Dưới đây là 10 sự kiện chính trị - xã hội nổi bật theo lựa chọn của VnExpress.
Chuyến thăm Mỹ lịch sử của Thủ tướng
Ngày 21/6, Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu một phái đoàn gồm 200 người, bắt đầu chuyến công du 7 ngày tới Mỹ. Lần đầu tiên sau 30 năm kết thúc chiến tranh một nguyên thủ Việt Nam sang thăm Mỹ.
Ảnh: Whitehouse.org |
Tại Nhà Trắng, Thủ tướng Việt Nam cùng Tổng thống Mỹ xác nhận mối quan hệ hai nước trên bình diện ổn định lâu dài, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Đó là điều chưa bao giờ Việt Nam thiết lập được với Mỹ trong khuôn khổ nhà nước.
Tiếng chuông do chính Thủ tướng rung khai mạc phiên giao dịch của Thị trường chứng khoán New York, công việc vốn từ lâu chỉ dành riêng cho những nguyên thủ quốc gia và người nổi tiếng, một lần nữa khẳng định thông điệp: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới”.
Chuyến đi khép lại bằng hàng loạt hợp đồng, thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, với tổng giá trị ký gần 2 tỷ USD.
Năm bản lề của cuộc chiến chống tham nhũng
Lần đầu tiên ở Việt Nam, Luật phòng chống tham nhũng được thông qua, với đầy đủ các quy định từ khen thưởng cho người tham gia phòng, chống đến chế độ bảo vệ người tố cáo. Cùng với đó, Ban chỉ đạo trung ương do Thủ tướng đứng đầu sẽ ra đời. Trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định làm hết sức mình trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Ảnh: Việt Hoà |
Cũng trong ngày thông qua luật này, Quốc hội đã bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc Công ty điện lực TP HCM. Động thái này được tiến hành sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội tước bỏ quyền miễn trừ bắt giam, truy tố đối với ông Hoàng. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ XI, một đại biểu bị truất quyền vì hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Một ngày sau khi luật Phòng chống tham nhũng được thông qua, kết quả một cuộc điều tra xã hội học chưa từng có về tham nhũng đã được Ban Nội chính công bố. 10 cơ quan theo khảo sát là có tham nhũng phổ biến nhất được nêu đích danh. Nhiều con số khiến người ta giật mình. Cứ 10 công chức khi được hỏi, có 4 người cho biết họ từng chứng kiến hành vi tham nhũng tại cơ quan mình. Và trong 3 người tham gia khảo sát thì có 1 trả lời, không từ chối quà hối lộ nếu có người đưa.
Kỷ niệm 30 năm thống nhất, 60 năm độc lập
Ảnh: Anh Tuấn |
Cờ hoa lộng lẫy, TP HCM như khoác áo mới trong ngày 30/4. Lễ mittinh kỷ niệm 30 năm thống nhất diễn ra trang nghiêm, cảm động với khoảng 50.000 người tham gia. Trong đoàn phóng viên nước ngoài, nhiều người từng có mặt tại Việt Nam những năm bom đạn ác liệt, giờ trở lại chiến trường xưa với mong muốn hàn gắn vết thương chiến tranh. Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của báo chí thế giới ngày hôm đó.
Sáng 2/9, sau màn trình diễn của 5 máy bay trực thăng mang cờ đỏ sao vàng, 21 phát đại bác vang lên giữa bầu trời Hà Nội, mở màn cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm ngày Việt Nam giành độc lập cách đây 60 năm. Hơn 13.000 người tham gia lễ duyệt binh lặng đi khi một lần nữa tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập vang lên trên quảng trường Ba Đình.
Đêm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác thêm một nét khắc họa cho ngày vui cả nước.
Chất vấn tại Quốc hội chuyển từ hỏi đáp sang đối thoại
Ảnh: Anh Tuấn |
Thay vì chỉ hỏi đáp như thường lệ, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, đại biểu và người bị chất vấn đã thực hiện đối thoại trực tiếp tại nghị trường. Việc truy vấn đến cùng, dứt điểm từng vấn đề khiến nhiều cuộc tranh luận diễn ra quyết liệt. Thậm chí, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đã không ngần ngại hỏi lại người được ủy quyền trả lời của Thủ tướng rằng: "Phó thủ tướng nói làm hết mình, nhưng tôi cho vẫn chưa đủ".
