Theo báo cáo trên, có 4,9 triệu người mới bị nhiễm virus HIV, chủ yếu tại vùng Hạ Sahara châu Phi, Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ, nâng tổng số người mắc bệnh lên 40,3 triệu người trên toàn thế giới. Trong năm 2005, hơn 3,1 triệu người, trong đó có 570.000 trẻ em tử vong vì căn bệnh AIDS, một con số lớn hơn hẳn tổng số người thiệt mạng trong tất cả các thiên tai được ghi nhận kể từ thảm họa sóng thần ở châu Á vào tháng 12/2004 đến nay.
Khu vực nam châu Phi vẫn còn là vùng bị AIDS nhiều nhất thế giới. Khu vực Hạ Sahara có 25,8 triệu người bị nhiễm HIV, chiếm 64% tổng số ca bệnh trên thế giới. Tổ chức UNAIDS nhấn mạnh, con số nhiễm bệnh gia tăng ở Đông Âu, Nga và Trung Á bắt nguồn từ những quan hệ tính dục không được bảo vệ và do sử dụng ma tuý qua đường tiêm chích.
Tại khu vực này, chỉ trong hai năm, số người nhiễm HIV đã tăng từ 1,3 lên 1,6 triệu và số người chết từ 36.000 lên 62.000. Tại châu Á, hơn một triệu người nhiễm HIV và khoảng 520.000 người đã chết. Tình trạng tại Indonesia rất đáng báo động khi 70% người dân tại Pontaniak thuộc đảo Borneo được yêu cầu xét nghiệm đã có kết quả dương tính với HIV.
Các chuyên viên LHQ nhận định, trong hơn 20 năm sau khi bệnh AIDS xuất hiện, nhận thức của dân chúng các nước về sự lây nhiễm virus HIV vẫn còn rất thấp. Tại châu Á, đa số người dân bị thiếu thông tin về dịch bệnh AIDS. Tại Ấn Độ, 42% gái mãi dâm cho biết họ chỉ có thể đoán biết khách hàng mang virus HIV qua sắc thái bên ngoài.
Tại Karachi (Pakistan), 20% gái mãi dâm không có khả năng nhận biết hình thức bảo vệ an toàn bằng bao cao su và 1/3 thậm chí không được nghe nói đến dịch AIDS. Tại Philippines, hơn 90% người dân được thăm dò vào năm 2003 nghĩ rằng virus có thể lây truyền qua một… bữa ăn chung với một người bị nhiễm HIV.
(Theo Tuổi Trẻ)