Ngày 8/10/2014, bé Hương Giang (5 tuổi) được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai với tình trạng chấn thương nặng, hôn mê sâu sau một tai nạn giao thông kinh hoàng khi đang chơi ở gần nhà.
Anh Lê Văn Thanh, ba của bé Hương Giang, kể lại: “Một người đàn ông uống rượu đi xe với tốc độ nhanh đâm phải bé Giang. Khi tôi ra đến nơi, thấy con nằm giữa một vũng máu. Mọi người xung quanh không ai nghĩ rằng con có thể sống được".
Bé Giang nhập viện ngay sau đó, tình trạng rối loạn huyết động, sốc mất máu, chấn thương sọ não, có một vết thương lõm vùng chẩm bên trái, chảy máu nhiều, chảy dịch não tủy ra tai trái, gãy xương đùi phải và gãy hở hai xương cẳng chân phải.
Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai kể lại: "Khi vào viện, bé đã hôn mê rồi. Đây có thể nói là trường hợp nặng nhất mà chúng tôi từng cấp cứu và điều trị. Đa chấn thương như thế này là rất nặng, nó có thể đe dọa tử vong ngay lập tức...”. Ngoài chấn tương lõm sọ, bé còn bị tụ khí nội sọ, dập não, mảnh xương gãy lún vào nhu mô não và xoang tĩnh mạch ngang chẩm trái, toàn bộ êkíp không thể chần chừ, quyết định mổ ngay.
Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai đã phối hợp với đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM tiến hành ca phẫu thuật này. Việc gắp mảnh xương vỡ găm vào xoang tĩnh mạch rất khó khăn, nếu không chuẩn bị kỹ các phương tiện cầm máu kịp thời, sẽ làm máu chảy ồ ạt gây tuột huyết áp nhanh và có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
Ca mổ kéo dài 90 phút, bệnh nhi qua cơn nguy kịch nhưng vẫn chưa thể nói trước điều gì. Đến ngày thứ 15, bệnh nhi mở mắt và tự thở được nhưng em không thể nói chuyện và tự cử động theo ý mình. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân gần như sống thực vật.
Bé Giang ra viện sau 2 tháng điều trị, sức khỏe hồi phục nhưng tri giác chưa cải thiện, bé không nhận biết được bố mẹ, không nói, ăn hay ngồi dậy được.
Chị Võ Thị Huyền, mẹ của bé Hương Giang, tâm sự: "Lúc đầu chăm bé còn cực hơn các bé 1 tuổi. Đồ ăn gì cũng phải xay thật nhuyễn rồi đút từng muỗng. Bé Giang bị ảnh hưởng tới não nên thường xuyên ói”. Nhưng với tình yêu thương và khát khao cho con có thể sống như bao đứa trẻ bình thường khác, bố mẹ kiên trì tập luyện cho con những động tác đơn giản nhất với một hy vọng ký ức của con sẽ trở về. Anh chị tham khảo ý kiến cách tìm lại tri giác cho con qua nhiều tài liệu y khoa, sức khỏe rồi sau đó chắt lọc cho phù hợp với con mình.
Mẹ của bé Hương Giang chia sẻ: “Chúng tôi tập cho con những câu nói như những đứa trẻ mới bập bẹ, tập nói từng câu một. Sau đó, bé biết nói câu đầu tiên. Ví dụ tôi hỏi: ‘Con có ăn không?’, bé sẽ nói: ‘Có’. Hoặc bé cũng có thể nói: ‘mẹ Huyền’. Từ đó, tôi cảm thấy hy vọng, chắc chắn một ngày nào đó con mình sẽ bình thường như những đứa trẻ khác”.
Một năm về trước, bé Giang đã đọc thông vanh vách bảng chữ cái, chữ số. Vậy mà giờ đây, bé đều lắc đầu không biết. Nhưng với mong muốn một ngày không xa, con cũng được cắp sách tới trường như bao bạn bè, anh Thanh, chị Huyền không ngừng nỗ lực, hy vọng trên con đường tìm lại tri giác cho con. Hiện tại, bé Hương Giang đã tìm lại được tri giác khoảng 70 đến 80% của ngày xưa.
Sau 6 tháng vắng mặt, bé Hương Giang đã có thể quay trở lại trường học trong dịp khai giảng này. Niềm vui của những người làm cha, làm mẹ không thể giấu diếm được. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, anh Thanh, chị Nguyệt đã giúp con tìm lại được tri giác. Ngày con trở lại trường cũng là ngày kết thúc hành trình 180 ngày hồi sinh.
Câu chuyện của bé Giang nằm trong serie Khoảnh khắc sinh tử phát sóng trên HTV7 lúc 11h30 trưa chủ nhật hàng tuần.
Xem video câu chuyện hồi phục của bé Giang |
Tùng Dương