>> 4 món bánh canh quen thuộc của người Sài Gòn
>> 9 món lẩu ngon ở Sài Gòn
>> 10 món xôi ngon ở Sài Gòn
>> 5 món gỏi ăn hoài không ngán
Một bát hủ tiếu đầy đủ gồm nước dùng, tôm, thịt heo, thịt băm, sợi bánh nhỏ như sợi bún nhưng có màu đục, ăn kèm với xà lách, cải cúc, hẹ, giá tươi. Đây là món ăn của người Hoa du nhập vào Việt Nam và được biến đổi cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Trải qua thời gian, ngày nay ở miền Nam tồn tại 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng là: Hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Sa Đéc.
Hủ tiếu Nam Vang
Trong ba thương hiệu kể trên thì hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng nhất, món ăn này có xuất xứ từ đất nước Campuchia. Khi du nhập vào Việt Nam, dưới bàn tay chế biến của người Hoa, hủ tiếu Nam Vang đã được thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của người dân ở đây, nước dùng hơi béo và thơm mùi nước tương (xì dầu) đặc trưng của người Hoa.
Thành phần của nó khá đơn giản với sợi hủ tiếu, cùng với các nguyên liệu như: tôm, thịt nạc, lòng lợn, tim, thịt băm, trứng cút và nước dùng. Trong bát hủ tiếu Nam Vang thì nước dùng là quan trọng và chuẩn bị công phu nhất. Muốn nồi nước dùng trong vắt và có vị ngọt thanh, người bán phải mua xương ống về hầm chung với mực khô, tôm khô, khi hầm để lửa nhỏ và phải vớt bọt liên tục.
Ngày nay, hủ tiếu Nam Vang được chế biến với nhiều nguyên liệu khác nhau, ngoài thịt lợn và tôm, người ta có thể thưởng thức với các nguyên liệu khác như cua, mực... dù thay đổi thành phần như thế nào nhưng thịt băm là nguyên liệu không thể thiếu vì thiếu đi thành phần này sẽ không còn là hủ tiếu Nam Vang nữa.
Ở Sài Gòn, đi đâu bạn cũng có thể bắt gặp hủ tiếu Nam Vang, từ nhà hàng sang trọng cho đến quán bình dân trên vỉa hè với các mức giá khác nhau.
Hủ tiếu Sa Đéc
Từ rất lâu, địa danh Sa Đéc không chỉ được biết đến như là vùng trồng hoa lớn nhất ở khu vực miền Tây, mà còn rất nổi tiếng với món hủ tiếu đã làm nên thương hiệu và có một vị trí đặc biệt trong ẩm thực Việt Nam. Cũng có đầy đủ các nguyên liệu quen thuộc như tôm, thịt, gan... nhưng hủ tiếu Sa Đéc có những nét khác biệt tạo nên sức hấp dẫn riêng so với hai thương hiệu còn lại.
Chúng ta thường biết đến hủ tiếu có màu trắng, sợi nhỏ, mềm và không dai thì hủ tiếu Sa Đéc có sợi to, màu trắng đục, được chế biến từ loại bột gạo mịn màng, dẻo thơm của xứ Đồng Tháp Mười. Khi ăn, bạn cảm nhận được cái dai mềm, hơi giòn của sợi hủ tiếu cùng vị ngọt đọng lại trong miệng.
Bên cạnh đó, nước dùng cũng tạo nên hương vị riêng cho bát hủ tiếu. Được nấu bằng nước hầm xương lợn, nên có vị ngọt thanh rất đặc biệt. Thành phần trong bát hủ tiếu Sa Đéc không có gì khác so với Nam Vang hay Mỹ Tho, cũng là tim, gan, mực, tôm, thịt nạc…
Bát hủ tiếu với nước dùng trong vắt, ngọt thanh của xương heo kết hợp với các nguyên liệu ăn kèm một cách hài hòa cùng bánh hủ tiếu tươi ngon, được điểm xuyết thêm hành lá và rau mùi làm cho bạn không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ món ăn. Rau ăn kèm cũng đơn giản với giá tươi, hẹ, xà lách, cần tay và không thể thiếu tỏi, ớt hiểm ngâm giấm.
Hủ Tiếu Mỹ Tho
Cùng thương hiệu nhưng hủ tiếu Mỹ Tho có nhiều điểm đặc trưng khác biệt với hai loại hủ tiếu trên. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là sợi hủ tiếu Mỹ Tho có sợi to, trong và dai rất đặc trưng của loại gạo Gò Cát nổi tiếng ở đất Tiền Giang. Hủ tiếu Mỹ Tho còn có tên gọi là hủ tiếu dai vì khi chần sợi bánh qua nước sôi thì mềm nhưng không bở và hơi dai.
Nước dùng là điểm quan trong nhất của hủ tiếu, cũng như hai thương hiệu trên, nước dùng của hủ tiếu Mỹ Tho cũng được hầm từ xương ống cho vị ngọt thanh và trong vắt nhưng không có nhiều nước béo như hủ tiếu Nam Vang.
Một bát hủ tiếu Mỹ Tho hấp dẫn với nhiều màu sắc, màu đỏ của tôm, màu xanh của cần tây, cải cúc, màu đỏ của ớt... và một gia vị rất quan trọng tạo nên hương thơm đặc trưng cho món ăn là tỏi băm nhỏ và được phi thơm.
Muốn ăn hủ tiếu Mỹ Tho thơm ngon và đúng chất thì phải tìm về đất Tiền Giang. Riêng ở Sài Gòn không có nhiều quán hủ tiếu Mỹ Tho và điều quan trọng là không có được hương vị đặc trưng của món ăn này. Hủ tiếu Mỹ Tho đã được biến tấu từ hương vị và nguyên liệu để làm sao phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn.
Huấn Phan