Tảo bẹ là một loài rong biển mọc ở vùng nước nông, phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Loại thực phẩm này giàu dinh dưỡng và ngon miệng, nhưng không phải ai cũng nắm rõ một số điều cấm kỵ khi ăn tảo bẹ để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Dưới đây là 4 điều cần đặc biệt tránh khi chế biến và ăn siêu thực phẩm này.
1. Không ngâm tảo bẹ trong thời gian dài
Tảo bẹ cần ngâm nước trước khi chế biến thành món ăn, tuy nhiên thời gian ngâm không được quá lâu, tốt nhất là không quá 6 giờ. Nếu ngâm quá 6 tiếng, các chất dinh dưỡng trong tảo bẹ, chẳng hạn như vitamin và muối vô cơ, cũng sẽ hòa tan trong nước, khiến giá trị dinh dưỡng bị giảm.
Nếu sau khi ngâm nước, tảo bẹ không còn độ dai, giống như đã được luộc chín trong nước, có nghĩa là nó bị biến chất và không thể ăn được nữa.
2. Không ăn tảo bẹ như một loại thực phẩm chính
Tảo bẹ mặc dù có giá trị dinh dưỡng phong phú nhưng không thể dùng làm lương thực lâu dài, do loại tảo này chứa lượng iốt cao, ăn nhiều không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, tảo bẹ có chứa một lượng asen nhất định, nếu hấp thụ quá nhiều asen có thể khiến cơ thể bị ngộ độc. Do đó, trước khi ăn tảo bẹ, bạn nên rửa sạch với nước để hòa tan asen trong nước.
3. Không uống trà, ăn hoa quả ngay sau khi ăn tảo bẹ
Sau khi ăn tảo bẹ, cần tránh uống trà do trà có chứa axit tannic và không ăn trái cây có tính axit ngay lập tức. Tảo bẹ giàu chất sắt, tuy nhiên hai loại thực phẩm trên lại cản trở quá trình hấp thụ chất sắt trong cơ thể, do đó không nên ăn, uống chúng quá gần nhau.
4. Những đối tượng đặc biệt cần thận trọng khi ăn tảo bẹ
Bệnh nhân cường giáp không nên ăn tảo bẹ thường xuyên, vì tảo bẹ giàu iốt sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Ngoài ra, phụ nữ có thai và đang cho con bú cũng không nên ăn nhiều tảo bẹ, do iốt trong tảo bẹ có thể đi vào máu của thai nhi và trẻ sơ sinh, gây rối loạn chức năng tuyến giáp.
Hướng Dương (Theo Sohu)