Chiến tranh đã đi qua mấy chục mùa rẫy rồi nhưng với người dân làng Mèo, thi thoảng nó lại bất chợt hiện về khi họ bắt gặp những quả đạn pháo còn xanh màu lá, những đầu đạn M79 vàng chóe nằm lăn lóc trên những cánh rừng, trên nương rẫy rải rác khắp dãy Ia H'Rung. Cứ sau một vài mùa mưa, trên những sườn núi dốc bị bào mòn lại trồi lên những sắc diện tử thần. Bà con chạy về huyện nhờ bộ đội lên tháo gỡ.
Nhưng khác với những quả đạn, mìn mà họ hay gặp, quả bom LBS sau 30 năm cứ trồi dần lên, thoạt trông như tấm lưng con voi già đang ngủ! Puih Cao, già làng làng Mèo, ngồi kể mà vẫn chưa hết hồi hộp: "Sợ lắm! Mấy năm rồi, có nhiều người ở Pleiku, ở Chư Pah lên đây rà tìm phế liệu nhưng thấy “con voi rừng” này đã tránh xa. Sợ nhất là mùa mưa, sấm sét đùng đoàng trên núi Ia H'Rung ngay sau lưng làng Mèo, rồi lũ quét trên các suối, đá lở, cứ sợ nó va đập làm “con voi dữ” thức dậy thì cả làng chắc không còn ai sống sót...”.
Bên quả bom LBS 5,5 tấn. |
Quả bom lớn nhất Đông Dương |
Theo Thanh Niên, từ một hiểm họa chết chóc, quả bom khổng lồ đã trở thành một “kẻ chứng giám” đại diện cái ác để thực thi cho những lời nguyền. Ai ăn cắp vặt trong làng cũng bị nguyền rủa sẽ bị “bom thần” nổ cho tan xác, ai là “ma lai” cũng chịu số phận tương tự...
Mới đây thôi, chừng 4-5 mùa rẫy, H'Linh và Phik yêu nhau, lấy nhau, thề sống chết cùng nhau nhưng rồi Phik về làng cũ tận Ia Phí và bội tình, già làng phạt Phik 20 ghè rượu, hai con heo to, 30 con gà để cúng Yàng với lời nguyền rằng nếu Phik tiếp tục phản bội một lần nữa sẽ bị bom thần Ia H'Rung nổ cho mất xác.
Quả bom được xác định là bom LBS - 12.000 cân Anh (tương đương 5,5 tấn), chiều dài 2,95m, đường kính 1,15m. Khối lượng vỏ 2 tấn, khối lượng thuốc nổ 3,5 tấn, dùng để khai quang (và gây sát thương) trên diện rộng 1ha, tạo mặt bằng phục vụ làm sân bay dã chiến hoặc làm bãi đáp nhảy dù. Đây là quả bom to nhất trong cuộc chiến tranh Đông Dương của Mỹ. Theo thiếu tá Nguyễn Khắc Thoán thì có thể quân đội Mỹ đã thả xuống núi Ia H'Rung vào đầu những năm 1970. |
Hơn 30 mùa rẫy, với cộng đồng Jơ Rai làng Mèo đã có khối chuyện dở khóc dở cười liên quan đến “ông thần bom” vô tri vô giác kia...
Cuộc chinh phục “quả bom thần” bắt đầu từ ngày 17/10. 38 cán bộ, chiến sĩ lực lượng Bộ tư lệnh công binh, trong đó có năm cán bộ của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn từ Hà Nội vào cùng tham gia.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Thoán làm đội trưởng đội dò tìm xử lý bom mìn số 9 và các cán bộ, chiến sĩ: Dũng, Hòe, Tài, Khanh, Thủy, Chất. Số còn lại hơn 30 người tập trung mở đường từ chân núi đến vị trí “mục tiêu”. Tại hiện trường, 1/3 phần đuôi bom đã trồi lên khỏi mặt đất. Nước sơn ngoài vỏ còn xanh màu lá cây và bốn vạch sơn vàng - ký hiệu của các loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm của quân đội Mỹ.
