Paolo Maldini, nhà thơ của hàng phòng ngự
Facchetti đem sự lịch lãm, thông minh và rắn rỏi đến hàng phòng ngự. Gentille đã chỉ cho những người hâm mộ thấy, phòng thủ kiểu Italy là phải kèm chặt và "khủng bố" tinh thần của đối phương như thế nào. Baresi biến phòng thủ thành một dạng khoa học của tính chính xác trong thứ bóng đá phòng ngự khu vực. Còn Maldini là người đã giúp tất cả nhìn về cách phòng ngự Italy bằng một cái nhìn khác, tích cực hơn, đẹp hơn và nhiều chất thơ hơn.
Maldini làm thay đổi quan niệm về thứ bóng đá phòng ngự của người Italy. |
Maradona từng nói về anh: "Hình như Maldini đi nhầm chỗ thì phải. Chỗ của anh ấy phải là trên sàn diễn thời trang". Người hậu vệ lịch lãm và đẹp trai ấy đã biến phòng ngự thành một thứ nghệ thuật. Đó là nghệ thuật của sự phô diễn sức mạnh khi bám đuổi và cắt bóng ngay trong chân đối thủ, trong những tình huống nguy hiểm tưởng như không thể cứu vãn nổi với một sự chính xác ít thấy. Đó còn là nghệ thuật của khả năng lấy thăng bằng và thể hiện kỹ thuật, nghệ thuật của tài chỉ huy hàng thủ, nghệ thuật của việc đã luôn đứng vững trên sân cỏ trong suốt bao năm qua, dù bây giờ anh đã gần 40. Anh đã học những điều ấy từ người cha, Cesare (thậm chí anh còn giỏi hơn cha anh) và là một sản phẩm hoàn hảo của trường phái phòng ngự siêu việt Italy.
Người đàn ông này là người giữ tất cả những kỷ lục về số trận đấu cho ĐTQG cho CLB, cho các trận đấu ở Cúp châu Âu, các trận derby, là một tầm gương lớn về sự bền bỉ, là lịch sử hiện đại của Milan, với biết bao thăng trầm trong hơn 20 năm qua, là một hình tượng mẫu mực về sự trung thuỷ. Anh chính là Milan và Milan, dù đã chuẩn bị rất kỹ cho những năm tháng tới không có anh, vẫn rùng mình khi nghĩ đến một ngày kia, anh sẽ không còn ở đó nữa, trên thảm cỏ xanh.
Vài nét về Maldini: - Sinh năm 1968 - Là một trong số hiếm những tên tuổi lớn trong lịch sử bóng đá không có một danh hiệu cá nhân ở cấp thế giới nào, không Quả bóng vàng, không Cầu thủ hay nhất của FIFA. Nhưng nếu có một giải thưởng tương tự như “Oscar cho thành tựu suốt đời”, anh xứng đáng có được danh hiệu ấy. Ennio Morricone, với biết bao nhạc phim suất sắc cho Hollywood, vừa được trao một giải như thế. Maldini chính là Morricone của bóng đá. |
Pierluigi Collina, siêu trọng tài đầu tiên và duy nhất tới nay
Collina là ngoại lệ duy nhất trên thế giới về một trọng tài. Trừ ông, tất cả những "vua áo đen" trên sân cỏ chỉ được những lời khen chiếu lệ cho một trận bắt tốt và bị chỉ trích nặng nề nếu bắt dở. Tóm lại, họ luôn là nơi để CĐV trút sự giận dữ có cớ và cả vô cớ. Nhưng Collina là một tên tuổi lớn. Ông không chỉ là một trọng tài, mà còn hơn thế.
Collina là người đặc biệt nhất trong giới trọng tài bóng đá. |
Cuốn hồi ký của ông đã được dịch ra 11 thứ tiếng. Bên cạnh một website cá nhân nổi tiếng trên mạng, ông còn có mặt trong hàng loạt quảng cáo, video clip ca nhạc và các buổi trình diễn thời trang. Hãng IBM và Unilever từng thuê ông đến giảng cho các quan chức của họ về việc ra những quyết định. Ngày Collina chia tay với sân cỏ, một tờ báo ít khi quan tâm đến bóng đá như New York Times đã dành hơn một nghìn chữ để viết về ông.
