Dưới đây là một số hình thức quan hệ của các cặp vợ chồng sau khi chia tay.
Chia tay kiểu cạch mặt
Đó là tình trạng ly hôn khá phổ biến. Hai người chia tay sau những đổ vỡ của đời sống chung đến mức trước khi chia tay họ đã cùng nhau đập tan kỷ niệm, xóa sổ lòng tin và thường đổ tại phía kia đã gây ra những bất hạnh cho mình. Những đứa con chung đi về hai chiều vẫn nghe chuyện “bố mày”, “mẹ mày” không mấy trìu mến.
Đôi khi, con cái có tật xấu nào còn bị đay nghiến: “Sao mà giống bố mày thế. Không bao giờ có ý thức” hoặc: “Quá giống mẹ mày, nói suốt ngày nhức cả đầu”. Nếu cần khoản chi nào cho con, họ lại đổ cho nhau hoặc giành lấy, không cho bên kia đóng góp theo kiểu “không liên quan”.
Những trường hợp này, mỗi bên thường đóng khuôn định kiến, ác cảm và không nhìn thấy cái tốt của nhau. Kiểu chia tay này, cũng giúp cho người ta xóa bỏ quá khứ, nhìn về tương lai song lại gieo vào lòng con cái những suy nghĩ tiêu cực.
Chia tay một cách dấm dứt
Hai người ly hôn nhưng vẫn day dứt về chuyện đã qua. Khi thì họ nuối tiếc mái nhà chung cho con hay oán giận người kia sao lúc đó không níu lại, lúc lại biết mình cũng hơi cố chấp rồi oán trách gia đình nhà vợ hoặc chồng.
Tâm lý oán thán này có thể đi theo suốt đời khiến người trong cuộc rất khó tái hôn với kẻ khác, để rồi cả hai mất hết những tháng ngày còn có thể làm lại.
Nếu hai người đều đã đi bước nữa nhưng còn nặng lòng quá thì lại tiềm ẩn rắc rối, tạo ra những chuyện bi hài gây khổ sở cho tất cả các phía liên quan.
Chia tay màu hồng
Gần đây, người ta nói nhiều đến kiểu chia tay nhưng vẫn có những cố gắng tôn trọng, giúp đỡ nhau sau ly hôn để không trắng tay hoàn toàn và mất đi ân nghĩa một thời.
Có những cặp vợ chồng gửi hoa, tặng quà nhau vào những dịp lễ tết. Họ không kể xấu nhau với con cái và luôn nói những lời tốt đẹp về người kia khi gặp bạn bè hay họ hàng. Với mọi người, đó là một cặp không có “số” ở với nhau chứ cả hai đều rất tốt.
Tuy vậy, có người từng chứng kiến một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bố mẹ chúng tương tự như vậy nhưng lại lâm vào tình trạng hoang mang. Nó đâm ra ghét người bạn gái của bố và căm thù chồng của mẹ. Đứa trẻ cho rằng, nếu không có những “con người xấu” đó cản trở thì bố mẹ nó thế nào cũng sống hạnh phúc với nhau.
Lớn lên chút ít, chúng buồn bã hiểu ra các bậc phụ huynh của mình đã quá mất công trong việc tạo hình ảnh. Việc cố gắng “nuôi” màu hồng còn gây ra những ghen tuông, khó hiểu cho người đến sau.
Ly hôn nhưng kết bạn
Có lẽ, đạt được mối quan hệ bạn bè chân tình sau ly hôn là một điều lý tưởng nhất. Hai người khi không còn chung sống mà tôn trọng nhau thật lòng và coi nhau như bạn thì con cái sẽ giảm thiểu những thiệt thòi và tổn thương tinh thần.
Khi thực sự tôn trọng nhưng giữ được khoảng cách cần thiết thì ngay cả “đối tác” của mỗi bên cũng ít ghen tuông, gây phức tạp cho đời sống mỗi người.
Một cặp vợ chồng đều là trí thức sau khi ly dị vẫn rất tôn trọng và hay chia sẻ với nhau. Vấn đề là cả hai duy trì được những người bạn chung, hiểu được hai người và biết cách cư xử tế nhị. Và sau này, khi con chung đã lớn, họ giáo dục để chính cháu là “người bạn chung” của cả hai.
Có thể nói không có mẫu số chung cho chuyện ứng xử trong tình cảm sau ly hôn. Với mỗi hoàn cảnh, mỗi cá nhân, hình thức quan hệ sau ly hôn không hoàn toàn giống với những gì đã nêu trên. Song để giảm thiểu những đau buồn cho mỗi bên cũng như gây ảnh hưởng tốt với con cái, không gì bằng quan hệ chân thành và lòng tốt khi không còn chung sống.
(Theo Tiền Phong)