Chảo chống dính
Chảo chống dính là dụng cụ nấu nướng từng mang tính "cách mạng" đối với người nội trợ khi giúp họ có thể nấu nướng dễ dàng mà không còn bị tình trạng sát chảo, sát nồi như trước đó. Tuy nhiên, chảo chống dính cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều khi bị cho rằng chứa nhiều chất độc hại cho cơ thể.
Theo đó, người ta đã tráng một lớp politetra floetylen (viết tắt là PTFE) hay còn có tên là Teflon. Chất này được hòa thêm với một số hóa chất để tăng sức căng bề mặt nồi, chảo, khiến mỡ không bám dính, dễ dàng chùi rửa.
Politetra floetilen chỉ chứa 2 nguyên tố C và F nên liên kết với nhau rất bền chắc. Khi cho Teflon vào axit vô cơ hay axit H2SO4 đậm đặc, nước cường thủy (hỗn hợp HCl và HNO3 đặc), vào dung dịch kiềm đun sôi thì Teflon không hề biến chất.
Bản chất các chất hóa học này không gây phản ứng nhiều với cơ thể, chỉ phân hủy ở nhiệt độ trên 300 độ C trong khi việc nấu nướng đều dưới 200 độ C. Tuy nhiên, phần độc hại chính là phần keo dính chất Teflon vào bề mặt kim loại. Phần keo này là chất dễ phân hủy bởi nhiệt, tạo ra các chất nguy hại cho con người khi ở nhiệt độ cao. Nếu dùng lâu dài, chất bám dính sẽ bong tróc ra, gây hại cho sức khỏe. Chảo chống dính chứa chất PFOA (axit perfluorooctanoic), có liên quan đến một số loại ung thư bao gồm ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng.
Do vậy, tốt nhất bạn nên thay thế chảo chống dính bằng một số loại chảo khác. Có một xu hướng được nhiều bà nội trợ phương Tây đang hưởng ứng đó là sử dụng nồi, chảo gang (cast-iron), vừa giữ nhiệt, an toàn với sức khỏe, độ bền cao...
Nồi nhôm
Nồi nhôm hay các dụng cụ nấu ăn sử dụng lá nhôm aluminum foil đều nằm trong danh sách cần loại bỏ khỏi căn bếp nhà bạn, mặc dù chúng rất phổ biến ở nhiều quốc gia.
Nhôm là kim loại độc hại với thần kinh, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương nếu chúng được hấp thụ vào cơ thể, trong đó có các bệnh như Alzheimer và bệnh teo cơ không có thuốc chữa ALS (căn bệnh mà nhà vật lý Stephen Hawking mắc phải). Mặc dù dụng cụ nấu bằng nhôm thường được phủ một lớp chất bảo vệ nhưng lớp này dễ bị sứt mẻ, giải phóng kim loại độc hại vào thức ăn mà bạn ăn phải.
Thay vào đó bạn có thể thay bằng các loại như nồi thủy tinh (khi dùng với bếp từ). Đây là một lựa chọn an toàn vì không giải phóng chất độc hại khi đun nóng, lại bền, thân thiện với môi trường. Khi cho đồ ăn vào nồi thủy tinh, bạn cũng sẽ không ngửi thấy mùi đồ ăn cũ.
Dụng cụ nấu ăn bằng đồng
Nồi đồng hay dụng cụ nấu ăn bằng đồng thường có mẫu mã đẹp, thường được quảng cáo về tính dẫn điện, dẫn nhiệt. Nhưng trong nấu nướng, bạn cần hạn chế sử dụng chúng.
Giống như một số kim loại nặng khác, đồng là rất quan trọng đối với sức khỏe con người nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Nhưng một lượng dư thừa trong cơ thể có thể dẫn đến ngộ độc kim loại nặng. Khi nồi đồng không được tráng lớp bảo vệ được dùng để nấu các loại thức ăn có tính axit, nó có thể giải phóng đồng vào đồ ăn. Còn nếu được phủ, lớp phủ thường chứa niken cũng lại là một nguyên tố độc hại khác.
Thay vào đó, bạn có thể thử sử dụng thép không gỉ, chúng đều có khả năng chống trầy xước, tuổi thọ sử dụng cao.
Chảo tráng ceramic
Nồi, chảo tráng gốm ceramic thường rất đẹp mắt và được quảng cáo là an toàn. Tuy nhiên, lớp phủ gốm bên ngoài thường được dùng để che phủ những vật liệu nguy hiểm bên dưới.
Lớp tráng thường không bền và chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng sẽ bắt đầu sứt mẻ. Chì và nhôm là những chất đôi khi được tìm thấy trong lớp phủ này. Không chỉ nhiễm độc nhôm nguy hiểm mà nhiễm độc chì cũng là một trong những loại ngộ độc kim loại nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến đau bụng, nhức đầu, vô sinh và các biến chứng khác, thậm chí là hôn mê và tử vong.
Thay vào đó, hãy thử phương án thay thế an toàn bằng dụng cụ gốm 100%. Đây là một trong những lựa chọn tốt nhất và an toàn nhất vì nó được làm bằng vật liệu hoàn toàn tự nhiên, không độc hại và sẽ không bị bóc vỏ hoặc bong tróc. Nó cũng không dính khi nấu đồ ăn và có thể được rửa sạch trong máy rửa chén.
Theo B.S