Collina thực sự có tài, điều đó không có gì phải bàn cãi. Hầu hết các HLV, các cầu thủ trên thế giới đều phải thừa nhận điều ấy. Đôi mắt rất sáng, nụ cười dễ chịu và cái đầu không một chút tóc nào của ông được coi như một phần của thương hiệu Collina. Ông cũng như Beckham, có thể sống tốt và bỏ túi bạc triệu dù ít dính đến bóng đá nữa. Có nhiều cầu thủ kiếm tiền nhiều và nổi tiếng tương tự Beckham, nhưng trọng tài tới nay thì chỉ có một, đó là Collina.
Vài nét về Collina: - Sinh năm: 1960 - Danh hiệu cá nhân: Trọng tài hay nhất thế giới, theo bầu chọn của LĐ quốc tế thống kê và lịch sử thế giới (1998, 1999, 2000, 2001, 2002, 2003). |
Zinedine Zidane, biểu tượng thể thao, xã hội và chủng tộc
Anh tới giờ vẫn giữ kỷ lục cầu thủ đắt giá nhất thế giới, là "vì tinh tú" sáng nhất trên bầu trời Real Madrid những năm qua. Kể cả khi anh đã giải nghệ sau World Cup 2006, người ta vẫn yêu anh, nhắc đến anh, nhớ đến cái đầu hói và những pha biểu diễn kỹ thuật đẹp đẽ của anh. Con người này là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố trong một nước Pháp: anh được một tờ báo của giới trung lưu Pháp bầu là người Pháp nổi tiếng nhất; năm 1998, với thắng lợi ở World Cup, anh được coi là biểu tượng của sự hoà hợp sắc tộc trên đất Pháp, vốn từ lâu đã có quá nhiều mâu thuẫn. Anh là người gốc Algeria, lớn lên ở Marseille, và là thủ lĩnh của một "Les Bleus" có công thức da trắng -da đen - Bắc Phi.
Zidane - biểu tượng thành công trong thể thao của một nước Pháp đa sắc tộc. |
Nhà nghiên cứu xã hội Pháp, Pascal Boniface gọi hiện tượng thành công của Zidane là "sự khởi đầu của một thời đại ánh sáng mới". Điều đó đúng. Chỉ có điều, Zidane đã kết thúc sự nghiệp trong một bi kịch cho chính anh, một cú húc đầu vào ngực Materazzi trong trận CK World Cup 2006. Cú "phốt" này không chỉ đóng lại những năm tháng đẹp đẽ của anh trong bê bối, mà còn góp phần khiến Pháp không thể với tới một chức VĐTG.
Vài nét về Zidane: - Sinh năm: 1972 - Danh hiệu cá nhân: Quả bóng vàng châu Âu (1998), Cầu thủ hay nhất thế giới (1998, 2000, 2003), Cầu thủ hay nhất nước Pháp (1998, 2002) |
Roberto Baggio, người giúp tifosi không ghét bỏ bóng đá Italy
Truyền thống bóng đá Italy luôn sản sinh ra những hậu vệ lớn - những "công nhân" thực sự trên thảm cỏ, mà nhiệm vụ duy nhất là không cho một ai, kể cả chính họ, ghi bàn. Trong hàng chục năm, những gì mà người ta nói về bóng đá Italy chỉ là kết quả và đó là mục đích tối thượng của nó. Nhưng tại sao nền bóng đá khô khan và thực dụng ấy lại có thể sinh ra một ngôi sao như Roberto Baggio, người luôn đem lại cho giới tifosi những niềm hạnh phúc vì những bàn thắng đẹp đến mê hồn của anh, đồng thời cũng là hiện thân cho những nỗi buồn thất bại (quả penalty hỏng ăn trong trận chung kết World Cup 1994)?
