Ông Nguyễn Văn Minh (64 tuổi, ngụ khu phố Tây Trì, phường 1, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) có lẽ là thí sinh lập kỷ lục về số lần dự thi Đại học nhiều nhất, đồng thời cũng là thí sinh lớn tuổi nhất dự thi trong kỳ thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng năm nay.
Ông Minh quê ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến tuổi đi học được cha mẹ chuyển ra Đông Hà sinh sống rồi thi đỗ trường Quốc học Huế. Học xong phổ thông, ông liên tục dự thi đại học 7 năm vẫn chưa đỗ. Sau đó, ông đã học ngành trung cấp sư phạm tiểu học ở Huế 2 năm. Từ đó, ông làm giáo viên cho tới lúc phải nghỉ hưu vì mất sức lao động.
Sau khi nghỉ hưu, gia đình gặp không ít khó khăn về kinh tế. Ông bươn chải qua rất nhiều nghề, từ bán thuốc lá, bán kem dạo, thợ hồ, bán vé số… thậm chí còn lâm vào nợ nần. Năm 2004, ông chuyển qua làm bảo vệ của Trạm Truyền hình khu vực Huế đóng tại Quảng Trị. Năm 2009, ông chuyển về làm bảo vệ tại Đài Truyền thanh TP Đông Hà. Công việc này cũng khá nhàn nhã, nỗi ham học lại trỗi dậy, ông tìm sách vở về tự nghiền ngẫm.
Năm 2008, ông Minh dự thi khối V (Toán, Lý, Vẽ hình họa) vào ngành Kiến trúc ĐH Khoa học Huế nhưng không đỗ. Một năm sau ông tiếp tục thi vào trường đó với ngành Toán khối A. Năm 2010, ông có đăng ký dự thi nhưng vì đau răng nên không thi được. Trong hai năm 2011 và 2012, ông lại dự thi vào ngành Vật lý khối A vẫn trường này nhưng thành công vẫn chưa tới.
Bốn năm đeo đuổi thi khối A không được, năm 2013 ông thay đổi “chiến thuật”, chuyển qua thi khối D3 (Toán, Văn, Tiếng Pháp) vào ngành sư phạm tiếng Pháp ĐH Ngoại ngữ Huế. Năm 2014, ông dự thi lại ngành yêu thích của mình là ngành Lý ĐH Khoa học Huế. Như vậy từ thời còn trai trẻ đến lúc tuổi đã xế chiều, ông dự thi ĐH tổng cộng đã 13 lần. Ông quả quyết: “Sang năm, dù 65 tuổi, tôi vẫn tiếp tục thi”.
Những lần đi thi đại học của ông có rất nhiều kỷ niệm. Đầu tiên là rắc rối khi làm hồ sơ, cán bộ địa phương sợ ông không đủ tuổi dự thi nên không xác nhận. Sau đó là việc phải trình bằng cấp 3, trong khi ông đã làm mất. May mắn, ông vẫn còn bằng trung cấp nên theo quy chế vẫn được thi.
Hết rào cản thủ tục, lại vấp đến rào cản tâm lý, sự dị nghị của mọi người. “Vợ con tôi đều không muốn tôi đi thi. Ở nhà, vợ tôi cứ cho là tôi nhảm nhí hay bị điên bởi sự học, con tôi thì xấu hổ vì cha nó đến tuổi làm ông rồi mà vẫn chưa từ bỏ ý định thi đại học. Thậm chí có lúc nóng nảy, họ hết đòi từ chồng, từ cha. Tôi thì nghĩ khác, chỉ vì mình thích học quá nên đi thi thôi, đó là niềm vui, là sự sống. Tôi vẫn đi thi đến khi nào kiệt sức mới thôi. Đi thi cũng là một cách muốn thử sức mình, vì mê cái sự học, vì nếu may mắn đậu, tôi cũng không học”, ông phân trần.
Tới khi đi thi, ông cũng gặp nhiều phiền toái, nhất là khi vừa bước vào cổng trường, ông đi tìm phòng thì thường bị công an, bảo vệ giữ lại vì tưởng phụ huynh đi vào chỗ thi. Đáng nhớ nhất là lần bị… công an bắt. Năm 2012, ông dự thi ở hội đồng trường THCS Nguyễn Tri Phương. Trưa hôm đó ông đi sớm, ngồi ở ghế đá uống nước, một vị giám thị cứ đuổi ông ra khỏi khu vực phòng thi. Ông đã trình bày cặn kẽ, xuất trình giấy tờ, nhưng giám thị chỉ nhìn giấy chứng minh, thấy mờ mờ nên gọi công an tới “gô cổ”.
