Chị Biện Thị Anh bên người chồng tật nguyền trong một buổi làm thuê. |
“Tôi sinh ra, khỏe mạnh và xinh gái hơn người, trời lại phú cho nước da trắng trẻo, hồng hào. Độ tuổi trăng tròn được nhiều chàng trai để ý, nhưng trong số đó tôi lại mê anh Học - một chàng trai tuy không đẹp mẽ nhưng rất hiền từ”, chị Biện Thị Anh (Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) bắt đầu kể về chuỗi bất hạnh của đời mình bằng mối tình với chàng trai ở chốn thung lũng nơi chân núi Giăng Màn.
Tình yêu đẹp giữa chàng trai người Kinh và cô gái người Chứt bắt đầu từ tiếng sáo vọng xa của anh Học trong chốn rừng sâu heo hút. Chị gặp anh là có chủ ý đi tìm người đang thổi sáo - một âm thanh khác hoàn toàn tiếng khèn nơi bản chị.
Họ quen nhau từ đó và tình yêu nảy nở ngày một nồng thắm hơn khi anh Học ngỏ lời muốn cưới chị về làm vợ. Chị đồng ý bởi đó là “duyên”, cho dù anh Học không được như các chàng trai khác. Đôi trẻ nên duyên chồng vợ trong niềm hân hoan của hai họ.
Ông Hồ Thảo, bố chồng chị Anh, sau khi đi dân công hỏa tuyến trên chiến trường Bình Trị Thiên trở về, đã chí thú lập nghiệp làm ăn trên mảnh đất khô cằn Hương Liên. Dẫu kinh tế có khó khăn, nhưng gia đình ông luôn đi đầu trong phong trào thi đua và hết sức tận tụy với xóm làng.
Được dân làng bình chọn là gia đình văn hóa “nuôi con giỏi, dạy con ngoan”, các con ông đều khỏe mạnh, hiền từ. Anh Học là con trưởng trong gia đình, có tài đàn hay, sáo giỏi nên mới lấy được cô “công chúa” của bản Chứt.
Về làm dâu, nụ cười chưa kịp nở trên môi Biện Thị Anh, thì tai ương ập đến với gia đình nhà chồng. 5 đứa em chồng lần lượt bị tật nguyền, điên dại. Hồ Văn Thời, người con kế út đang học lớp 10 phải nghỉ học vì mất hết trí nhớ rồi dần dần teo chân, teo tay.
Hồ Văn Mạnh học hết lớp 8 tự nhiên nổi chứng tai ương gây gổ với bạn bè, thày cô một cách không bình thường, cũng phải nghỉ học. Hồ Văn Thoan lên cơn, bỏ vào rừng rồi mất tích luôn từ đó. Mẹ chồng già nua, héo hắt lại triền miên lĩnh những trận đòn của đứa con út hung hãn, đã phải nằm luôn một chỗ.
Lo cho mẹ chưa xong lại đến bố chồng do thiếu ăn, cộng thêm những trận đòn của những đứa con tâm thần làm cho ông mất trí, rồi cũng “điên” nốt theo đàn con…
Khi đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ ra đời, thì anh Học, chồng chị cũng có biểu hiện ngã bệnh, đôi chân teo tóp ngày một rõ hơn, cuối cùng phải ngồi luôn một chỗ.
Chị ngậm ngùi: “Một tháng sau khi sinh con, tôi phải đeo gùi lên núi đi tìm củ mài, củ sắn đưa về nấu lên một nồi cháo thật to mới có thể chia đủ phần cho 9 miệng ăn trong gia đình”.
Đứa con đầu lòng sinh ra trong cảnh bần hàn thiếu thốn nên khẳng khiu teo tóp. Bố mẹ khóc vì thương con, chồng chịu đòn thay vợ, các em đòi ăn, con thơ đòi bú sữa… “Những ngày đó tôi chỉ biết nhìn lên trời, nhìn vào khoảng không mịt mùng nơi có mái nhà của mình mà kêu lên: “Mẹ ơi, sao con khổ thế này!”.
Có nhiều người khuyên chị nên trở về với dân bản, có nghèo cũng đỡ cực cái thân. Biết bao đêm dằn vặt, đau đớn, cuối cùng chị Anh gạt nước mắt, chấp nhận ở lại chống chọi với số phận. “Mình là dâu con trong nhà, nếu còn bỏ họ thì ở mãi giữa chốn núi rừng heo hút này ai sẽ lo cho họ đây và chồng mình cũng sẽ chết mất!”, chị tâm sự. Chưa xong kiếp làm vợ, giờ bắt đầu phận “làm mẹ” từ đây.
Trước hết là tìm cách để sống, để tồn tại, bớt đi áp lực từ những cơn điên loạn trong nhà, mới có điều kiện gánh vác gia cảnh khốn khó. Chị bàn với chồng dựng lều ra ở riêng.
Anh Học đồng ý, thế là một túp lều được dựng nên cho đôi vợ chồng trẻ từ sự giúp đỡ, cưu mang của xóm giềng. Từ đó, chị làm lụng quần quật để kiếm ra miếng cơm manh áo cho cả đại gia đình 9 miệng ăn.
