![]() |
Thử thuốc trên “vật thí nghiệm” tự nguyện tại MDS. |
Tôi đến cơ sở Services Pharma MDS đăng ký tự nguyện làm “vật thí nghiệm”. Thủ tục khá đơn giản. Người ta đưa cho tôi một tờ giấy thỏa thuận dày... 9 trang chi chít chữ. Trong tờ này, người ta cung cấp những thông tin liên quan đến thứ thuốc sẽ làm thí nghiệm (cụ thể là thuốc giảm cholesterol hiệu Pravastine).
Bởi người ta chỉ cho tôi 10 phút để xem và ký vào tờ giấy thỏa thuận, tôi không thể nào đọc hết và hiểu đầy đủ những gì ghi trong tờ giấy. Dù vậy tôi vẫn ký. Một luật gia sau này cho tôi biết: “Anh sẽ chịu nhiều rủi ro khi ký vào tờ giấy đó”.
Nhưng đó là thâm ý của người tuyển dụng. Sau này, nghiên cứu kỹ lại bản thỏa thuận tôi giật mình. Trong bản thỏa thuận có lưu ý thuốc Pravastine loại 40 mg từng gây phản ứng phụ. Vậy mà họ cho tôi thử loại 80 mg, tức mạnh gấp đôi. Vì thời gian quy định quá ngắn, tôi không chú ý đến chi tiết này, cứ ký đại. Kể như tôi tự chuốc lấy sự hiểm nguy và sẽ không được bồi thường.
Kể từ lúc “nhập phòng” thí nghiệm đợt đầu tiên, tôi không được gọi bằng tên nữa mà bằng con số 27. Cuộc nghiên cứu mà tôi là “vật thí nghiệm” tự nguyện mang mã số AA18112 nhằm so sánh những viên thuốc Pravastine. Người ta hứa làm xong sẽ trả thù lao 1.200 đôla Canada (CAD), (tương đương 16,5 triệu VNĐ).
Ngày đầu tiên “nhập viện”, người ta lục soát rất kỹ túi xách của tôi. Máy ảnh, thực phẩm hay thuốc men đều bị cấm mang theo. Tôi được đưa lên lầu 2, nơi có phòng thí nghiệm, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung. Khắp nơi máy quay phim theo dõi chúng tôi 24/24 giờ. Tôi là một trong số ít người “vô nghề” lần đầu tiên. Đa số đều đã qua nhiều “lửa”, ít nhất là 2 lần, còn nhiều nhất 30 lần. Tất cả chúng tôi, gồm 50 người, phải trải qua xét nghiệm máu để biết chắc là không nghiện ma túy (nam) hay có thai (nữ). Dính 2 thứ này sẽ bị loại ngay không thương tiếc.
7h27 người ta chích mũi thuốc đầu tiên cho tôi. Vì tôi mang số 27, cứ phút thứ 27 của mỗi giờ là tôi bị chích. Sau đó, tôi được cho uống liều thuốc thử đầu tiên. Sau khi uống thuốc phải ngồi suốt 4 giờ. Muốn đi vệ sinh phải xin phép. Sau 4 giờ mới được đứng lên đi ăn. Buổi chiều được nghỉ, nhưng mỗi giờ phải lấy máu đi xét nghiệm. Đợt thử đầu tiên chấm dứt sau 36 giờ. Tôi được phát một lon nước trái cây, một cái bánh xốp và 2 tờ 20 CAD.
Đợt hai và ba, tôi đến MDS vào buổi chiều lúc 16h5' , làm thủ tục ký tên, khám túi xách. Đã có một người bỏ cuộc. 20h, bắt đầu bữa ăn tối. Chị Josée, khoảng 30 tuổi, kể chuyện buồn: “Lần trước tôi bị sưng môi, khó thở phải chở đi cấp cứu. Người ta bảo tôi bị dị ứng thuốc”. Sau bữa ăn, mọi người lục tục đi ngủ.
Phòng ngủ nhỏ (3,50 m x 6 m) nhưng nhét đến 10 người. Tôi bị lấy máu 19 lần, hơi mệt nên ngủ vùi. Sáng hôm sau vẫn điệp khúc chích thuốc, uống thuốc thử, lấy máu... Vài người có dấu hiệu bất ổn. Chị Suzanne bị run tay. Một người khác cười rất to một cách bất thường...
Đợt thứ tư đến lượt tôi “long thể bất an”. Năm ngày trước đó tôi bị đau bụng dữ dội. Sau đó, là tiêu chảy ngày càng nặng hơn. Tôi phải nghỉ việc ở tòa báo. Đến MDS, tôi báo với chị Suzy, nhân viên phụ trách “vật thí nghiệm”, rằng tôi bị “Tào Tháo rượt” mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi giấu béng chuyện tôi đã dùng thuốc Imodium (chống tiêu chảy) vì sợ bị cắt hợp đồng, mất toi cả nghìn CAD. Chị Suzy chỉ hỏi tôi một ngày “đi” mấy lần, rồi thôi. Không có vị bác sĩ nào quan tâm đến khám và chữa bệnh cho tôi.
Cuối cùng rồi cũng đến hồi kết thúc. Ra về, tôi được phát một ngân phiếu 1.040 CAD, bởi trước đó họ đã ứng trước tổng cộng 160 CAD.
(Theo Người Lao Động)