“Rồi khi tôi vào phòng thi, các thí sinh khác đều đứng dậy chào. Chắc các cháu tưởng tôi là giám thị. Sau vài lần, rút kinh nghiệm, khi đi thi tôi đều mặc áo quần “lùi xùi” để các cháu khỏi phân tâm. Rồi khi tôi thèm hút thuốc lá, xin giám thị ra ngoài vài phút cũng gặp biết bao nhiêu phiền toái. Tôi già yếu rồi, đi thi có khi tưởng ngất xỉu, nhưng lúc nào cũng cố gắng hoàn thành bài thi”, ông nói tiếp.
Lương mỗi tháng 1,2 triệu đồng lại đóng góp cho gia đình nên ông không để dành được bao nhiêu, mỗi lần đi thi ông đều mang theo nhiều đồ đạc. Không dám ở nhờ nhà người thân ở Huế vì sợ bị hỏi chuyện, ông luôn lang thang quanh khu vực thi, ăn tạm thứ gì đó rồi tiện đâu thì nằm ngủ.
Trần tình thêm về lý do khăng khăng đi thi dù đã cao tuổi, ông buồn rầu nói, một phần vì nhớ mối tình đầu gần 50 năm vẫn ám ảnh. Vợ ông bây giờ là mối tình thứ ba, trước đó khi còn là học sinh ông có yêu một cô được 7 năm, sau đó lại yêu người con gái khác cũng được 5 năm.
“Mối tình đầu của tôi là một cô gái Huế chính gốc, em đẹp và có giọng nói nhẹ nhàng và sâu lắng nên tôi thường gọi em là con chim Phượng Hoàng. Hồi đó, tôi học ở trường Quốc học, còn em học ở một trường bên cạnh trường tôi đó là trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng). Chúng tôi yêu nhau từ năm 1966 đến năm 1972, say đắm và rất trong sáng, nhưng mẹ của em lại định hướng cho em lấy một anh chàng sĩ quan Quân đội Sài Gòn nhà giàu, còn tôi là một cậu học trò nghèo rớt mùng tơi, gia đình em cho rằng không xứng”, ông kể.
Ông Minh nói tiếp: “Cuộc tình của tôi và em bắt đầu từ 2 vách tường đối diện nhau của 2 ngôi trường mà khi đó chúng tôi đang theo học. Thời đó, hai vách tường đã chứng kiến biết bao kỷ niêm đẹp của tình yêu chúng tôi. Vì thế khi chia tay để em theo gia đình sống ở nơi khác, cả hai đã ngậm ngùi thề rằng đây là nhân chứng của tình yêu. Cô ấy khắc lên đó dòng chữ 'N254', cái tên quen thuộc mà em vẫn thường trêu tôi ngày đi học. Tôi và em thề hẹn, sau này dù có chiến tranh hay vì bất cứ lý do nào buộc chúng tôi xa cách, thì vào mùa thi, hai đứa cũng cố gắng tìm lại nhau. Vậy mà biết bao mùa thi đã qua, biết bao dòng chữ 'N254' được tôi khắc lên dày hai bức tường thế mà em vẫn không một lời hồi đáp”.
Sở dĩ có ký hiệu này vì ông Minh quen thân với em trai của cô gái. Cô gái sinh năm 1952 còn ông sinh năm 1950, nhưng khi mới quen cô ấy, ông Minh giả vờ mình sinh năm 1954. Cũng vì là bạn của em trai cô gái nên ban đầu, ông Minh gọi người yêu bằng chị. Sau đó, khi biết bạn thân và chị gái mình yêu nhau, người em trai hay gọi ông Minh với cái tên thân mật là anh Hai 54. Ký hiệu đó chỉ có ba người họ hiểu ý nghĩa.
“Từ mối tình đẹp nhưng không thành này, những khi vào Huế đi thi, năm nào tôi cũng ghé nơi tình yêu bắt đầu, dùng đá viết lên tường để giữ lời hứa, tuy biết là vô vọng, rất khó có thể gặp lại em. Dù có thể em đã lấy chồng xa, ở nước ngoài, thậm chí em đã chết do bệnh tật hoặc chiến tranh, nhưng đó là một kỷ niệm đẹp. Thi thoảng nghe ai đó ở Đông Hà nói có người tìm tôi, tôi đều liên tưởng đến em. Dù bây giờ thằng Minh này đã già, là một kẻ vô vị, không còn phong độ, trẻ trung như xưa”, ông nhìn về phía xa hoài niệm.
Quả thật ngày nay, bức tường trên đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế, nơi có hai bức tường màu hồng giáp ranh trường Quốc Học và trường Hai Bà Trưng, như lời ông Minh nói, vẫn còn nguyên. Ở đoạn chính giữa bức tường của trường Hai Bà Trưng, vẫn còn một dòng chữ N254 đã mờ. Chắc do mưa nắng, những dòng “mật mã” bao nhiêu năm qua ông Minh viết đã bị xóa sạch theo thời gian. Nay chỉ còn một dòng chữ được ông Minh khắc, có lẽ trong mùa thi năm nay.
Theo Pháp Luật Việt Nam