Đạo diễn Vương Phù Lâm của Hồng Lâu Mộng bản 1987 từng chia sẻ: "Sau khi quay xong phim, tôi nói với Âu Dương Phấn Cường là đừng làm diễn viên nữa, cháu không thể diễn được các nhân vật khác đâu. Cháu chính là Giả Bảo Ngọc, cũng giống như Trần Hiểu Húc là Lâm Đại Ngọc, Trương Lợi là Tiết Bảo Thoa, Đặng Tiệp là Vương Hy Phượng". Quả vậy, sau này dù có nhiều phiên bản khác nhau, diễn viên có đẹp như thế nào, quần áo có hoa mỹ ra sao, đầu tư nhiều đến đâu, kỹ xảo tiến bộ như thế nào, Hồng Lâu Mộng năm 1987 vẫn là bản chính thống và kinh điển nhất trong lòng khán giả.
"Hồng Lâu Mộng"- bộ phim đầu tiên của Trung Quốc công khai tuyển diễn viên
Năm 1979, đạo diễn Vương Phù Lâm cùng đoàn đại biểu Cục truyền thông quốc gia đến thăm công ty BBC của Anh. Khi thấy những tác phẩm nổi tiếng của các quốc gia trên thế giới đều được đưa lên màn ảnh, ông tự hỏi rằng: Tại sao các tác phẩm của Trung Quốc lại không thể?
Ông ôm ý niệm quay Tứ đại danh tác trong suốt 2 năm liền. Tới năm 1981, Vương Phù Lâm quyết định sẽ làm Hồng Lâu Mộng. Lý do là vì đây là một bộ phim chủ yếu được quay trong nhà, còn Tam Quốc, Thủy Hử và Tây Du Ký đều yêu cầu những hiệu ứng hiện đại.
Cuối năm 1981, đài truyền hình Trung ương mở cuộc họp chuyên đề để nghiên cứu việc cải biên của Hồng Lâu Mộng, tháng 2/1983 thành lập đoàn làm phim, tháng 5 thành lập tổ biên kịch, tháng 8 thành lập tổ cố vấn và tới tháng 12 bản nháp đầu tiên được hoàn thành, đồng thời đoàn cũng bắt đầu quá trình tuyển diễn viên.
Tiêu chuẩn chọn diễn viên của Vương Phù Lâm là: "Không biết diễn kịch không thành vấn đề, mấu chốt là phải giống nhân vật trong nguyên tác". Thế nên, trong dàn nghệ sĩ của Hồng Lâu Mộng, những người từng đóng phim chiếm chưa tới một nửa, còn lại đa số đều không phải là diễn viên chuyên nghiệp: Đặng Tiệp là diễn viên hát Xuyên Kịch, Thành Mai (đóng Nguyên Xuân) cũng là diễn viên hát Bản Kịch, Hồ Trạch Hồng (diễn Giả Tích Xuân) hát Việt Kịch, Kim Lợi Lợi (diễn Giả Nghênh Xuân) là MC, Trương Lợi là diễn viên múa, Trần Hiểu Húc biểu diễn tạp kỹ... Thời điểm ấy, "Đại Ngọc" vào phủ mới 12 – 13 tuổi, "Bảo Ngọc" lớn hơn một chút, "Bảo Thoa" lớn nhất cũng chỉ mới 15 tuổi.
Đội ngũ làm phim mở một cuộc tuyển chọn công khai với yêu cầu là: "những cô gái khoảng 20 tuổi, có vẻ đẹp cổ điển, có thể vào Giả phủ". Đây có thể nói là buổi tuyển diễn viên công khai đầu tiên của Trung Quốc. Thư ứng cử được gửi đến nườm nượp. Người phụ trách việc lọc thư tín Vương Quý Nga nhớ lại, có một cô gái trong thư viết: "Thưa đạo diễn Vương, cháu rất thích Hồng Lâu Mộng, cháu có thể diễn Lâm Đại Ngọc. Nếu bác không tuyển cháu, bác sẽ hối hận. Hãy gửi điện báo để cháu có thể tới Bắc Kinh đi! Nếu bác còn không đồng ý, cháu sẽ tự sát…". Vương Quý Nga sau khi đọc xong, phải nhanh chóng viết lại một bức thư hồi đáp, nói rằng cô bé không phù hợp với yêu cầu của phim, phải tập trung học hành, không được nghĩ linh tinh.