Làm như người không biết mệt, ngoài việc đồng áng, chị lên rừng lấy mây, lấy củi thồ ra huyện gần ba chục cây số bán lấy tiền mua gạo mang về cũng chỉ được bữa một bữa hai. Không chỉ cái ăn, rồi thuốc men và bao nhiêu nhu cầu, chị lao vào làm thuê.
Ai thuê gì làm đấy, từ đào giếng cho đến cày thuê, cuốc mướn…, toàn là những công việc nặng nhọc của đàn ông, chị cũng làm hết, miễn sao có cơm cho cả gia đình, có thuốc cho bố mẹ uống trong cơn nguy nan.
May mà trời phú cho chị một sức khỏe phi thường, lăn lộn với nắng mưa vẫn không làm cho chị quỵ ngã. Chị vẫn cam chịu, vẫn cõng đại gia đình đau khổ ấy vượt qua mọi thách thức, vượt qua từng ngày, từng ngày một, dù không biết trước mặt ngày mai sẽ ra sao.
“Có những lúc thồ mây ra huyện bán, về đến nhà đã mười một giờ đêm, mệt lả người lại nhìn thấy túp lều lụp xụp mà não nề ruột gan. Bên trong mẹ và chồng vẫn tựa cửa ngồi chờ tôi về. Cảm động đến rơi nước mắt cũng phải nuốt lệ vào trong để che giấu đi sự mệt nhọc của mình”, chị Anh chua xót.
Đánh vật với số phận suốt 15 năm trời, vẻ đẹp vẹn mười của cô thiếu nữ người Chứt hôm nào giờ đã tàn phai, những nếp nhăn nổi hằn trên đôi gò má thành từng rãnh. Mới 34 tuổi đầu mà ai cũng tưởng chị đã gần 60.
Khi đến nhà ông Hồ Thảo, đập vào mắt là một túp lều tuềnh toàng, xiêu vẹo. Nhìn vào không ai nghĩ đó là nhà có người ở bởi xung quanh là những bãi hoang rộng, cứ nghĩ là trang trại bỏ hoang của ai đó.
Hỏi ra mới biết vùng đất này trước đây có 6 hộ gia đình sinh sống, thực dân Pháp thả bom làm mười mấy cô dân công chết cùng lúc, nên dần dần họ chuyển nhà đi nơi khác, duy chỉ có gia đình ông Thảo bám trụ lại cho đến nay.
Nghe thấy tiếng người, ông Thảo lên tiếng: “Anh phải không con ?”. Hồ Văn Mạnh gắt : “Nằm im đó đi”, rồi xông ra lấy cái chổi rơm đưa lên bàn khuơ tung tóe để tỏ thái độ chào khách. Nào bụi, nào nhọ nồi, ruồi nhặng bay nháo nhác. Đảo mắt nhìn quanh không có lấy một chiếc ghế nào, duy chỉ có chiếc phản, có một người đang nằm còng queo trên đó cũng cố hết sức lóp ngóp bò dậy tựa vào vách rồi giương đôi mắt nhìn chúng tôi lơ láo.
Qua một hồi chuyện trò, ông Thảo lắc đầu: “Tôi không còn có ai khác ngoài đứa con dâu, nó như là người mẹ của chúng tôi vậy!”. Nói tới đó, nước mắt trào ra trên khuôn mặt hốc hác của ông.
Ông lẩm bẩm: “Tôi chỉ ước sao có được một bữa ăn no rồi chết cũng mãn nguyện”. Tôi rút ít tiền trao ông, chưa kịp nói lời an ủi, thì Mạnh giật phắt lấy, gằn giọng: “Nó biết gì mà cho nó”. Rồi anh ta cầm tiền chạy biến khỏi nhà, chắc là đi uống rượu.
Đưa biếu thêm, ông Thảo ngần ngừ một lúc rồi rút tay lại không lấy: “Nếu thương cha con tôi mà cho bát cơm, bát cháo thì hãy giấu nó đi kẻo chưa được ăn cơm lại được ăn đòn”. Tôi không biết nói gì hơn, đành xin phép ra về trong nỗi xót xa khôn xiết.
Lại càng thấy khâm phục sức chịu đựng phi thường và tình yêu thương, trách nhiệm lớn lao không bờ bến của người con dâu Biện Thị Anh suốt những năm qua. Nhưng một mình chị, dù có vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng cũng chỉ có thể trang trải miếng ăn qua ngày, chứ không thể đủ sức đem lại cho cái gia đình ấy những hy vọng khác hơn.
Và nói dại, biết đâu người đàn bà tội nghiệp ấy một lúc nào đó lại không gục ngã vì kiệt sức dưới chân đỉnh Giăng Màn thâm u này?
Và từ lâu đã không còn chỉ là chuyện trong gia đình. Những đứa con tâm thần của ông Thảo đã khiến dân làng bao phen khốn khổ. Từ đập phá tài sản, đến đốt nhà, rồi đánh người vô tội vạ, vào trường học gây gổ đánh học sinh, về nhà đánh cha, móc mắt anh, hăm dọa chị dâu… mà vẫn không ai dám can thiệp.
Dù thế nào đi nữa thì đây thực sự là một gia đình đặc biệt, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và xã hội. Cũng là sự mong mỏi thiết tha của trụ cột gia đình là chị Anh, mong có sự bình an để đảm bảo miếng cơm manh áo cho chồng, cho con và cho những người đang sống trong ngôi nhà bất hạnh ấy.
(Theo Tiền Phong)