Phương thức chất vấn mới đã chấm dứt cơ hội cho những trả lời một chiều từ các thành viên Chính phủ. Thay cho hứa hẹn xuôi chiều, người bị chất vấn buộc phải đưa ra những giải pháp cụ thể, hạn định rõ ràng. Cách làm này cũng đã đánh dấu chấm hết cho những tranh luận về tính chất lời hứa của các bộ trưởng.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Lê Quang Bình nhận định, đây là bước tiến dài trong việc nâng cao tính công khai dân chủ khi chất vấn.
Cúm gà đe dọa bùng nổ thành đại dịch
Ảnh: Đoàn Loan |
Dự đoán Việt Nam sẽ là nơi nhóm lên đốm lửa đầu tiên của đại dịch cúm gia cầm và cảnh báo về một đại dịch cúm trên người với hơn 8 triệu dân có thể mắc bệnh, đã khiến hàng triệu người tiêu dùng trong nước quay lưng với món ăn chế biến từ thịt gia cầm.
Thị trường tê liệt. Hàng triệu gia cầm không trong vùng dịch cũng bị bỏ đói đến chết. 8 triệu hộ chăn nuôi vốn đã bị đẩy đến bờ vực phá sản khi phải chịu năm thứ 3 liên tiếp cúm gia cầm hoành hành, nay tuyệt vọng khi gần 4 triệu gia cầm bị tiêu huỷ.
Giữa tháng 10, Chính phủ ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp, huy động tất cả bộ, ngành tham gia phòng chống cúm gia cầm. Chưa bao giờ kể từ khi khai sinh ngành chăn nuôi, việc quy hoạch điểm chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm lại được các địa phương, mà đi đầu là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, thực hiện ráo riết như trong năm qua.
Những ngày cuối năm, dịch cúm gia cầm có dấu hiệu tạm lắng, nhưng theo các nhà khoa học, thời điểm thời tiết thuận lợi nhất cho dịch bùng nổ mới chỉ vừa bắt đầu.
Hạn khốc liệt, bão dữ dội, động đất liên tiếp
Ảnh: Anh Tuấn |
Chưa kịp gượng dậy sau đợt khô hạn được đánh giá là khốc liệt nhất 40 năm qua với nửa triệu người khắc khoải vì đói khát, cả miền Bắc quay cuồng vì khủng hoảng điện, thì từ cuối tháng 7 các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ lại bị 9 cơn bão hoành hành. Trong 5 năm trở lại đây, chưa bao giờ Việt Nam hứng nhiều bão đến thế.
Cơn bão số 7 có sức huỷ diệt lớn đến mức con người gần như bất lực. Với sức gió giật trên cấp 12 - mạnh nhất trong vòng 9 năm trở lại đây - kèm theo mưa lớn, cơn bão đã xoá sổ hàng chục km đê biển, giật tung hàng nghìn nóc nhà, nhấn chìm hàng chục người trong biển nước. Chỉ một đêm, cả thị tứ Ba Khe, huyện Văn Chấn, Yên Bái, bị lũ quét san bằng. 54 con người bị đất cát lấp vùi. Thiệt hại vật chất lên tới 3.500 tỷ đồng.
Tháng 8, 10 và 11, nhiều tòa nhà cao tầng của TP HCM đã liên tục chao đảo vì những trận động đất 5,5 độ richter. Người dân hoảng loạn đổ xô ra đường vì lo ngại thảm hoạ sụp đổ có thể xảy ra. Trước đó, nhiều địa phương của các tỉnh Nghệ An, Hà Giang, Ninh Bình đã xuất hiện nhiều rung chấn.
Gần 50 người thiệt mạng trong 2 vụ tai nạn thảm khốc
Ảnh: Trà Bang |
Một phút lơ đễnh thiếu kiểm soát của tài xế, cả đoàn tàu E1 từ Hà Nội vào TP HCM hôm 12/3, chở gần 500 người, lao vào khúc cua định mệnh với tốc độ 69 km/giờ, vượt 72% tốc độ quy định. Tàu đột ngột đứt rời. 2 toa xe vặn mình như vỏ ốc văng dưới sườn núi Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử gần 30 năm của ngành đường sắt đã khiến 11 hành khách tử nạn, 70 người phải nằm điều trị dài ngày, nhiều người chịu cảnh thương tật suốt đời.