Chuyện chưa kể về những diễn viên trong đoàn
Vương Phù Lâm từng nói rất nhiều về lần đầu tiên ông nhìn thấy Trần Hiểu Húc: Vào một ngày mưa, Hiểu Húc xuất hiện với một chiếc ô trong tay, dáng người thanh mảnh. Cô mặc một bộ quần áo màu xanh nhạt, xinh đẹp như từ trong tranh bước ra, đúng là "Lâm muội từ trên trời rơi xuống".
Nhưng điều khiến Vương Phù Lâm ấn tượng về Trần Hiểu Húc và muốn cô đến Bắc Kinh lại là bức thư giới thiệu của cô. Trong đó ngoài một tấm ảnh, còn có 2 bài thơ do cô viết. Đây mới là Lâm Đại Ngọc chân chính trong lòng Vương Phù Lâm: không chỉ xinh đẹp mà còn có khí chất của một nhà thơ.
Nói về Hy Phượng, Vương Phù Lâm từng chia sẻ: "Nhân vật Vương Hy Phượng không có học, nhưng diễn viên vào vai Vương Hy Phượng thì nhất định phải có văn hóa. Đặng Tiệp phù hợp điều này, cô ấy rất thích đọc sách".
Trong tất cả các diễn viên, Đặng Tiệp gây nhiều tranh cãi nhất khi nhận vai Phượng Ớt. Khi đoàn làm phim đến Tứ Xuyên chọn diễn viên, có hơn mười cô gái đứng thành một hàng, thiếu nữ Đặng Tiệp khi ấy không hề khiến người ta chú ý. Biên kịch Vương Quý Nga từng nhận xét về cô: "Dáng người quá thấp, da quá đen, cũng không có gì nổi bật". Nhưng sau khi trang điểm và lên hình, Đặng Tiệp ngay lập tức tỏa sáng, băng ghi hình của cô được mang về Bắc Kinh.
Sau khi cô lên Bắc Kinh, có 3 ứng viên cho vai diễn Phượng Ớt: Nhạc Vận, Châu Nguyệt và Đặng Tiệp. Nhạc Vận và Châu Nguyệt đều cao ráo, xinh đẹp và có khí chất, còn Đặng Tiệp không được đánh giá cao. Thậm chí ngày nay vẫn có tin đồn, nếu không phải Nhạc Vận năm đó đến Hong Kong phát triển sự nghiệp thì Đặng Tiệp cũng không có cơ hội. Nhưng đạo diễn Vương Phù Lâm khẳng định: "Vương Hy Phượng trong lòng tôi luôn là Đặng Tiệp". Ngoài ra ông chia sẻ mình còn thấy được chất chua ngoa từ cô gái Tứ Xuyên này. Cuối cùng, từ một người không được coi trọng, Đặng Tiệp đã khẳng định mình và chứng minh sự lựa chọn sáng suốt của Vương Phù Lâm bằng việc đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong Lễ giao giải Kim Ưng cho vai diễn Vương Hy Phượng.
"Tiết Bảo Thoa" Trương Lợi lại được chọn nhờ nụ cười đầy khí chất. Ban đầu Trương Lợi là diễn viên ứng cử cho vai diễn Giả Nghênh Xuân, nhưng sau đó lại được phát hiện ra có khí chất của Bảo Thoa. Diễn viên Lý Giáp (người đóng Giả Xá) nói: "Cô ấy là diễn viên múa. Khi biểu diễn, diễn viên múa có nụ cười rất tiêu chuẩn. Trương Lợi khi gặp bất kỳ ai cũng cười, cô ấy không nói nhiều nhưng nụ cười đã thể hiện nhiều ẩn ý, đây không phải là tính cách của Tiết Bảo Thoa sao?".
Âu Dương Phấn Cường là người cuối cùng gia nhập đoàn làm phim. Khi lớp huấn luyện diễn xuất đầu tiên kết thúc, mọi diễn viên đều được quyết định, nhưng vẫn chưa biết Giả Bảo Ngọc đang ở đâu. Mỗi lúc luyện tập, đoàn làm phim phải cử diễn viên nữ đóng thay vai của Giả Bảo Ngọc. Trên thực tế, những vở kịch Hồng Lâu Mộng trước đó vai diễn Giả Bảo Ngọc luôn do nữ diễn viên đảm nhiệm. Diễn viên Trương Ngọc Triển cũng từng tìm đến đạo diễn và đề nghị ông cho cô đóng vai này, nhưng Vương Phù Lâm không đồng ý: "Lần này tôi muốn tìm một diễn viên nam".
