Mạch máu giống như ống nước, dễ gặp hai vấn đề chính. Nó có thể bị tắc do cặn hoặc vỡ do áp lực dòng chảy bên trong quá cao. Nếu phát hiện cơ thể có bốn điểm bất thường sau đây, bạn nên cảnh giác với khả năng mạch máu bị lão hóa, cần kịp thời đi khám.
1. Cảm giác tức ngực, đau khi leo cầu thang
Khi bạn cảm thấy đau tức ngực khi leo cầu thang, đây có thể là dấu hiệu động mạch vành của tim bị thu hẹp, nguyên nhân có khả năng do mảng bám và huyết khối trong mạch máu gây ra. Cơn đau ngực này khiến bạn có cảm giác sức nặng đè lên ngực, nhưng cần phân biệt với chứng khó thở do thiếu vận động.
2. Đau cách hồi liên tục
Nếu tình trạng này xảy ra không liên tục, đó có thể là dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch ở chân. Nó thường xảy ra sau khi hoạt động, dẫn đến đau chân và cảm thấy yếu do lượng máu cung cấp cho chân không đủ. Sau một thời gian nghỉ ngơi, lưu lượng máu sẽ được thông trở lại và các triệu chứng thuyên giảm.
3. Huyết áp ở hai tay khác nhau
Mặc dù có thể có sự khác biệt nhỏ về huyết áp giữa hai chi trên của một người bình thường, nhưng nếu chênh lệch vượt quá 20 mm Hg, điều đó cho thấy có huyết khối hoặc tình trạng hẹp mạch máu ở một chi trên.
4. Bất tỉnh kéo dài từ vài giây đến vài phút
Nếu bạn bị mất ý thức thoáng qua, ngất xỉu đột ngột, đây có thể là triệu chứng của cục máu đông hoặc mạch máu bị thu hẹp trong não. Tình trạng này cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt vì nó có thể liên quan đến các vấn đề về cung cấp máu lên não, dẫn đến nhiều bệnh thần kinh nghiêm trọng hơn.
Phần bổ sung: 5 điều giúp bạn tránh xa bệnh tim mạch
- Ăn một số thực phẩm bảo vệ hệ tim mạch
Tăng cường ăn các thực phẩm bảo vệ tim mạch, chẳng hạn như tỏi, ớt, quả nam việt quất, nho, cà rốt, bông cải xanh, rau bina, hành tây, cà tím...
Ngoài ra, theo Health Times, người trưởng thành nên bổ sung 1/3 lượng ngũ cốc vào khẩu phần ăn hàng ngày. Ngũ cốc và đậu rất giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Đồng thời việc hấp thụ chất xơ hòa tan trong nước giúp bài tiết lượng natri dư thừa, từ đó giúp ngăn ngừa huyết áp cao.
- Tập thể dục nhịp điệu
Hãy tập thể dục nhịp điệu và tập ít nhất hai bài, 30 phút/bài mỗi ngày. Tập thể dục nhịp điệu cần thiết để cải thiện sức khỏe tim mạch, có thể giúp làm chậm sự phát triển của các mảng xơ vữa động mạch, đảo ngược tình trạng thu hẹp thành động mạch vành. Tập thể dục có lợi cho bệnh nhân tim mạch nhưng tập quá sức không được khuyến khích.
- Kiểm soát cân nặng và vòng eo là điều quan trọng
Kiểm soát cân nặng và vòng eo, đặc biệt để tránh béo bụng. Giảm cân là chìa khóa, bởi tăng huyết áp, tăng lipid máu và tăng đường huyết về cơ bản đều liên quan đến béo phì. Chu vi vòng eo của nam giới trưởng thành nên được kiểm soát trong vòng 85 cm và khoảng 80 cm ở phụ nữ.
- Hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tổn thương thành mạch máu, tạo cơ hội cho sự lắng đọng cholesterol và đẩy nhanh quá trình hình thành mảng bám. Bạn bỏ thuốc càng sớm, lợi ích cho sức khỏe tim mạch bạn nhận được càng lớn. Nicotine, oxit nitric và các chất oxy hóa trong thuốc lá có thể kích thích thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây rối loạn nhịp tim và suy tim. Ngoài ra, uống rượu quá mức có thể dẫn đến các vấn đề như huyết áp cao và suy tim.
- Ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày
Một nghiên cứu của Hà Lan thực hiện trên 17.887 đối tượng khỏe mạnh không mắc bệnh tim mạch và theo dõi họ trong 12 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 15%, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành tăng 23% so với những người ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
Có thể thấy, thời gian ngủ ngắn dễ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim mạch vành và suy tim. Ngược lại, duy trì thời gian ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và chất lượng giấc ngủ tốt có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hằng Trần (Theo Aboluowang)