Các thực phẩm lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch dưới đây được tổng hợp bởi Tiến sĩ Neal Malik của Đại học Bastyr, Mỹ và nhà miễn dịch học, tiến sĩ Cassandra Calabrese, làm việc tại phòng khám Cleveland. Để nhận lợi ích bảo vệ sức khỏe, bạn có thể kết hợp các loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống hàng ngày.
1. Quả mọng
Quả mọng có hàm lượng vitamin C cao tự nhiên và các chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Các loại quả bạn nên ăn gồm việt quất, mâm xôi, câu kỷ tử, dâu tây, nam việt quất, nho, quả cơm cháy...
2. Quế
Quế chứa tinh dầu có thể giúp con người nhanh vượt qua cảm lạnh hoặc cúm.
3. Tỏi tươi
Tỏi tăng cường chức năng miễn dịch của bạn nhờ alliin, chất có liên quan đến việc hỗ trợ phản ứng của các tế bào bạch cầu chống lại virus cúm hoặc cơn cảm lạnh. Khi có thể, hãy tiêu thụ tỏi tươi thay vì dựa vào viên nang/chất bổ sung tỏi.
4. Gừng
Có thể giúp các tế bào miễn dịch giành chiến thắng chống lại cảm lạnh và cúm. Gừng chứa vitamin C, magie và kali. Nó giúp giảm viêm, giảm buồn nôn, chống oxy hóa bên cạnh việc tăng thêm hương vị cho món ăn.
Bạn có thể thêm gừng tươi vào công thức món xào hoặc dùng làm nước sốt salad.
5. Mật ong
Mật ong đã được sử dụng như một loại thuốc kháng sinh trong nhiều thế kỷ. Nười La Mã cổ đại được cho là bôi mật ong lên mắt khi họ bị viêm kết mạc. Bởi họ phát hiện ra mật ong có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Thêm mật ong vào trà hoặc làm lớp phủ trên bánh kếp, bánh quế nguyên hạt để tăng cường khả năng miễn dịch.
6. Nấm
Nấm là một nguồn vitamin D dồi dào, thực phẩm tăng cường miễn dịch. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra phản ứng miễn dịch được cải thiện ở những bệnh nhân ung thư đang được hóa trị và xạ trị sau khi ăn nấm.
7. Khoai lang
Đây là một món ăn được yêu thích vào mùa thu, đông vì có nhiều vitamin A và C. Khoai lang là thực phẩm hữu hiệu để tiêu diệt vi khuẩn và virus.
8. Nghệ
Nghệ xuất hiện dưới dạng củ tươi hoặc bột màu vàng sáng, thường được sử dụng trong các món cà ri châu Á. Nghệ có tác dụng chống virus, do hàm lượng chất curcumin trong gia vị này giúp giảm viêm, chống lại các gốc tự do.
9 Rau chân vịt
Rau chân vịt là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời, đặc biệt là beta-carotene, có khả năng chống nhiễm trùng. Ngoài ra, nó còn chứa một lượng folate, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Ngoài việc trộn rau chân vịt làm món salad, bạn có thể cho một ít vào sinh tố.
10. Sữa chua
Sữa chua có men vi sinh giúp ích cho sức khỏe đường ruột nhờ bổ sung lợi khuẩn, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch. Nhưng khi ăn sữa chua, bạn cần xem lượng đường có trong đó. Sữa chua Hy Lạp luôn là sự lựa chọn tốt, có thể ăn kèm nho khô.
11. Hạnh nhân
Nhai hạnh nhân cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Hạnh nhân chứa vitamin E, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Chỉ cần ăn một khẩu phần nửa cốc (hoặc khoảng 40 quả hạnh nhân) cung cấp cho bạn lượng vitamin E được khuyến nghị hàng ngày.
12. Hạt hướng dương
Giống như hạnh nhân, hạt hướng dương cũng là nguồn cung cấp vitamin E dồi dào, có tác dụng chống nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, hạt hướng dương còn chứa vitamin selen, kích hoạt hệ thống miễn dịch khi có mầm bệnh xâm nhập, báo cho hệ thống miễn dịch biết khi nào nên hoạt động chậm lại, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng viêm mãn tính.
13. Cá
Cá chứa nhiều chất béo omega-3, giữ cho hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt. Một số gợi ý cho bạn là cá ngừ Albacore, cá trích, cá thu, cá hồi, cá mòi.
Tuy nhiên, một số loại cá có chứa thủy ngân, các chất gây ô nhiễm khác có thể gây hại cho thai nhi hoặc trẻ em. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, cha mẹ có con nhỏ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc ăn cá.
14. Trái cây họ cam quýt
Vitamin C, có thể ngăn ngừa hoặc rút ngắn thời gian nhiễm trùng bằng cách thúc đẩy chức năng tế bào miễn dịch, có thể được tìm thấy trong hầu hết các loại trái cây họ cam quýt như: cam, chanh, bưởi.