Diễn viên Hậu Trường Sinh (vai Bắc Tĩnh Vương và Liễu Tương Liên) đã đề cử Âu Dương Phấn Cường cho đạo diễn. Mọi yêu cầu của cậu đều phù hợp với vai diễn Giả Bảo Ngọc: gương mặt trẻ con, cũng không quá cao, còn là diễn viên chuyên nghiệp. Sau khi nghe tin, Vương Phù Lâm ngay lập tức bay đến Tứ Xuyên đón Âu Dương Phấn Cường. Khi cậu thay đồ và lên hình, tất cả mọi người đều phải thốt lên: "Đã tìm thấy Giả Bảo Ngọc rồi!".
Hành trình thành công của "Hồng Lâu Mộng"
Một ngày luyện tập của đoàn làm phim diễn ra như sau: Sáng sớm tập thể dục, sau đó sẽ nghe các chuyên gia văn học giảng bài về những câu chuyện và nhân vật trong Hồng Lâu Mộng, buổi chiều tham gia lớp diễn xuất, luyện tập các phân đoạn và phải viết cảm nghĩ về nhân vật, buổi tối là thời gian luyện "cầm kỳ thi họa", vừa là luyện tập, vừa là giải trí.
Trước khi quay cảnh Đại Ngọc đánh đàn, Âu Dương Phấn Cường hỏi Trần Hiểu Húc có cần đạo diễn tìm diễn viên đóng thế không? Trần Hiểu Húc lắc đầu. Ngay ngày hôm sau cô đến Học viện âm nhạc Trung ương tìm thầy dạy đánh bài Cao sơn lưu thủy. Thầy giáo rất ngạc nhiên và nói: "Tôi học đến 4 năm mới có thể đánh được như vậy, cô không biết gì về đàn cả lại đòi đánh Lưu thủy, không thể nào". Nhưng trước sự khẩn cầu của cô, thầy cũng đồng ý dạy. Do ở lớp huấn luyện đã được học về cách đọc bản nhạc cổ, Hiểu Húc học rất nhanh, chỉ trong hai ngày đã đánh thành thạo bản nhạc.
Khi nhìn thấy "nàng Lâm Đại Ngọc" đánh đàn, đạo diễn đã phải vỗ tay khen ngợi: "Không ngờ Trần Hiểu Húc cũng là một tài năng âm nhạc". 30 năm sau khi nghĩ lại, Vương Phù Lâm vẫn cảm thấy tự hào: "Đó mới là biểu hiện của việc yêu vai diễn".
Để Âu Dương Phấn Cường có thể nhanh chóng gia nhập vào giữa "hội chị em" của Đại Quan Viên, tìm được cảm giác của "Bảo nhị gia", Vương Phù Lâm đã giao cho cậu một nhiệm vụ: Phải nghịch ngợm và có thể trêu đùa bất kỳ ai trong đoàn. Khi quay phim, Âu Dương Phấn Cường và Trần Hiểu Húc thường cùng nhau nghĩ ra những chiêu trò trêu chọc mọi người.
Thế nhưng, Âu Dương Phấn Cường là một cậu bé thật thà, chất phác, không nghĩ ra nhiều chiêu trò. Lúc đó Trần Hiểu Húc - một cô gái tinh nghịch - đã trở thành quân sư của cậu. Hai người bày trò trêu hết các chị em trong đoàn. Sau đó, họ còn quyết định trêu cả "bề trên". Một lần trước giờ ngủ trưa, Phấn Cường và Hiểu Húc để nghiêng dát giường của diễn viên Lê Đình (diễn Giả Mẫu). Bà vừa nằm xuống, dát giường liền bị đổ làm bà ngã bịch xuống đất. Âu Dương Phấn Cường bị mắng một trận té tát vì chuyện này. Sau đó, cậu không còn dám trêu chọc các tiền bối nữa.
Một lần nghỉ Tết Nguyên đán, đoàn làm phim không ai được về nhà vì phải đón đoàn phóng viên từ Hong Kong tới phỏng vấn. Đây là một nhiệm vụ có liên quan tới chính trị nên yêu cầu tất cả thành viên phải tham gia. Tới lúc chụp ảnh tập thể, mọi người mới phát hiện ra không thấy "Giả Bảo Ngọc" đâu cả. Hóa ra Âu Dương Phấn Cường đã trốn về Thành Đô để ăn Tết, còn dặn dò Cao Lượng (diễn Giả Liên): "Nếu có người hỏi cậu cứ bảo tôi đi tới nhà cô ở Thiên Tân. Dù sao tôi cũng là Bảo Ngọc rồi, sẽ không bị đổi đâu. Đạo diễn cũng thích tôi nữa nên tôi mới dám làm như vậy".