Cả bảy người thay phiên nhau, vừa cẩn thận xúc nhẹ từng xẻng đất vừa canh chừng những dấu hiệu bất thường. Riêng công đoạn đào đã mất gần ba ngày. Ngày thay phiên đào, đêm nghỉ, cắt cử người canh giữ.
Mặc dù đã dày dạn kinh nghiệm trong kỹ thuật rà phá, xử lý bom mìn khắp vùng Tây Bắc và đường Hồ Chí Minh, nhưng theo đội trưởng Thoán thì “đây là lần đầu tiên trong đời binh nghiệp mình nhìn thấy một quả bom to đến thế, hai người ôm không hết”.
Cả 20 ngày vật lộn với quả bom, anh em trong đoàn không ai ngon cơm, ngay trong giấc ngủ cũng chập chờn lo âu. Trong nhóm tháo bom, Hòe là chiến sĩ trẻ nhất, sinh năm 1978. Anh đã xin phép đơn vị nghỉ mấy ngày về quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa cưới vợ, nhưng trước nhiệm vụ đặc biệt này Hòe không đành đi, anh tình nguyện ở lại để cùng đồng đội quyết chinh phục “quả bom thần”. “Mình không làm được thì bà con dân làng Mèo, dân làng khắp Ia Kha, Ia Grai không được yên...”.
Bốn ngày từ 20/10 đến 24/10 là căng thẳng nhất. Tuy đã xác định được chủng loại bom, các thông tin, thông số kỹ thuật nhưng trước khi tiến hành tháo ốc hãm kíp nổ sự căng thẳng cũng lên đến tột độ.
Căng thẳng từng thao tác kỹ thuật an toàn |
Các anh bắt đầu bằng các thao tác xử lý kỹ thuật đồng bộ, dùng thiết bị kỹ thuật xoay từng vòng ren các ốc hãm để giữ đúng định vị, tuyệt đối tránh xê dịch, bởi chỉ cần xê dịch một chút là kíp nổ sẽ tiếp xúc với khối lượng 3,5 tấn thuốc nổ bên trong thì không chỉ mấy chục cán bộ, chiến sĩ mà cả 1ha sườn núi sẽ bị san bằng...
15 phút, 30 phút, 1 giờ, rồi 2 giờ trôi qua. Sự căng thẳng hằn lên trên nét mặt từng người, mồ hôi vã như tắm dưới cái nắng gắt của mùa khô Tây Nguyên. Họ nhìn nhau, ra hiệu bằng mệnh lệnh, bằng mắt cho từng thao tác một. Thao tác cuối cùng là gắn van chuyên dụng kéo ngòi nổ ra ngoài, từng centimet một. “Thành công rồi!”, cả bảy anh em cùng ồ lên mừng rỡ, xiết chặt tay nhau.
“Sướng nhất là sau khi xử lý, vận chuyển khối lượng thuốc nổ 3,5 tấn thành công”, Thoán kể. Công việc còn lại của đội và một đại đội cơ động của Ban chỉ huy quân sự huyện Ia Grai tăng cường phối hợp là dùng tời, một đầu giữ trên sườn núi, một đầu kéo phía chân núi trên một cung đường rừng dài 8km vừa được mở với chiều rộng con đường 3m để đưa vỏ bom “hạ sơn”.
Chiều 6/11, khi nhìn thấy “con voi dữ” nằm chỏng chơ phía sau làng Mèo, bà con trong làng và các làng lân cận rủ nhau kéo đến xem như nhìn thấy một con thú dữ đã chết. Già làng Puih Cao cười rung cả chòm râu bạc, sờ tay vào xác “bom thần”, mắt ông cụ hướng về dãy núi Ia H'Rung thì thào những lời khấn nghe không rõ lắm.
Đêm ấy, trong men rượu cần để cảm ơn và mừng công các anh bộ đội Cụ Hồ, già làng Puih Cao đã dõng dạc trước bà con Jơ Rai làng Mèo: “Từ nay những lời nguyền, những lời thề độc liên quan đến bom thần không còn linh nghiệm!”. Đêm ấy, bà con làng Mèo và các làng Jơ Rai dưới chân dãy Ia H'Rung thức suốt, cùng anh em bộ đội trong vòng xoang đến khi ông mặt trời le lói phía bên kia đồi vẫn lưu luyến chưa dứt...