Với đặc thù bận bịu, bữa trưa của giới văn phòng thường phải đáp ứng tiêu chí nhanh gọn nhưng vẫn đủ chất. Bún thường được chọn vì đa dạng, dễ ăn và cũng khá mát. Do đó, ở các khu phố ăn uống dành cho giới công sở, số lượng hàng bún thường áp đảo hơn cả.
Từ xưa, cứ hè đến là các gánh bún đậu lại theo chân các chị chủ quán rảo bước khắp các con ngõ. Ngày nay, bún đậu mắm tôm đã có vị trí trong nhà hàng nhưng vẫn giữ được sự giản dị mà khó quên. Để có suất bún đậu ngon, nhất thiết phải dựa trên 3 yếu tố cơ bản: bún, đậu và mắm tôm.
Bún được sử dụng phải là loại bún lá được ép thành bánh nhỏ vừa miệng, chắc nhưng không cứng hay có vị chua. Đậu rán vàng ngon mắt, nóng hổi, bên ngoài giòn cứng, bên trong mềm. Khi cắn miếng đầu tiên, vừa xuýt xoa vừa mãn nguyện bởi vị bùi bùi.
Mắm tôm giữ vai trò quan trọng nhất làm nên một đĩa bún đậu ngon. Sau khi rót ra bát, người đầu bếp rưới thêm ít mỡ sôi sùng sục rồi vắt ít chanh, thêm vài lát ớt rồi đánh đều cho tới khi sủi bọt. Vị ngọt, hơi gắt của mắm tôm khi ăn cùng bún, đậu rán vàng lại có sức hút không tả nổi.
Để phù hợp hơn với yêu cầu đủ chất cho bữa trưa, bún đậu bây giờ có thêm nhiều thành phần giàu đạm như chả cốm, thịt luộc, lưỡi luộc hay lòng lợn tùy theo mỗi chủ quán. Quán nhỏ trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), con phố ẩm thực dành cho dân văn phòng, thực khách có cơ hội thưởng thức loại lòng mơ khá đặc biệt, do đích thân chủ quán nghĩ ra và tự tay chế biến.
Lớp lòng lợn mỏng bên ngoài được rán ngập mỡ đến khi nâu óng, giòn tan. Còn phần nhân, chủ quán sử dụng lá mơ giã nhỏ trộn cùng thịt nạc vai. Sau khi được nhồi, miếng lòng phải được luộc qua một lần nước tấu để khử mùi. Do đó, miếng lòng mơ không ngấy, dễ ăn mà lại khá lạ miệng.
Một trong các món khoái khẩu khác của dân văn phòng chính là bún giả cầy. Món ăn được làm từ chân giò lợn, bao gồm cả phần thịt chân giò và phần móng giò, sả, riềng, nghệ, mắm tôm và không thể thiếu cơm mẻ. Hiện nay, các đầu bếp có thể thay thế bằng sữa chua không đường hoặc me que. Tuy nhiên, hương vị chuẩn nhất vẫn là của cơm mẻ. Nhiều nơi còn cho thêm măng tươi để thêm vị chua dịu dịu.
Bát móng giò được ninh nhừ, thịt mềm thơm thơm mùi riềng mẻ đặc trưng. Tùy vào sở thích nhưng bát giả cầy thường được nấu với lượng nước vừa phải để nước dùng sóng sánh, sền sệt, không bị loãng quá cũng không bị đặc quá.
Miếng chân giò, móng giò được nướng tới khi có màu nâu cánh gián, lớp bì se giòn nhưng phần mỡ vẫn dai dai, ngậy ngậy. Trên cùng, bát giả cầy được rắc thêm các loại rau gia vị thái nhỏ, nhất thiết phải có hành và mùi tàu. Bún ăn chung với giả cầy cũng là loại bún được ép thành các lá nhỏ.
Với những ai ngại chút mỡ màng của đậu rán hay bát giả cầy sánh mỡ, bạn có còn các lựa chọn với các món bún nước, bún trộn thanh cảnh, đủ chất mà không ngấy. Trong số này, phải kể tới bún bò Nam bộ. Dù được cải biên đi đôi chút nhưng bún bò phương Nam xuất hiện ở Hà thành vẫn bao gồm các nguyên liệu không thể thiếu là thịt bò xào chín tới, giá xào, lạc rang và rau thơm. Chỉ vậy thôi mà ăn rất vào, ăn hết bát vẫn còn thòm thèm.
Món ăn dân dã này được chế biến nhiều nơi do tính chất đơn giản. Thịt bò sau khi được tẩm ướp đều các loại gia vị cho ngấm thì được xào nhanh trên chảo nóng, đảm bảo chín tới, ngọt thịt mà không bị dai. Giá cũng đảo qua chảo nhưng nhanh hơn, kỵ nhất là bị chín nhũn. Khi ăn, trộn đều các thành phần thịt bò, giá xào, lạc rang cùng rau thơm (không thể thiếu rau kinh giới), từng đũa bún thấm đều nước xào thịt bò, cùng chút nước dùng chua ngọt.
Ăn bún mùa hè vừa mát, vừa nhẹ bụng lại vẫn đủ chất cho nửa ngày làm việc còn lại nên là sự lựa chọn hàng đầu của chị em công sở bận rộn. Các quán bún không hề hiếm ở Hà Nội nhưng tìm được quán có nhiều loại bún ăn trưa thì khá khó khăn bởi không đơn giản để nấu đạt chuẩn nhiều món cùng một lúc.
Xem tiếp hình ảnh hấp dẫn của các món bún ngày hè |
Một trong những địa chỉ được dân văn phòng khu vực Cầu Giấy truyền tai nhau nằm tại số 1, ngõ 15 Duy Tân, Hà Nội. Quán ăn bình dân nhưng không gian khá thoáng, đồ ăn được chế biến sạch sẽ và giá khoảng 30.000 đồng một bát.
Bài và ảnh: Nguyên Chi