Một nguồn tin cho biết, trong đoàn làm phim khi đó, lương của đạo diễn, biên kịch và Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Vương Hy Phượng... là 70 NDT một tập (tương đương hơn 200.000 đồng), các diễn viên khác dựa vào thời lượng đóng phim mà giảm dần xuống 50, 40, 30 NDT. Có những a hoàn nhỏ chỉ nói 1-2 lời thoại thì mỗi tập chỉ được 20 NDT (khoảng 70.000 đồng). Ngoài ra, mỗi người mỗi ngày sẽ có 1,2 NDT (4.000 đồng) tiền cơm và mỗi tháng có 10 NDT (33.000 đồng) tiền ăn ở. Số tiền này ngày nay có vẻ rất ít, nhưng năm 1983, lương của một nhân viên công chức nhà nước mỗi tháng cũng chỉ có khoảng 40 NDT (135.000 đồng).
Các diễn viên cũng chi tiêu rất tiết kiệm, mỗi bữa chỉ ăn một chiếc bánh 2 hào (khoảng 600 đồng), mỗi tháng tiền sinh hoạt cũng chỉ hết 8 NDT (khoảng 26.000 đồng). Họ chỉ thuê một phòng 4 giường, không có nhà vệ sinh riêng, đến hành lý cũng không có chỗ để.
Sau khi hoàn thành việc quay phim, nhà sản xuất Nhậm Đại Huệ chia sẻ cát-xê của diễn viên cộng lại chiếm không tới 25% tổng số tiền đầu tư. Nhưng do đều là diễn viên mới nên không có ai có ý kiến về tiền lương, ngược lại, còn có người kiêm một lúc mấy việc mà tiền thì vẫn vậy. Tôn Thái Hồng diễn Chu Thụy Gia Đích phải lo chỗ ăn ở cho các diễn viên. Ngô Hiểu Đông "Giả Vân" cũng phải làm thêm rất nhiều việc. Mỗi tối anh phải liệt kê ra những cảnh ngày hôm sau cần quay, sau đó sáng hôm sau đến sớm chuẩn bị trang phục cho mọi người. Còn Hầu Trường Vinh "Liễu Tương Liên" là một nhà đạo cụ nghiệp dư, san hô đỏ trong phòng của Vương Hy Phượng, chiếc quạt phỉ thúy… đều do một tay anh làm ra.
Ban đầu, Đài trung ương chi cho bộ phim 5 triệu NDT (khoảng 16 tỷ đồng). Trước đó đài từng quay một tác phẩm dài 6 tập, kinh phí mỗi tập là 20.000-30.000 NDT (60-70 triệu đồng), vì thế số tiền 5 triệu NDT là khá lớn. Tuy nhiên, bước vào quá trình quay mới phát sinh quá nhiều khoản tiền cần phải chi trả. Chỉ riêng việc trả tiền công cho nhân viên của một đoàn làm phim lớn như vậy, mỗi tháng cũng hết một số tiền không nhỏ. Trong 2 năm 7 tháng ròng rã, đoàn đã thực hiện quay tại 219 cảnh ở 41 địa điểm thuộc 10 tỉnh trên cả nước, phí di chuyển là rất lớn. Khi đoàn tới miền nam để quay cảnh Sử Tương Vân say rượu nằm dưới gốc cây mẫu đơn, không ngờ trời mưa liền mấy ngày, hoa không nở. Mọi người chỉ còn cách ở khách sạn và đợi, thêm một ngày đợi là lại thêm một món tiền. Ngoài ra, đoàn phim sử dụng 2.700 bộ quần áo chất liệu tơ tằm do xưởng may Tô Châu may. Vì thế với số tiền 5 triệu NDT, chỉ còn cách là phải tiết kiệm mới có thể đủ. Trong nhiều cảnh quay, các lễ vật, đồ sứ, bình hoa, quan tài, tất cả đều được làm bằng giấy, mất tới một năm trời. Thậm chí đến cái bình lớn trong phòng của Giả Mẫu cũng được làm bằng giấy.
Phí tốn nhất chính là từ việc bài trí cảnh quay. Trong 5 triệu NDT chỉ có 750 nghìn NDT có thể dùng vào việc bài trí. Một nửa bộ phim Hồng Lâu Mộng đều được quay trong Đại Quan Viên, phải quay khoảng một năm. Nếu tất cả mọi người đều đến miền nam thuê một vườn hoa, chắc chắn không đủ tiền. Nếu dựng một cảnh quay tạm thời rồi dỡ đi lại thấy tiếc. Sau đó có một nhân viên đề xuất việc xây một Đại Quan Viên thực sự, sau khi quay xong có thể dùng làm địa điểm tham quan.
