Nếu đi tìm một hình ảnh nối liền điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ, những chuyến tàu là hình tượng nổi bật hơn cả.
Trong Ngôi sao trên biển – một trong những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Cách mạng, chuyến tàu biểu tượng cho sức sống và chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ Cách mạng trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc nhất.
Trong Ai xuôi vạn lý, đoàn tàu nhắc về những thân phận người bị đặt vào thời kỳ Đổi mới. Ở đó, một mặt con người chịu áp lực phải tiến lên phía trước và xây dựng cuộc sống mới. Mặt khác, những vết thương của một thời bom đạn vẫn âm ỉ sâu bên trong nhiều người.
Sang đến 1735 km, cũng là trên chuyến tàu nối liền hai miền nam bắc, nhưng câu chuyện phim đã không còn xoay quanh những ám ảnh về một thời đã qua. Thay vào đó, chuyến tàu với những người trẻ sinh ra trong thời đại mới chứa đựng khát khao khám phá bản thân, băng băng tiến về tương lai và trên hết là được yêu thương.
Mối lương duyên "không mời mà tới"
Câu chuyện tình của 1735 km phần nào gợi liên tưởng đến bộ phim lãng mạn kinh điển Before Sunrise. Cả hai đều mở đầu trên một chuyến tàu, cùng dẫn dắt khéo léo cho hai người xa lạ bắt chuyện với nhau rồi "đẩy" họ xuống tàu để dẫn lối cho câu chuyện lãng mạn. Nếu như hai nhân vật trong Before Sunrise tìm thấy tình yêu qua các cuộc hội thoại miên man bất tận, hai người trẻ của 1735 km chỉ bắt đầu rung động với người đối diện sau khi trải qua hành trình dài đầy oái ăm.
Motif phim hành trình đưa đẩy hai người mới đầu xa lạ, dần dần cảm mến đối phương sau khi trải qua các biến cố cùng nhau không còn xa lạ trong phim Hollywood. 1735 km đã xây dựng rất triệt để kiểu cốt truyện này, khi tạo ra những tình huống buộc hai con người tưởng như trái ngược nhau hoàn toàn về tính cách phải chấp nhận đi cùng nhau.
Trâm Anh (Dương Yến Ngọc) làm ngân hàng và luôn quan niệm cuộc sống cần phải được lên kế hoạch trước. Cô đang trên chuyến tàu về với hôn phu ba mẹ đã sắp đặt sẵn. Kiên (Khánh Trình) – anh chàng kiến trúc sư lãng tử luôn cởi mở với tất cả mọi người – lên tàu về Sài Gòn sau những tháng ngày lông bông không mục đích. Chuyến đi tưởng chừng chỉ dài 30 tiếng bị kéo dài bốn ngày, khi cả hai bị tàu bỏ lại phía sau khi dừng chân ở Huế.
Không hành lý, không điện thoại, chỉ 83.000 đồng trong túi, cả hai chỉ còn cách thay đổi và học cách "sống chung" với đối phương trên đường về nhà. Từ đây, họ dần tìm thấy những điểm tốt ở đối phương – những điều chỉ thấy được sau khi họ cởi bỏ những định kiến ban đầu.
Về phía Trâm Anh, cô tìm thấy một cách nhìn cuộc sống mơ mộng, không chút thực dụng ở chàng trai đối diện. Còn về phía Kiên, anh nhận ra bản thân cũng như bao người khác, cũng cần một tình yêu để gửi gắm, một ngôi nhà để về.
Khi cuộc sống cần nhiều hơn ngoài sự thực tế
Một trong những điều làm nên sức mạnh của điện ảnh là khả năng làm cho khán giả suy tư về những điều tưởng chừng bình thường trong cuộc sống thường ngày. Việc dựng vở gả chồng, sống một cuộc sống quy củ khi trưởng thành vốn thường được xem là bình thường bị đảo ngược trong 1735 km. Hành trình của bộ phim bắt đầu từ chỗ hai người trẻ đang hướng đến chỗ bình ổn cuộc sống và phát triển theo chiều hướng để cho từng người nhận ra họ cần phải "nổi loạn" và sống khác đi. Nói cách khác, một cuộc sống "bình ổn" hay "thực tế", thực chất là những cái khuôn bó hẹp con người ta và ngăn họ tìm thấy những điều tốt đẹp khác đang chờ mình ở những chỗ không ngờ tới.
