Mong các con có Tết Trung thu ý nghĩa, chị Jenny Phan (làm marketing, handmade) đã lên kế hoạch, tạo nhiều hoạt động bổ ích cho con ngay tại nhà. Có kinh nghiệm bày mâm ngũ quả, cộng học hỏi thêm, chị Jenny không mất nhiều thời gian lên ý tưởng và chuẩn bị nguyên liệu cần thiết. Tranh thủ ngày thứ 7 vừa qua khi con được nghỉ học, chị còn hướng dẫn các con - bé Hà Anh, Phan Anh xếp nan tre, cắt dán giấy làm đèn ông sao, làm cún bưởi, tỉa bưởi, khắc dưa, làm bánh lưỡi mèo thơm bơ. "Do các con nhỏ, không ngồi làm liên tục được nên tôi vừa làm cùng, vừa kể chuyện, khơi gợi sự tò mò, giúp con kiên nhẫn 'vượt khó'. Đặc biệt, với con trai nhỏ, tôi dụ bé làm ngôi sao để học tính, đếm số", chị bật mí. Khi cho con trải nghiệm các hoạt động này, chị Jenny mong muốn bé biết về Trung thu xưa của ông bà, bố mẹ với đồ chơi dân gian từ chất liệu thân thiện môi trường. Theo chị, sự tỉ mỉ khi tỉa khắc dưa, làm cún bưởi, bày mâm ngũ quả... giúp các con rèn tính kiên nhẫn, cẩn thận, được tương tác, thủ thỉ với bố mẹ. "Khi chuẩn bị Trung thu cùng con, chúng tôi muốn gửi đi thông điệp ba mẹ luôn đồng hành cùng con từ thứ nhỏ nhất trong cuộc sống. Đó chính là sự gắn kết tự nhiên của gia đình. Con cũng học được ý nghĩa mâm quả đêm rằm Trung thu là cầu mong mưa thuận gió hoà, điềm may, sự ấm áp, đông đủ", chị bổ sung. Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi, cả nhà cùng bày mâm quả, treo đèn, phá cỗ lần một vào cùng ngày. Chị Jenny nói: "Cảm giác rất tuyệt, không thể diễn tả bằng lời vì khi chuẩn bị Trung thu cùng các con, tôi như được sống lại những ngày tuổi thơ đầy sắc màu...". Đúng ngày rằm (21/9), các bé sẽ tiếp tục rước đèn, phá cỗ trông trăng. Cũng như chị Jenny, chị Trần Thị Định (kinh doanh gốm) đã chuẩn bị được mâm cỗ Trung thu tươm tất có thỏ bưởi, hồng trứng, bánh nướng, chuối... Chị Định sáng tạo thỏ bưởi cùng các con vừa để tạo thêm hoạt động vừa không gây lãng phí vì phần ruột bưởi còn nguyên. Nguyên liệu làm thỏ bưởi của chị Định gồm bưởi, dao nhọn, tăm, bút dạ, hạt nhãn. Sau đó chị và con dùng bút dạ vẽ lên quả bưởi để định hình, lấy dao nhọn cắt tạo hình mắt, mũi, tai thỏ. Tiếp tục vạch hai đường để nhét tai thỏ, tìm hạt nhãn hoặc dùng bút dạ để làm mắt, mũi, miệng thỏ. Cuối cùng cắt miếng bưởi cùi dày vào khe miệng để tạo răng, xiên tăm thành râu thỏ. Cũng muốn con có trải nghiệm đáng nhớ khi không thể phá cỗ trông trăng với các bạn, vợ chồng chị Lan Hương (giáo viên mầm non) hướng dẫn các con Minh Anh, Nhật Nam tự làm 30 bánh nướng, bánh dẻo và mặt nạ thay vì đi mua. Trong nửa ngày, các bé được học từ A đến Z về cách nhào nặn nguyên liệu, đóng bánh và đem nướng. "Khi khám phá cách làm bánh truyền thống, các con cảm thấy hào hứng, thích tự tay chia từng viên nhân, vui vẻ khi đóng được chiếc bánh vuông vắn...", chị Lan Hương chia sẻ. Các cô cậu nhóc còn được thỏa sức sáng tạo với mặt nạ Trung thu có thể đội lên đầu từ bìa carton đựng sữa. Bé tự lên ý tưởng, phác thảo, dùng màu nước vẽ mặt nạ đầu lân, đầu rồng, làm trong vòng một buổi tối. "Trong quá trình làm, con có lấm lem, nhà cửa hơi bừa nhưng tôi cảm thấy đây là trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ con bởi bé được tự tay làm, có thể dùng bánh để đem thắp hương, tặng mọi người, mặt nạ để chơi. Bố mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, trau chuốt đôi chỗ để thành phẩm của con được chỉn chu", chị Lan Hương cho hay. Gia đình chị Trang (làm ngân hàng) có hai con nhỏ Đức Kiên, Mai Khanh nên chọn hoạt động vừa sức bé là tạo hình bánh Trung thu hôm chủ nhật vừa qua. Vợ chồng chị nhào bột sẵn, cho con và bạn làm bánh không nhân để dễ tạo hình. "Ban đầu, tôi định dạy con làm bánh con thỏ, con lợn. Nhưng trong quá trình làm, các con thích tạo hình theo ý thích, nặn cả các bánh hình khủng long, rắn, xe tăng (cười). Lúc đợi nướng bánh, các bạn rất hồ hởi, liên tục hỏi mẹ đã nướng xong chưa", chị kể. Sau khoảng 2 tiếng vừa chuẩn bị, vừa làm, cả nhà đã có thành phẩm là mẻ bánh nướng đủ hình dạng. Buổi tối, các bé múa lân trong nhà với đầu lân mẹ đã mua từ năm trước, cùng hát, phá cỗ, ăn bánh kẹo, bim bim và hoa quả. Hằng Trần Ảnh: NVCC