1. Linh hoạt ngày bay
Bạn nên sử dụng chức năng tìm chuyến bay của Google (Google's flight search) để so sánh giá của các chuyến bay trong thời gian dự định khởi hành. Nếu không bị sự kiện nào giới hạn thời gian, hãy chọn khoảng thời gian có giá vé thấp nhất để tiết kiệm chi phí.
2. Đặt vé vào ngày và giờ thấp điểm
Theo kinh nghiệm của dân du lịch, các chuyến bay khởi hành sau 21h và tới nơi trước 8h sáng có giá thấp nhất. Các ngày thứ 3 và thứ 4 cũng có giá rẻ nhất tuần. Nếu buộc phải đi vào cuối tuần thì thứ 7 là lựa chọn tối ưu.
3. Quan tâm tới việc đặt chỗ
Sau khi chọn được chuyến bay thích hợp, bạn nên kiểm tra các thông tin trên trang Seatguru để biết được đánh giá về từng chỗ ngồi trên chuyến bay của mình, từ đó đưa ra lựa chọn thích hợp cả về sở thích lẫn túi tiền.
4. Bay đường vòng
Các chuyến bay thẳng là tiện lợi nhất nên không có gì lạ khi giá của nó đắt nhất. Khi bay đường dài, bạn nên thử kiếm tra giá của các chuyến bay có nhiều chặng dừng, tuy nhiên cũng nên cân nhắc các chi phí khi nối chuyến, ví dụ: tiền ăn, tiền thuê phòng ngủ ở các sân bay...
5. Đừng vội quyết định đích đến trong kỳ nghỉ lễ
Đợt nghỉ lễ, nếu muốn một chuyến đi tiết kiệm thì đừng nên chọn điểm đến vội. Do ngày khởi hành cố định nên bạn nên cân nhắc giữa các điểm đến. Thông thường các điểm đến ít người biết đến có giá rẻ hơn.
6. Hỏi kinh nghiệm người đi trước
Chọn hãng hàng không nào, khách sạn nào, ăn ở đâu, vui chơi thế nào với giá hợp lý... là những tư vấn hữu ích mà người đi trước có thể mang lại cho bạn. Nếu không quen ai đã từng tới đó, bạn có thể hỏi trên các diễn đàn du lịch vốn rất cởi mở.
7. Luôn nắm vững các chính sách giảm giá
Các đối tượng như: người nước ngoài, học sinh sinh viên, khách hàng của các ngân hàng... hay được liệt vào danh sách được chiết khấu khi đi du lịch, tới các điểm tham quan. Hãy nắm rõ các thông tin này để không bỏ lỡ ưu đãi nào. Nếu chưa chắc chắn, bạn đừng ngại gọi điện, email hỏi thẳng hãng hàng không hay các khu vui chơi.
8. Mua vé trước
Nguyên tắc này thì bất cứ ai đi du lịch cũng nắm rõ. Mua vé càng sớm thì có vé càng rẻ, nhưng việc này cũng khá hên xui vì các hãng hàng không có thể bất ngờ tung ra các đợt khuyến mại mà ta không biết trước. Tuy nhiên, nếu bạn định đi du lịch bằng tàu cả ở trong nước lẫn nước ngoài thì mua vé trước luôn rất tiết kiệm, hơn nữa, vé tàu hiếm khi nào giảm giá.
9. Xóa cookies thường xuyên
Điều này được các phượt thủ chuyên nghiệp rỉ tai nhau. Có một kinh nghiệm truyền miệng rằng, nếu bạn thường xuyên kiểm tra giá của một chăng bay, một số giá vé sẽ tăng lên do ngầm hiểu rằng nhu cầu của bạn khá bức thiết. Do đó, hãy thường xuyên xóa bộ nhớ cache để tránh điều này.
10. Đừng quá tin vào một kênh kiếm tra giá phòng
Nếu bạn sử dụng một bên thứ 3 để đặt phòng như các phần mềm, website chuyên dụng thì đừng bỏ đi thói quen kiểm tra một lần nữa giá ở website chính thức của khách sạn đó, hay các chính sách ưu đãi về đặt phòng của hãng hàng không mà bạn vừa đi. Nhiều khi, giá trực tiếp tại rẻ hơn nhiều so với giá khi mua thông qua kênh thứ 3.
11. Sử dụng các từ khóa mang tính giảm giá
Khi tìm kiếm thông tin du lịch trên Google, hãy thêm các từ khóa như giảm giá, tiết kiệm, miễn phí, khuyến mãi... (tìm các địa điểm nước ngoài, có thể tìm với các từ: discount, voucher code, promo, coupon...) đi kèm với địa điểm mình muốn tới.
12. Không ở nơi "sang chảnh"
Nếu muốn thật tiết kiệm, bạn không nên đặt các khách sạn mà nên tìm đến nhà nghỉ, nhà trọ có giường tầng để có giá rẻ hơn hay website thuê nhà giá rẻ mới nổi như Airbnb. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các cộng đồng cho ngủ nhờ như Couch Surfing để giảm giá cho chuyến đi một cách đáng kể.
14. Thăm quan vào những ngày miễn phí
Nhiều bảo tàng, điểm di tích lịch sử, văn hóa có những ngày mở cửa tự do cho khách tham quan, hãy tìm hiểu điều này.
15. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ
Taxi luôn là lựa chọn thuận tiện nhất nhưng cũng đắt đỏ nhất. Vì thế, bạn nên sử dụng phương tiện công cộng hay thậm chí là đi bộ, tuy mệt mỏi hơn nhưng lại khám phá được nhiều điều về nơi bạn đến và hơn cả là giá rất rẻ.
Nguyên Chi
Theo Buzzfeed