Giorgio Tosatti, cây bút gạo cội trong làng báo thể thao Italy, đã giải thích điều này: "Bản thân bóng đá Italy là cuộc sống, luôn ở hai thái cực trái ngược tồn tại trong một chính thể, là tốt và xấu xen kẽ, nhưng không bao giờ có sự kết hợp giữa tốt và xấu thành một cái gì đó, hoặc là rất tốt, hoặc là rất xấu. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi Italy đã có những Facchetti, Maldini, Baresi, nhưng lại có Baggio, Zola, Mancini, Totti".
Baggio gắn liền với thứ bóng đá đẹp nhưng không phải bao giờ cũng thành công của người Italy. |
Baggio đã có một sự nghiệp lẫy lừng, được tôn vinh và yêu mến ở khắp thế giới, nhưng bản thân anh không thấy hạnh phúc đến thế. Là tên tuổi lớn duy nhất từng chơi cho cả 3 đội bóng lớn nhất Italy (Juve, Milan, Inter), nhưng sau Juventus, anh không sống được ở một CLB lớn nào nữa, mà chỉ tỏa sáng ở những đội bóng nhỏ, như Bologna, Brescia. Không ai ở Italy quên được câu nói của Tabarez, HLV Milan, khi đẩy anh sang Bologna: "Trong bóng đá hiện đại làm gì có chỗ cho các nhà thơ". Ấy vậy mà "nhà thơ" Baggio đã ghi 205 bàn ở Serie A. Cũng không ai không nhớ đến Baggio, dù anh với 56 trận cho đội tuyển Italy, thậm chí còn chơi ít hơn 4 trận so với người cùng họ với mình, Dino Baggio, một tiền vệ phòng ngự có lối chơi chặt chém và dũng cảm hơn là lãng mạn.
Nền bóng đá nào cũng cần những Baggio, cần rất nhiều Dino và một số ít Roberto. Roberto Baggio gặp rất nhiều trắc trở chính bởi anh quá lãng mạn. Ông chủ Juve, Agnelli còn gọi anh là "con thỏ ướt át" (coniglio bagnato). Nhưng chính vì thế, các tifosi càng yêu anh, nhớ anh nhiều. Vì họ hiểu "cuộc sống luôn cần bánh mì để ăn cho no bụng, nhưng sẽ ngon hơn nhiều nếu phết thêm vào đó một lát mứt ngọt ngào".
Vài nét về Baggio: - Sinh năm: 1967 - Danh hiệu cá nhân: Quả bóng vàng châu Âu (1993), Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA (1993) |
Franz Beckenbauer - Libero và hơn thế nữa
Trong những năm 1960, kể cả những bình luận viên (BLV) nổi tiếng thế giới như BLV người Anh của đài BBC, Kenneth Wolstenholme, đã không biết phải gọi Beckenbauer là gì cho đúng. Trong cuốn sách để đời viết về những ngôi sao bóng đá sáng nhất châu Âu, có tựa đề The Pros, Wolstenholme mô tả vị Hoàng đế bóng đá là "một cái tên lớn với người Đức, cũng hệt như cái tên Bobby Charlton với người Anh". Ông đã đúng một phần, bởi người Đức sẽ khẳng định Beckenbauer là một người còn hơn thế nữa. Ông là sự kết hợp của 70% của những gì Bobby Charlton đã làm được và 80% những chiến công của Bobby Moore - một tượng đài khác của bóng đá xứ sở sương mù.
Những người xem bóng đá ở thập niên 1970 ấy nhanh chóng nhận ra rằng Beckenbauer đã làm được hơn những gì mà một hậu vệ phải làm. Một cầu thủ chơi chủ yếu với nhiệm vụ phòng thủ đã biến thành một cầu thủ tự do, có thể di chuyển xuống phía dưới hàng thủ để bọc lót, hoặc chơi phía trên hàng thủ, hoặc chạy lên tận hàng tiền vệ để đóng vai trò là người tổ chức, và khi có điều kiện, tấn công như một tiền đạo biết ghi bàn. Người ta gọi những cầu thủ như thế là libero, và Beckenbauer đã là người đầu tiên nổi tiếng với vị trí này.