Sau đó nhờ sự giúp đỡ của chính quyền quận Tuyên Vũ, Bắc Kinh, đoàn làm phim đã tìm được địa điểm xây. Đoàn cũng chỉ cần bỏ ra 750 nghìn NDT, phần còn lại sẽ do chính quyền quận Tuyên Vũ hỗ trợ. Tuy nhiên tiền vẫn thiếu. Có thời điểm đoàn làm phim đã phải dừng quay gần một năm do không còn kinh phí. Nghe được tin tức này, giám đốc của công ty Duy Phường Khang Lạc Sơn đông đã bay tới Bắc Kinh và đề nghị giúp đỡ Hồng Lâu Mộng, cho đoàn làm phim vay 2,4 triệu NDT (khoảng 8 tỷ đồng). Sau khi kết thúc việc quay phim, đoàn vẫn còn thừa 500.000 NDT (khoảng 1,6 tỷ) và hoàn trả số tiền này cho công ty tài trợ.
Trong khi nhà sản xuất Nhậm Đại Huệ đối mặt với những nguy cơ về kinh phí, đạo diễn Vương Phù Lâm lại phải đối diện với những áp lực khác - không ai tin rằng ông có thể quay thành công bộ phim Hồng Lâu Mộng. Trong buổi họp báo năm 1981, đã có người công khai khuyên ông đừng hủy hoại sự nghiệp của mình bằng bộ phim này. Nhậm Đại Huệ nhớ lại, khi có tin đài truyền hình trung ương chuẩn bị quay phim, Cục trưởng Cục điện ảnh đương nhiệm đã gọi điện cho giám đốc đài: "Các anh đừng quay Hồng Lâu Mộng nữa, đạo diễn Tạ Thiết Lệ của chúng tôi đã chuẩn bị mười mấy năm rồi. Các anh hãy tìm cái gì khác quay đi". Tạ Thiệt Lệ là cây cổ thụ trong nền điện ảnh Trung Quốc, chính vì thế Vương Phù Lâm cũng từng nghi ngờ bản thân: "Tạ Thiết Lệ là người như thế nào, mình là người như thế nào? Mình đã quay được phim gì nổi tiếng chưa? Đài truyền hình trung ương từng quay phim cổ trang chưa? Không có kinh nghiệm gì thì quay như thế nào đây?". Hơn nữa, phim điện ảnh còn tụ hợp những diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ: Đào Huệ Mẫn, Phó Nghệ Vỹ, Lưu Hiểu Khánh, Triệu Lệ Dung...
Nhưng tổ cố vấn và biên kịch đã thành lập rồi, diễn viên cũng đã tuyển, vốn đầu tư đã nhận, Vương Phù Lâm và Nhậm Đại Huệ chỉ còn cách "đâm lao phải theo lao", thực hiện các cảnh quay bằng tâm huyết của mình. Và công sức của họ đã được đền đáp, bản truyền hình của Vương Phù Lâm sau khi phát sóng lại nhận được phản hồi rất tốt từ phía khán giả. Công chúng đều coi đây là một trong những tác phẩm kinh điển nhất trong nền điện ảnh Hoa ngữ. Vương Phù Lâm tự hào nói về "đứa con tinh thần" của mình: "Tôi rất vui vì người người nhà nhà đều hát Uổng Ngưng My. Phim thành công, một là do trung thành với nguyên tác, hai là chọn diễn viên phù hợp, ba là quay phim có tâm". Tuy nhiên, ông không nghĩ tác phẩm của mình là hoàn mỹ. Ông nói: "Tôi đã dùng một năm để nghiên cứu nguyên tác Hồng Lâu Mộng, nhưng vẫn chưa hiểu hoàn toàn. Hồng Lâu Mộng là một tác phẩm phải dùng cả đời để đọc và cảm nhận”.
Ca khúc "Uổng Ngưng My" của "Hồng Lâu Mộng"
Còn chàng "Giả Bảo Ngọc" nay đã 54 tuổi cho rằng, điểm thành công của Hồng Lâu Mộng 1987 là cả bộ phim có được "tinh thần Hồng Lâu": đoàn kết, tình bạn, cống hiến, trách nhiệm. Gần một năm nay, Âu Dương Phấn Cường toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm Hồng Lâu Mộng vào ngày 17/6 : "Mọi người đều già rồi, đầu tôi tóc cũng đã có sợi bạc, tôi sợ nếu không tụ họp với nhau thì sẽ muộn mất".
Thủy Tiên