Giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học của các cô giáo trường THCD Vietnam - Angieri. |
36 giáo viên nói trên đều đang công tác tại các trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân, như trường THCS Việt Nam - Angiêri (6 người), Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam, Phan Đình Giót, Khương Đình, Phương Liệt... Tất cả đều là giáo viên giỏi, nhiều người là nòng cốt trong đội ngũ cán bộ tham gia ôn luyện đội tuyển của trường, trong đó có ba người là hiệu phó, một là Phó bí thư chi bộ.
Quyết định chuyển hệ số và bậc lương 36 giáo viên trên nhận được vào cuối tháng 12 năm ngoái, và phân bổ lương chính thức vào tháng 2.
Tuy nhiên, suốt 2 tháng nay, 36 cô giáo vẫn đều đặn lên lớp, vẫn hết lòng tận tụy nhiệt tình với học trò mặc dù họ không nhận một đồng lương nào.
"Chúng tôi muốn nhận đúng đồng lương của mình, theo năng lực và trình độ của mình. Chúng tôi cần danh dự, tiền và lẽ công bằng", cô giáo Nguyễn Thị Bích Lân nói thẳng.
Cô Trần Tố Anh chia sẻ: "Cả đời những người làm công tác giảng dạy như chúng tôi đã phấn đấu không mệt mỏi. Nhiều người có hộ khẩu nội thành Hà Nội nhưng không quản ngại đến công tác tại các những vùng khó khăn của các huyện Gia Lâm, Đông Anh: cô Loan, công tác Long Xuyên 2 năm, cô Hà dạy ở Đông Anh 8 năm, cô Lân bao nhiêu năm lặn lội theo những chiếc ca nô của những công nhân xây dựng cầu Thăng Long và con em những người lao động nghèo bờ bên kia sông Hồng. Ba mươi năm qua, chúng tôi làm việc tận tuỵ theo sự phân công của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) trên cơ sở năng lực và trình độ của chúng tôi đã qua đào tạo bậc đại học, tuy trong suốt thời gian đó chúng tôi chưa hề được nhìn thấy "mặt mũi" tấm bằng tốt nghiệp đại học của mình ra sao. Nguyện vọng của chúng tôi là được đảm bảo công bằng như các bạn đồng nghiệp của mình". (Đồng nghiệp của 36 cô giáo nói trên đang công tác tại các quận khác trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn được hưởng chế độ lương hệ đại học).
Câu chuyện khởi nguồn từ sự thất lạc bằng tốt nghiệp đại học của các sinh viên 10 + 3 ĐH sư phạm HN I đối với nhiều sinh viên các khóa 1-8. Vị hiệu trưởng của trường trong thời gian đó nay đã qua đời. Trong thời gian công tác, nhiều lần các cô giáo, cựu sinh viên của trường trở về trường để hỏi về tấm bằng tốt nghiệp của mình nhưng câu trả lời họ nhận được trước sau là: "Chưa có bằng", "Bằng đã bị thất lạc". Thay cho tấm bằng tốt nghiệp, họ nhận được "Giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học (thay cho văn bằng thất lạc) của ĐH sư phạm Hà Nội có dấu xác nhận của trường, chữ ký của Hiệu trưởng nhà trường GS.TS Đinh Quang Báo.
Mang theo giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học và lá đơn khiếu nại gửi đến UBND quận Thanh Xuân, các cô được UBND quận Thanh Xuân trả lời như sau (Công văn số 07/TCCQ ngày 14/2): "Đối với những giáo viên không xuất trình được bằng tốt nghiệp đại học thì xếp lương theo hệ số lương của người tốt nghiệp hệ cao đẳng, đồng thời xin ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT, khi nào có ý kiến chỉ đạo sẽ thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên".
Tiếp sau đó, Bộ GDĐT gửi quyết định xác nhận tốt nghiệp bậc đại học đối với những giáo viên đã qua tốt nghiệp các khóa nói trên ở ĐH sư phạm HN I.
Bộ GD-ĐT cũng có công văn gửi Sở GDĐT thành phố đề nghị giải quyết vụ đơn thư khiếu nại việc "chuyển xếp lương mới chưa công bằng", trong đó nêu rõ: "Kết quả giải quyết đơn xin đề nghị quý sở gửi cho các giáo viên viết đơn và có công văn báo cáo bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 20/3 để tổng hợp báo cáo bộ trưởng. Tuy nhiên, cho đến nay 36 giáo viên quận Thanh Xuân vẫn chưa được công nhận xếp lương theo đúng bậc đào tạo của họ.
"Chúng tôi không muốn phiền hà đến ai cả, chúng tôi cũng không phải những người ham muốn tranh giành... Nguyện vọng của chúng tôi chỉ đơn giản là nhận được sự công bằng với các bạn đồng nghiệp trước là đồng môn của chúng tôi", 36 cô giáo đều chung một ý kiến như vậy.
(Theo Thanh Niên)