Instagram (ngày 3/12 vừa qua) bức ảnh chụp mẫu áo len do cô sáng tạo, đồng thời thể hiện sự thất vọng: "Đầu hè, hai nhân viên Chanel đến mua vài món hàng trong kho của tôi để 'nghiên cứu'. Tôi đã nhấn mạnh rằng tôi bán chúng cho họ vì danh tiếng của Chanel, và vì tôi không hề nghĩ rằng họ sẽ copy thiết kế của mình".
Nguyên nhân vụ việc là khi show diễn hôm 1/12 kết thúc, "ông hoàng tóc bạc" Karl Lagerfeld đã ra chào khán giả cùng vài mẫu nam, và những anh chàng này mặc áo len có kiểu họa tiết Fair Isle giống với tác phẩm của Mati Ventrillon (Fair Isle là một kỹ thuật đan len truyền thống để tạo nên những họa tiết nhiều màu sắc. Nó được đặt tên theo một hòn đảo nhỏ ở phía Bắc Scotland).
Để thể hiện thiện chí, ngay trong ngày 3/12, đại diện thương hiệu lên tiếng xin lỗi và khẳng định: "Chanel sẽ đặt cụm từ ‘Thiết kế bởi Mati Ventrillon’ trên phương tiện truyền thông để xác nhận tác giả của họa tiết áo len".
Trước phản ứng tích cực từ phía Chanel, Ventrillon hoàn toàn hài lòng và cảm thấy vui vì nhà mốt nổi tiếng đã cho thấy sự tôn trọng, ủng hộ những thợ thủ công "nhỏ bé".
Tháng 6/2014, bị tố copy giày sneaker
TMZ đưa tin, ngày 3/6/2014, hãng giày thể thao New Balance đâm đơn kiện giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld của Chanel vì cho rằng, ngoại trừ logo khác biệt, sản phẩm sneaker của hai thương hiệu "quá giống nhau", gây ra hàng nhầm lẫn cho khách hàng khi mua đồ. New Balance đã sản xuất mẫu mã này từ những năm 1970.
Giày của Karl Lagerfeld được bán với giá 360 USD (khoảng 8 triệu đồng) trong khi sản phẩm của công ty Mỹ chỉ có giá 112 USD (khoảng 2,5 triệu đồng).
Tháng 3/2012, bị tố 'nhái' ý tưởng vòng tay
Blogger của The Fashion Law phát hiện ra sự tương đồng giữa mẫu vòng tay nạm pha lê độc đáo thuộc bộ sưu tập Chanel Thu đông 2012 với phụ kiện do nhà thiết kế trang sức Pamela Love tạo ra trước đó 1 năm. Vòng tay Pamela Love nằm trong bộ sưu tập Thu đông 2011 của cô, được yết giá 525 USD (gần 12 triệu đồng).
Trước sự việc này, hãng thời trang Pháp một lần nữa đưa ra hướng giải quyết mềm mỏng, được dư luận ủng hộ: Họ quyết định sẽ không sản xuất dòng phụ kiện trên.
Pamela Love đến từ New York, từng chiến thắng giải thưởng của Ecco Domani Fashion Foundation, được đề cử giải CFDA Vogue Fashion Fund, đồng thời hợp tác với không ít nhà mốt lớn như Marchesa hay Zac Posen, thực hiện trang sức cho series phim True Blood.
Năm 2005, dính vào vụ kiện dài hơi với World Tricot
Theo Telegraph, bà Carmen Colle - người sáng lập công ty dệt may World Tricot - cáo buộc rằng Chanel đã lấy một mẫu đan móc mới do công ty bà sáng tạo, "dàn dựng để thuê những phụ nữ nhập cư thất nghiệp vào làm việc, và sử dụng kiểu đan đó làm họa tiết chủ đạo cho áo khoác". Carmen Colle khởi kiện “người khổng lồ” ngành thời trang, đòi bồi thường 2,5 triệu euro cho thiệt hại liên quan tới vấn đề "giả mạo và vi phạm hợp đồng".
Trước năm 2004, Chanel là khách hàng lớn của World Tricot. Để đảm bảo đáp ứng đơn đặt hàng từ nhà mốt này, bà Colle phải gác lại nhiều dự án khác. Vào 2005, khi tới Tokyo (Nhật Bản), bà tình cờ nhìn thấy, qua cửa kính của showroom Chanel, chiếc áo khoác với mẫu đan móc mà công ty bà từng chào hàng nhưng bị từ chối.
Carmen Colle cho biết, bà đã cố gắng liên hệ với Chanel về vụ việc trên nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, đại diện hãng lên tiếng bác bỏ toàn bộ cáo buộc, đồng thời tuyên bố đây là thiết kế của họ. Bởi vậy, Colle quyết định khởi kiện dù phải đối mặt với không ít khó khăn.
Các tranh cãi pháp lý diễn ra trong suốt 4 năm. Tới 2009, tòa án thương mại đưa ra phán quyết, yêu cầu World Tricot phải trả 200.002 euro vì "làm mất uy tín" của Chanel, Vogue đưa tin. Tuy nhiên, 3 năm sau, ngày 14/9/2012, tòa phúc thẩm Paris khiến công chúng bất ngờ khi tuyên bố ngược lại: Chanel phải bồi thường World Tricot 200.000 euro.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi lâm vào tình huống dạng này, dù làm việc với gần 400 nhà cung cấp. Nhưng trường hợp hy hữu trên chắc chắn không phản ánh chất lượng mối quan hệ giữa chúng tôi và các đối tác", chủ tịch Chanel - Bruno Pavlovsky - chia sẻ.
Giang Myt