Kết thúc buổi làm việc, các doanh nghiệp đều ký cam kết điều chỉnh giá bán buôn của các mặt hàng tăng giá trở lại mức giá trước 31/12/2006.
Thậm chí một số doanh nghiệp cam kết trở lại mức giá trước 1/9/2006 ngay từ ngày 12/4; nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về quản lý giá thuốc. Riêng Công ty Boehringer cam kết không tăng giá nhập khẩu của sản phẩm kể từ 2006 và phối hợp với nhà nhập khẩu để giảm 5% giá bán buôn kể từ hôm nay 13/4.
Cục Quản lý dược cho biết khảo sát ban đầu thời gian qua có 12 doanh nghiệp trong và ngoài nước tự động tăng giá gần 200 mặt hàng dược phẩm, mức tăng 0,26-32,91%. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết một số doanh nghiệp nước ngoài không tăng giá nhập khẩu đến VN song giá thuốc trên thị trường vẫn tăng (sản phẩm của Servier và Boehringer). Lý do là các công ty nhập khẩu, phân phối đã tự ý tăng giá. Theo ông Quang, quá nhiều tầng nấc trung gian phân phối thuốc là điểm bất cập nhất hiện nay. Chưa kể chi phí hoa hồng, tiếp thị, quảng cáo, tổ chức hội thảo... đều tính vào giá thuốc.
Nguồn tin từ Bộ Y tế cùng ngày cũng cho hay qua thanh tra thị trường dược phẩm, đoàn thanh tra đã phát hiện năm loại thuốc có giá bán lẻ gấp đôi giá bán buôn, lợi nhuận ở khâu phân phối thuốc quá cao. Trong số này có một loại thuốc bổ mắt giá bán buôn là 174.000 đồng/hộp, giá bán lẻ 280.000-304.000 đồng/hộp, thậm chí giá bán lẻ dự kiến kê khai tại Cục Quản lý dược lên đến 360.000 đồng/ hộp.
(Theo Tuổi Trẻ)