Hơn một tháng sau, chiếc xe chở đoàn cựu chiến binh phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, trên đường thăm lại chiến trường miền Nam, đã mất tay lái lao xuống vực sâu. 30 cựu chiến binh tử vong ngay tại hiện trường vì sự bất cẩn của tài xế. Chỉ 2 người may mắn sống sót.
2 vụ tai nạn thảm khốc đã khiến Chính phủ gióng lên tiếng chuông báo động về an toàn giao thông trên khắp tuyến đường Việt Nam.
TP HCM, Hà Nội rộng cửa tiếp nhận người nhập cư
Người dân dù đang thuê nhà hay ở nhờ, nhưng có việc làm ổn định đều nằm trong diện được xét cấp hộ khẩu chính thức. Với cơ chế "mở" này, 2005 được xem như vận may đối với người tạm cư tại 2 thành phố HN, HCM.
Ảnh: Đoàn Loan |
Chấp nhận đối mặt với làn sóng người nhập cư, Hà Nội quyết định hợp thức hoá nhà ở cho họ. Người dân chỉ cần có nhà ổn định, làm việc tại thành phố 3 năm trở lên đều được cấp giấy chứng nhận. Không chỉ trả lại quyền sở hữu nhà, đất cho dân, quyết định này còn làm lành mạnh hoá thị trường bất động sản, phần nào xoá đi tình trạng mua bán ngầm nhà đất ở thủ đô.
800.000 người ngoại tỉnh ở TP HCM và 500.000 người ở Hà Nội lần đầu tiên đứng trước cơ hội trở thành những thị dân chính thức, chấm dứt sự đeo đẳng của những thủ tục hành chính bất công, phân biệt. Mặc cảm ngụ cư và những bất cập về sinh hoạt, quyền lợi... có thể sẽ nguôi dần trong tâm trí họ.
Bãi bỏ hạn chế đăng ký xe máy
Gần 3 năm sau khi Bộ Công an ra quy định "mỗi người dân chỉ được đăng ký 1 xe máy", Bộ Tư pháp lên tiếng quy định đó là vi phạm luật dân sự, vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Cuối năm 2005, Bộ Công an đã ra thông tư bãi bỏ.
Ảnh: Anh Tuấn |
Trong khi người dân các thành phố vui mừng, thì dân của 7 quận nội thành Hà Nội vẫn bị trói buộc bởi quy định tạm ngừng đăng ký xe của HĐND thành phố. Một quy định mà Trưởng ban dân nguyện Quốc hội khẳng định là vi hiến.
Sau gần 1 tháng tranh cãi cùng sức ép từ công luận, cuối cùng đúng vào ngày quy định bãi bỏ của Bộ Công an có hiệu lực, UBND TP Hà Nội đã "dũng cảm" ra quyết định cho phép tự do đăng ký xe trở lại. Điều này kết thúc nỗi khổ của hàng trăm nghìn người dân khi phải mua suất tên người khác làm chủ đăng ký xe cho mình.
Sau khi được tự do, lượng xe đăng ký mới, sang tên đổi chủ tại Hà Nội và TP HCM tăng lên 30%, thậm chí có ngày tăng tới 100% so với trước kia.
Triệt phá hàng loạt động 'lắc'
Cảnh thanh thiếu niên nam nữ điên cuồng lắc theo tiếng nhạc kích động trong những quán karaoke trá hình, những căn nhà nghỉ khép kín vương vãi nội y, dụng cụ kích dục và heroin... thực sự đã gây sốc cho xã hội. Nhiều bậc phụ huynh kinh hoàng khi biết con mình đang chìm đắm vào thú vui loạn nhân cách. Chỉ kiểm tra một tụ điểm, công an đã phải đưa hàng trăm thanh niên có mặt đi xét nghiệm ma tuý. Trong hai tháng 5 và 6, hàng chục động lắc nổi cộm đã bị xoá sổ.
Trước vấn nạn này, Chính phủ yêu cầu các địa phương có ngay biện pháp chấn chỉnh. Bộ trưởng Công an chỉ đạo dốc toàn lực cho chiến dịch triệt phá các tụ điểm thuốc lắc. Thậm chí, người đứng đầu cơ quan quản lý trật tự địa phương sẽ bị truy trách nhiệm nếu để nạn lắc xảy ra. Một loạt bản án nghiêm khắc đã được tuyên dành cho những kẻ chứa chấp. Chủ quán karaoke Hương Xuân, điểm lắc đầu tiên bị phát hiện, đã phải vào khám với mức án 14 năm tù.
(Theo VnExpress)