Trong hai nhân vật, hành trình "phá khuôn" của Trâm Anh diễn ra mạnh mẽ hơn. Nhà làm phim xây dựng Trâm Anh theo motif người thực tế đến mức thực dụng – kiểu nhân vật trở đi trở lại trong điện ảnh Việt sau chiến tranh. Cô chạy theo tiếng gọi của thời đại để kiếm tìm tiền bạc và một cuộc sống xa hoa. Dường như, sống ở những thành phố phát triển quá nhanh, nơi những cửa hiệu kinh doanh mọc lên như nấm, Trâm Anh cũng như nhiều người trẻ khác chỉ bị thu hút bởi những biển quảng cáo, những ánh đèn lung linh bên ngoài. Cô không nhìn thấy vẻ đẹp thực sự của những thành phố mình đã đi qua như Sài Gòn, Huế hay Hội An – những điều nằm ở lịch sử của chúng, những đường nét kiến trúc cũ nằm chính trên mái của những cửa hiệu cô đi qua hằng ngày.
Một trong những phân đoạn đẹp nhất của 1735 km là Trâm Anh và Kiên tình cờ xuất hiện tại một bữa tiệc xa hoa ở Sài Gòn. Không biết sự tồn tại của người kia, cả hai tham dự bữa tiệc với tâm trạng rối bời. Những cuộc nói chuyện huyên náo, những chai rượu hay các đồ vật đắt đỏ không thu hút sự chú ý của cả hai. Nếu như tất cả mọi người bận bịu với những cuộc trò chuyện, mình Trâm Anh nhìn đăm đăm vào bể cá. Dường như, nhân vật cảm thấy mình cũng như con cá sặc sỡ kia, cũng lung linh ở vẻ ngoài nhưng thực chất bị giam cầm trong một chiếc bể ngột ngạt và không thể thoát ra.
1735 km ra đời vào quãng thời gian điện ảnh Việt Nam còn ở giai đoạn lưng chừng, thời đại của điện ảnh bao cấp đã qua, còn điện ảnh độc lập và thương mại chưa đủ sức bật lên. Lúc phim ra rạp, đạo diễn Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn chia sẻ điện ảnh nước nhà còn quá khắc nghiệt: số lượng rạp chiếu và khán giả đến xem phim đều quá ít ỏi. Từ đó, câu chuyện về những người trẻ nỗ lực vượt ra khỏi những chiếc "lồng" để sống tự do không chỉ là câu chuyện chung của thời đại, còn là nỗi niềm của những người làm nghệ thuật như Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn lúc bấy giờ. Họ mong muốn được sống, được yêu, được kể câu chuyện tình yêu thông qua điện ảnh và trên hết là được khán giả thấu hiểu, hồi đáp lại tình yêu ấy.
Định nghĩa riêng về tình yêu
Đi cùng nhau trên chặng đường dài 1.735 km, Trâm Anh và Kiên dần dần cảm mến nhau. Thế nhưng, nhà làm phim không dừng lại ở tình cảm ấy để biến bộ phim thành câu chuyện tình yêu với kết thúc có hậu. Ngay khi vừa trải qua một ngày lãng mạn tại Nha Trang, hai nhân vật lập tức phải quay về với cuộc sống bình thường ở Sài Gòn. Không còn người đồng hành trong chuyến đi, mỗi người đối mặt với những vấn đề riêng. Và tình yêu nhắc mỗi người ý thức cuộc sống trước đây vô vị thế nào.
Chàng kiến trúc sư lãng tử mà lông bông nhận ra những chuyến đi vô định thực chất chỉ để lấp đầy nỗi đau của việc lớn lên trong một gia đình tan vỡ. Cô gái đô thị điển hình hiểu rằng cô đã bỏ lỡ hiện tại và những ước mơ của riêng mình khi qua mải mê trên hành trình hướng đến tương lai. Cả hai hiểu họ phải đi tìm bản thân mình là ai trước khi cố gắng hiểu tình yêu là gì. Giây phút ấy, họ cũng thấm thìa tình yêu không phải câu trả lời. Nó là liều thuốc chữa lành những tổn thương của họ. Mỗi người cần tự chữa lành cho mình trước, tình yêu mới trọn vẹn.
'Mỗi tuần một phim hay' là chuyên mục mới của Ngôi Sao, cập nhật bài viết mới tại mục Phim lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 2/2023 Valentine, Ngôi Sao trân trọng giới thiệu bốn câu chuyện tình đến từ điện ảnh Hoa ngữ, Hollywood, Việt Nam và Hàn Quốc.
Đức Minh