![]() |
|
Kết quả kinh doanh ngoại tệ của Sở Quản lý, kinh doanh vốn và ngoại tệ (SQL) đến 31/12/2004 cho thấy: SQL này có tổng thu 1.163,2 tỷ đồng, tổng chi 1.663,1 tỷ đồng - nghĩa là bị lỗ tới 499,8 tỷ đồng.
Riêng 3 tháng 10-11-12, số lỗ kinh doanh ngoại tệ của SQL chiếm 98,9% tổng số lỗ cả năm 2004 với 447,6 tỷ đồng. Trong số này, hoạt động kinh doanh đồng EUR và USD lỗ tới 28,3 triệu USD.
Đặc biệt, trong ngày 22 và 23/12/2004 có 2 giao dịch mua 30 triệu EUR/giao dịch, ngày 24/12 có 4 giao dịch mua 30 triệu EUR/giao dịch, ngày 27/12 có 4 giao dịch mua 30 triệu EUR/giao dịch.
Kết quả kiểm tra cho thấy: các giao dịch trực tiếp từ ngày 14/10 đến 31/10/2004 đều do ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc SQL trực tiếp giao dịch trên máy hoặc chỉ đạo cán bộ phòng kinh doanh ngoại tệ giao dịch, mua bán với số lượng lớn. Đại bộ phận số lỗ kinh doanh ngoại tệ liên quan đến hành vi giao dịch của ông Nguyễn Anh Tuấn.
Điều đáng nói, theo quy định, ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ là phó giám đốc phụ trách giao dịch, kinh doanh vốn và kinh doanh ngoại tệ, không được phép trực tiếp giao dịch. Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn còn có hành vi gian dối, không báo cáo kịp thời tình trạng thua lỗ cho cấp trên.
Thậm chí, như đã nói, các giao dịch lớn do ông Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp thực hiện nhưng các chứng từ giao dịch in từ máy ra lại thể hiện tên người giao dịch là trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ và trưởng phòng quản lý, kinh doanh vốn.
Các ông này trực tiếp ký tên trên phiếu giao dịch để hạch toán cho hợp lệ, còn ông Nguyễn Anh Tuấn thì ký tên với tư cách là người ký duyệt. Như vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà không cần giám sát (các phiếu giao dịch không có chữ ký của kiểm soát như quy định).
Về trạng thái ngoại tệ, bao gồm các giao dịch chuyển đổi ngoại tệ trong nước và quốc tế, tại nhiều thời điểm trong tháng 12/2004, trạng thái ngoại tệ của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đã vượt quá trạng thái giới hạn cho phép theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, SQL còn vi phạm chế độ báo cáo thống kê. Các báo cáo trạng thái ngoại tệ của SQL gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không phản ánh chính xác trạng thái ngoại tệ thực tế của ngân hàng này. Chính vì vậy, những dấu hiệu kinh doanh không bình thường của SQL đã không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sai phạm nghiêm trọng nói trên là do sơ hở trong quản lý, điều hành của lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT. Văn bản số 1301 ngày 5/11/2002 của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam có quy định: “Việc mua bán ngoại tệ khu vực biên giới, hoạt động của Phòng dialing room trên thị trường ngoại hối quốc tế thực hiện theo văn bản quy định riêng của tổng giám đốc”.
Tuy nhiên đến nay, văn bản này vẫn chưa ra đời. Bên cạnh đó là nguyên nhân “cha chung không ai khóc”. Dù SQL có con dấu riêng, có bảng cân đối tài khoản và được trực tiếp kinh doanh vốn, kinh doanh ngoại tệ nhưng trên thực tế, hoạt động kinh doanh của SQL vẫn hạch toán, phản ánh chung vào bảng cân đối kế toán của trụ sở chính Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam.
Trong khi đó, lãnh đạo ngân hàng lại chưa tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức hoạt động của SQL. SQL lại không quy định rõ việc kiểm tra, giám sát, quy trình nghiệp vụ, không quy định trách nhiệm cụ thể cho phòng kinh doanh ngoại tệ, phòng kế toán về việc hàng ngày phải báo cáo kết quả kinh doanh ngoại tệ cho phó giám đốc phụ trách SQL.
Bên cạnh trách nhiệm cụ thể của ông Nguyễn Anh Tuấn, cơ quan thanh tra còn chỉ rõ việc để xảy ra khoản lỗ cực lớn nói trên còn có trách nhiệm của ông Hà Đan Huấn, Phó Giám đốc phụ trách SQL; ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ; ông Hoàng Thiện Hải, Trưởng phòng quản lý, kinh doanh vốn; ông Khúc Quang Huy, Trưởng phòng kế hoạch và quản lý rủi ro.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)