Buổi chiếu khai mạc chương trình 'Bây giờ đã đến tháng Mười', chuỗi sự kiện tôn vinh sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh và trình chiếu 9 tác phẩm của ông. Trả lời Ngôi Sao, đại diện ban tổ chức cho hay toàn bộ số lượng ghế tại rạp được phát hết sau một ngày mở đăng ký công khai.
Lượng khán giả đông, nên phim được chiếu song song ở hai phòng chiếu. Ban tổ chức mở thêm một buổi chiếu Bao giờ cho đến tháng Mười vào ngày 11/10, với mong muốn bản phim chất lượng cao được lưu trữ tại Nhật Bản có thể đến với công chúng Việt Nam.
Từ nhà riêng tại Hà Nội, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ ông xúc động khi thấy phòng chiếu đông khán giả. Ông gửi lời cảm ơn các bạn trẻ tại TP HCM vượt cơn mưa lớn đến xem phim của ông. Tuổi 85, nghệ sĩ giữ cho mình sự minh mẫn, cách giao tiếp gần gũi và cởi mở. Ông nói: "Tôi nghỉ hưu nhiều năm rồi, đã rất lâu mới tiếp xúc nhiều bạn trẻ như vậy. Lớp trẻ bây giờ thông minh, hiểu biết, sâu sắc hơn thế hệ tôi. Tôi kỳ vọng điện ảnh Việt Nam được nhờ ở các bạn".
Là một khán giả xem phim, diễn viên Thảo Tâm cho hay cô biết đến phim Bao giờ cho đến tháng Mười từ trước, qua một khóa học về văn học và điện ảnh. Đến xem phim lần này, cô bất ngờ khi được biết đạo diễn Đặng Nhật Minh bước qua tuổi 80 vẫn làm phim. Có mặt trong buổi chiếu, một số sinh viên thể hiện niềm xúc động khi xem tác phẩm được thực hiện cách đây gần bốn thập kỷ.
Bao giờ cho đến tháng Mười mở đầu câu chuyện khi Duyên (NSƯT Lê Vân) trở về làng sau chuyến thăm chồng ở mặt trận biên giới Tây Nam. Hay tin chồng tử trận, chị nuốt nỗi đau, giấu kín gia đình để bố chồng yên tâm chữa bệnh. Duyên nhờ thầy giáo Khang (NSƯT Hữu Mười) giả chồng cô viết thư về nhà như bấy lâu nay. Những bức thư làm người thân trong nhà yên tâm nhưng cũng dấy lên lời đồn Duyên và giáo Khang lén lút tư tình.
Trong buổi giao lưu, đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ Bao giờ cho đến tháng Mười là phim Việt Nam đầu tiên được chiếu ở Mỹ sau 1975. Phim hoàn thành năm 1984 và trình chiếu tại Hawaii một năm sau, đồng thời giành "Giải đặc biệt" trong khuôn khổ liên hoan phim tại đây.
Ông bày tỏ niềm tự hào: "Sau chiến tranh, rất nhiều phim Hollywood làm về Việt Nam. Nhưng hình ảnh người Việt Nam trong đó không có tính con người, như những cỗ máy, gây nên nhiều hình dung sai lệch của khán giả Mỹ về người Việt. Chân dung cô Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười đã đập tan định kiến này. Đây là một phim thuần chất Việt Nam. Làm phim, tôi không nghĩ đến chuyện được giải này giải kia. Với tôi, giải thưởng lớn nhất là phim làm khán giả nước ngoài có cảm tình với người Việt Nam, đất nước Việt Nam".
Sau Mỹ, Bao giờ cho đến tháng Mười tiếp tục được đón nhận ở Pháp và Nhật Bản. Cũng nhờ phim này, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận được cơ hội sang Pháp thực tập ngành điện ảnh.
Tuy nhiên, trước khi đến với công chúng, bộ phim gặp nhiều lận đận trong khâu kiểm duyệt. Đối với yếu tố tâm linh, cảm tình giữa hai nhân vật chính và một số chi tiết mang tính trào phúng về thời cuộc, hội đồng kiểm duyệt không dám phê duyệt phổ biến phim. Tác phẩm được trình duyệt 13 lần, từ cục trưởng lên các thứ trưởng, bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm và sau cùng được duyệt bởi Tổng bí thư Trường Chinh.
Từ lúc trình kịch bản, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được căn dặn không làm về tình cảm của thầy giáo và chị Duyên. Nhưng ông cho rằng thiếu đường dây này, phim không thành. "Khán giả nước ngoài lại rất thích chi tiết này. Nhiều người bảo tôi làm phần 2, viết tiếp mối quan hệ của hai nhân vật", ông kể.
Với ông, Bao giờ cho đến tháng Mười là câu chuyện phổ biến bởi thời ấy, gia đình nào cũng có người hy sinh ngoài chiến trận. Phim chiến tranh thường chỉ nói về người nơi tiền tuyến, ít khi nói về người ở hậu phương. Ông muốn khắc họa nỗi khổ, mất mát của thân phận người phụ nữ nơi hậu phương.
Khép lại buổi giao lưu, NSND Đặng Nhật Minh đọc bài thơ ông sáng tác trong phim dành tặng khán giả:
Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu
Ông chia sẻ tin vui buổi chiều cùng ngày, ông được trao Giải thưởng lớn tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Khoảnh khắc lên nhận giải, ông cũng đọc những vần thơ này.
Đạo diễn gạo cội hẹn tiếp tục giao lưu trực tuyến với khán giả trong các buổi chiếu sau của "Bây giờ đã đến tháng Mười" và bay vào TP HCM giao lưu trực tiếp ở buổi chiếu phim Hoa nhài, tối 29/10. Từ nay đến cuối tháng, các phim khác của ông được trình chiếu gồm Cô gái trên sông, Mùa ổi, Thương nhớ đồng quê, Trở về, Tháng năm: những gương mặt, Thị xã trong tầm tay, Hà Nội mùa đông năm 46. Chuỗi chương trình chiếu phim không bán vé nhưng kêu gọi khán giả đóng góp tùy tâm.
Phong Kiều