Hầu hết, "hội công sở" đều từng ít nhất một lần trải qua cảm giác quá tải trong công việc. Lúc này, mọi phương án phân bổ nhiệm vụ, lịch trình hay kiểm soát tâm trạng đều không mang lại kết quả. Để tất cả không rơi vào trạng thái trì trệ, tồn đọng và kiệt quệ, dưới đây là 4 cách từ các chuyên gia giúp bạn xử lý tình trạng dồn ứ công việc, lấy lại cân bằng.
1. Yêu cầu giúp đỡ
Đừng ngại nhờ các đồng nghiệp hỗ trợ để nhiệm vụ được đẩy nhanh và hoàn tất đúng deadline. Điều này không khiến bạn trở thành người lười biếng, thay vào đó, cấp trên sẽ thấy bạn là người có cái nhìn đúng đắn về năng lực của bản thân. Bởi lẽ, chẳng ai nỡ từ chối khi họ thấy bạn đang "gánh" một khối lượng lớn công việc. Nhờ vậy, bạn có thể giảm tải được các đầu việc và "nâng cao" mối quan hệ với cộng sự chung nhóm.
Đầu tiên, cần suy nghĩ xem bạn có thể làm tốt việc gì, những việc nào nên có sự hỗ trợ hoặc ai sẽ lựa chọn thích hợp cho dự án này. Khi biết cách chia nhỏ khối lượng công việc, bạn sẽ có nhiều thời gian để tập trung hơn vào những gì trọng yếu. Suy cho cùng, nên cho sếp và đồng nghiệp biết về tình hình tồn đọng việc của bạn và yêu cầu sự thông cảm. Bạn nên chủ động đề xuất giảm tải, đừng im lặng ôm đồm một mình.
2. Sắp xếp lại các công việc cần làm theo thứ tự ưu tiên
Khối lượng công việc mỗi ngày cứ chất chồng làm chúng ta càng mệt mỏi vì áp lực thời gian. Thay vì đụng đâu làm đấy, bạn nên sắp xếp thứ tự nhiệm vụ theo thời gian và mức độ quan trọng. Trước mắt, hãy ghi ra giấy tất tất cả đầu việc cần phải làm xong trong ngày và deadline cho từng cái. Sau đó, bắt đầu đánh số công việc dựa trên sự ưu tiên như: Khẩn cấp và quan trọng, quan trọng nhưng không khẩn cấp, khẩn cấp nhưng không quan trọng, không khẩn cấp và không quan trọng.
Việc lên danh sách những việc bạn cần làm trong ngày sẽ không bao giờ thừa. Khi làm như thế, bạn sẽ luôn biết mình cần làm gì và đảm bảo mọi thứ trong ngày hôm ấy không bao giờ "chệch đường ray". Nếu lãnh đạo giao nhiệm vụ mới, bạn nên suy nghĩ về các xáo trộn có thể xảy ra nếu bạn nhận thêm việc. Sau đó, chỉ cho cấp trên xem nếu bạn cảm thấy không thể kham được thêm. Ít nhất, họ có thể thấy bạn đang làm những gì.
3. Giảm tải khối lượng công việc
Khi bị tụt hậu trong công việc, bạn nên dành ra một chút thời gian để lên kế hoạch và lập danh sách các dự án bạn đang quản lý. Sau đó, hãy xem xét xem có thể ủy thác bất kỳ nhiệm vụ nào cho đồng nghiệp vì chúng ít quan trọng hoặc không quá ý nghĩa. Với các dự án còn lại, bạn nên cân nhắc thời gian để hoàn thành một cách hợp lý, hoặc xin phép kéo dài thời hạn kết thúc. Điều này giúp bạn dễ dàng đưa ra mức giới hạn phù hợp với khả năng của chính mình.
Hầu hết quản lý đều muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc để nhận thêm nhiều kế hoạch mới. Vì thế, các sếp thường giao cho cấp dưới vô số việc và thúc giục họ phải thực hiện nhanh trong thời gian ngắn. Do đó, nhân viên phải làm việc vượt quá cường độ để đảm bảo tiến độ.
4. Giữ cho tâm trí luôn bình tĩnh
Làm việc quá tải dễ khiến bạn rơi vào tình trạng kiệt sức và mệt mỏi bởi sự căng thẳng đang đè nặng lên cơ thể lẫn trí óc. Dấu hiệu rõ nhất chính là việc bạn luôn bắt đầu ngày mới một cách uể oải, mất động lực đi làm và thường xuyên dựa vào "Caffein" để chống chọi với mọi thứ. Dần dần, cơ thể bạn sẽ xảy ra các vấn đề thể chất như đau đầu, cảm vặt, đau gáy, nhức mỏi toàn thân... Không chỉ thế, cảm xúc và các mối quan hệ xung quanh của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
So với một người vùi đầu vào việc từ sáng đến tối, một người kết hợp giữa làm việc xen kẽ và nghỉ ngơi sẽ có nhiều năng lượng hơn. Sức khỏe là trên hết. Thế nên, đừng bao giờ chủ quan và mang lối suy nghĩ "cố làm nốt cho xong". Mỗi ngày, bạn cần dành ra khoảng 10 phút tản bộ ngoài văn phòng, order đồ ăn vặt cùng đồng nghiệp, hoặc ngủ một giấc tầm 20-30 phút buổi trưa để nhanh chóng lấy lại tinh thần bắt tay vào khung giờ làm việc buổi chiều.
Vy Trần (Theo Huffpost)