Trần Phúc Duyên (1923-1993) quê nội ở huyện Phú Xuyên, Hà Tây (cũ), quê ngoại ở làng Bạch Mai, Hà Nội. Thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông dành trọn một đời nghiên cứu sơn mài và tạo nên các tác phẩm thuộc phong cách hội họa này. Thời ở Việt Nam, ông hoạt động chủ yếu ở Hà Nội, nhưng làm triển lãm đầu tay ở Sài Gòn năm 1952. Cuối năm 1954, ông sang Pháp rồi chuyển đến Thụy Sĩ sinh sống và mất tại đây. Gần bốn thập kỷ xa xứ, ông chưa về thăm quê hương.
Tưởng nhớ Trần Phúc Duyên, bộ đôi nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt - Lê Quang Vinh (gọi tắt là Phạm Lê) cùng giám tuyển Ace Lê và gia quyến của cố danh họa đưa 150 tác phẩm của ông về TP HCM trưng bày, như một cách đưa linh hồn ông hồi hương. Triển lãm mang tên Họa duyên tương ngộ, vừa chứa tên của ông, vừa ngụ ý mối duyên gắn bó suốt đời giữa ông và hội họa. Sự kiện sẽ được tổ chức trong thời gian 22/7-6/8/2023, tại Bảo tàng Quang San ở TP Thủ Đức.
Không gian triển lãm gồm hai tầng, chia làm 9 gian. Trong đó, ba gian đầu lần lượt giới thiệu tiểu sử của danh họa Trần Phúc Duyên, tái hiện hành trình sáng tác của ông thời ông mở xưởng hội họa trên phố Quán Thánh, Hà Nội và điểm lại sự nghiệp của ông tại trời Tây, từ lúc di dân tới khi qua đời. Năm gian tiếp theo trưng bày tác phẩm của ông theo các chủ đề: đời sống Đông Dương, phong cảnh, sinh vật cảnh, thủy mặc và trừu tượng. Gian cuối cùng được đặt tên "Phúc niệm" dành cho các nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật tưởng niệm cuộc "trở về" của cố danh họa.
Tại họp báo giới thiệu triển lãm chiều 14/7, giám tuyển Ace Lê cho hay sinh thời, danh họa Trần Phúc Duyên đã tổ chức hơn 20 triển lãm, trưng bày. Họa duyên tương ngộ mang tính phổ quát hơn các sự kiện trong quá khứ, tái hiện cả cuộc đời hội họa của ông. Triển lãm đã được chuẩn bị trong khoảng 5 năm.
150 bức tranh nằm trong bộ sưu tập của Phạm Lê. Hai nhà sưu tập cho biết họ sống ở nước ngoài đã lâu nhưng dành cho nghệ thuật Việt Nam tình yêu lớn. Năm 2018, trong lúc nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương, họ tình cờ đọc được một ghi chép về 30 bức tranh sơn mài của một họa sĩ Việt Nam, bị bỏ quên trên gác mái của một tòa lâu đài cổ ở Thụy Sĩ suốt 20 năm.
Tìm đến địa chỉ này, Phạm Lê được biết đó là di sản của danh họa Trần Phúc Duyên. Vì ông không có con, còn hai người cháu của ông sống tại Paris, nên các luật sư địa phương ủy thác tác phẩm của ông cho một phòng tranh nhỏ để rao bán. Nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt kể lại: "Sau ngày cụ Duyên mất, chủ lâu đài - cũng là người quen của gia đình cụ - gói ghém gia sản của cụ trên gác. Đến năm 2013, lâu đài đổi chủ, người ta bắt đầu tính chuyện mang tranh của cụ đi bán. Đến nơi, chúng tôi xót xa khi thấy bức khổ lớn nhất bị đặt dưới đất. Những người đó không hề hiểu được giá trị tác phẩm của cụ.
Qua trao đổi, chúng tôi biết ngoài 30 bức được rao bán, họ còn hơn 100 tác phẩm khác cùng nhiều giấy tờ của cụ. Chúng tôi quyết định liên lạc hậu duệ của cụ, xin mua lại toàn bộ. Là những người con xa quê, chúng tôi thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của cụ. Ngắm nhìn những bức tranh vương bụi thời gian, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa cụ trở về với quê hương trong một ngày thật gần".
Hai nhà sưu tập cho biết việc mua tranh và đưa về Việt Nam không dễ dàng. Họ đã tiêu tốn gần như toàn bộ tiền tích lũy để sở hữu 150 tác phẩm. Do giấy thời xưa nhiều axit, họ mời chuyên gia bồi lại bằng giấy Đài Loan, giấy Nhật để gìn giữ. Ngoài ra, họ phục chế các tác phẩm bị hỏng khung, co giãn bề mặt do thời tiết. Một số loại màu ở Việt Nam không có loại tương ứng với chất liệu của tranh, họ đặt mua từ Pháp, Italy để giữ đúng tinh thần tác giả. Quá trình bảo quản, họ mở máy lạnh 24/7, duy trì nhiệt độ phòng 26 độ C.
Từ Pháp, bà Trần Tường Vân, cháu ruột của cố danh họa, bày tỏ niềm xúc động trước thềm triển lãm. Bà cho biết sẽ về dự buổi khai mạc và nói thêm: "Sự kiện đánh dấu sự trở về của chú tôi sau cả cuộc đời sống tại châu Âu. Đây cũng là cơ hội gia đình tôi giới thiệu tới công chúng và những người yêu nghệ thuật Việt Nam các sáng tác của ông ở nước ngoài".
Phong Kiều