"Hoàng đế bóng đá Đức" Beckenbauer là người khai sinh ra vị trí libero. |
Trong 12 năm, từ 1965 đến 1977, bóng đá thế giới nhìn ông thán phục, không chỉ vì tài năng và đức khiêm tốn, mà còn ở cả sự đĩnh đạc, phong thái trên sân. Không có bóng, ông lo phòng thủ. Có bóng, ông tổ chức tấn công, chuyền bóng lên phía trên cho đồng đội hoặc ghi bàn. Khi Beckenbauer giải nghệ năm 1977, sau 103 trận với 14 bàn cho đội tuyển Tây Đức, nước Đức bàng hoàng nhận ra họ đã sống quá lâu dưới cái bóng của ông, cả đội tuyển xây dựng xung quanh ông. Và khi Beckenbauer ra đi, một khoảng trống dài như vô tận vì thiếu một ngôi sao lớn như ông diễn ra đến tận năm 1990, khi Đức vô địch World Cup 1990, với ngôi sao mới Matthaeus. Điều đặc biệt, chính Beckenbauer, với vai trò HLV, là kiến trúc sư của chiến thắng ấy.
Ngày nay, những cầu thủ như Beckenbauer không còn nữa. Vai trò của ông thường được chia sẻ cho 2 người, như ở Milan, với Gattuso là người xốc dậy cả hàng tiền vệ, che chắn cho hàng thủ, tranh cướp bóng và hỗ trợ cho Pirlo, bộ não của đội bóng, hoạt động trong một diện rộng ở phần sân mà trước kia Beckenbauer đã làm vua ở đó. Hai người của thời hiện đại, chỉ để làm công việc của một người. Vì vậy chỉ có một Beckenbauer.
Vài nét về Beckenbauer: - Sinh năm: 1945. - Danh hiệu cá nhân: Quả bóng vàng châu Âu (1972, 1976), Cầu thủ hay nhất nước Đức (1966, 1968, 1974, 1976) |
Oleg Blokhin, "Nhà du hành vũ trụ không thể bay"
Nếu Blokhin được sinh ra chậm hơn chừng 10 năm, có lẽ, ông sẽ nổi tiếng như Stoichkov. Điều may mắn là ông đã trưởng thành và nổi tiếng nhờ thứ bóng đá cơ động và điền kinh tổng lực của người thầy vĩ đại Lobanovsky ở Dynamo Kiev. Và điều tồi tệ, là ông chỉ được phép ra thi đấu ở nước ngoài vào năm 1988, khi đã 36 tuổi, và chẳng còn gì để chứng tỏ cho thiên hạ ngoài biên giới Liên Xô thấy những điều thần kỳ, như khi ông đã làm cùng Dynamo Kiev ( đoạt Cúp C2 năm 1975). Những năm ấy, Blokhin, với khả năng ghi bàn khủng khiếp của mình (ghi hơn 200 bàn trong giải VĐ Liên Xô), với tốc độ nhanh như tên lửa (ông chạy 100 mét chỉ hết 11 giây, và so với kỷ lục Olympic 1970, ông chỉ chậm hơn có 1 giây), đã trở thành siêu sao đầu tiên của bóng đá Xô Viết.
Không gặp thời, nhưng Blokhin vẫn là tiền đạo nổi tiếng nhất của bóng đá Xô Viết trước đây. |
Tạp chí bóng đá Đức Kicker năm 1974 từng gọi ông là "nhà du hành vũ trụ ở chân trời bóng đá". Blokhin giải nghệ vào năm 45 tuổi. Vào đúng năm 1997 ấy, Stoichkov đang tỏa sáng và là một bản sao của Blokhin ngày nào, nhưng anh lại sinh ra đúng thời hơn Blokhin. "Con tàu vũ trụ" Blokhin đã không thể cất cao.
Vài nét về Blokhin: - Sinh năm 1952 - Danh hiệu cá nhân: Quả bóng vàng châu Âu (1975), Cầu thủ hay nhất Liên Xô (1973, 1974, 1975), Cầu thủ hay nhất Ukraine (1972, 1973, 1974, 1975, 1976, 1977, 1978, 1980, 1981). |
* Còn tiếp
(Theo Thể Thao Văn Hóa & Đàn Ông)