![]() |
Dưới đây là những sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm qua do VnExpress bình chọn.
Năm thiên tai khắc nghiệt nhất lịch sử hiện đại
Sau trận sóng thần kinh hoàng cuối năm ngoái khiến hàng trăm nghìn người chết, châu Á lại phải chứng kiến một trong những cơn địa chấn có sức tàn phá lớn nhất lịch sử hiện đại. Sáng 8/10, trận động đất mạnh 7,6 độ richter làm rung chuyển Kashmir, khiến khoảng 88.000 người bỏ mạng cùng 2,5 triệu người vô gia cư. Pakistan đã phải cầu cứu cả thế giới để xây dựng nhà cửa cho vô số người phải sống trong lều dựng tạm.
![]() |
Một em bé sống sót sau trận động đất ở Kashmir. |
Năm thiên tai khắc nghiệt nhất lịch sử còn được đánh dấu bằng cơn bão Katrina, quét các bang miền nam nước Mỹ. Lần đầu tiên một thành phố Mỹ phải đưa dân đi sơ tán. New Orleans, một thành phố hiện đại trở thành mồ ma của những xác người nổi lềnh bềnh trên phố ngập nước, nhiều nhà cửa bị phá hủy cùng nạn hôi của lan tràn.
Washington phản ứng quá chậm trước thiên tai đã khiến Katrina trở thành cơn bão có tổn thất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Thiệt hại đối với giới bảo hiểm là 25 tỷ USD trong khi chi phí dành cho tái thiết lên tới 200 tỷ USD hoặc hơn thế. Nhiều nạn nhân của bão ngờ rằng việc họ không được nhanh chóng giúp đỡ bởi họ là người da đen và nghèo.
Năm hạn của hàng không thế giới
![]() |
Xác chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Helios của Síp. |
2005 là một trong những mốc thời gian đen tối nhất trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới với hàng loạt vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng, đặc biệt là trong tháng 8. Đầu tiên là vụ rơi máy bay của Síp tại Hy Lạp ngày 13/8 với toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đông cứng vì lạnh khi phi cơ vẫn ở trên không. Tiếp theo là các tai nạn ở Venezuela, Peru, Nigeria, Indonesia…
Những tai nạn dồn dập gây tâm lý e ngại đi máy bay của nhiều hành khách, đồng thời buộc các hãng hàng không phải thắt chặt hơn vấn đề an toàn bay. Hầu hết các thảm kịch xảy ra đều do một hoặc cả ba nguyên nhân: bảo dưỡng kém, thời tiết xấu và lỗi điều khiển của phi công, trong đó có nhiều vụ gần như được báo trước vì máy bay đã quá cũ nhưng không có phụ tùng thay thế.
Biến cố lịch sử trong toà thánh Vatican
Sau nhiều ngày lâm trọng bệnh, Giáo hoàng John Paul II từ trần ngày 3/4 sau 28 năm ở ngôi. Vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Italy kể từ thế kỷ 16 này đã ghi một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Vatican. Trong gần 3 thập kỷ, ngài đi khắp thế giới và tạo ra một hình ảnh hoàn toàn khác so với những người tiền nhiệm. Tình cảm của đông đảo tín đồ dành cho ngài thể hiện trong đám tang và việc Giáo hội đang đẩy nhanh các thủ tục để phong thánh cho ngài.
![]() |
Giáo hoàng John Paul II trong tang lễ của ngài. |
Sự kiện Giáo hoàng John Paul II qua đời là dịp để công chúng thấy những nghi lễ đặc biệt theo truyền thống nhiều thế kỷ qua, trong đó tâm điểm là cuộc họp bầu giáo hoàng mới. Sau một kỳ mật họp có thời gian nhanh kỷ lục, khói trắng tuôn ra từ ống khói nhà nguyện Sistine báo hiệu thế giới đã có giáo hoàng kế vị, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử toà thánh. Đó là Hồng y Đức Joseph Ratzinger, 78 tuổi, lấy hiệu là Benedict XVI.
Đánh bom khủng bố ở London
Những tiếng nổ lớn vang lên trên xe buýt và tàu điện ngầm London làm 52 người chết và gần 200 người bị thương. Giao thông hỗn loạn. Hệ thống tàu điện ngầm gần như tê liệt. Thủ tướng Anh Tony Blair sững sờ và vội vã rời hội nghị thượng đỉnh G8 để trở về London. Chỉ hai tuần sau đó, một âm mưu khủng bố tương tự lại diễn ra tại London. Hàng loạt báo động bom giả vang lên khắp châu Âu khiến dân chúng lo sợ.
![]() |
Thủ tướng Anh Tony Blair đứng sững bên ngoài hội nghị thượng đỉnh G8 sau khi nghe tin khủng bố ở London. |
Sau loạt vụ đánh bom thứ hai, cảnh sát Anh đã bắn chết một người đàn ông Brazil chỉ vì nghi ngờ anh ta là khủng bố. Họ thừa nhận sai lầm song tuyên bố sẽ không từ bỏ việc bắn vào đầu để tiêu diệt nghi phạm và đảm bảo an toàn cho công chúng. Nhân vật số hai của Al-Qaeda Ayman al-Zawahri sau đó đã nhận trách nhiệm các vụ đánh bom này và chỉ trích chính sách ngoại giao của Anh. Lại một lần nữa người ta thấy những chiếc vòi bạch tuộc của Al-Qaeda là nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Bão tố trong quan hệ Nhật - Trung
Năm vừa qua, mối quan hệ Nhật - Trung được cho là xấu nhất trong hơn 30 năm kể từ khi hai bên nối lại liên hệ ngoại giao. Mối ác cảm âm ỉ ở Trung Quốc bùng lên khi Nhật ấn hành cuốn sách lịch sử phủ nhận việc từng xâm lược các nước châu Á. Lửa cháy lại thêm dầu khi Thủ tướng Junichiro Koizumi tiếp tục thăm ngôi đền có thờ các tội phạm chiến tranh - điều mà Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Điểm nóng nhất trong một năm căng thẳng đôi bên là những vụ biểu tình khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc, tấn công đập phá tòa đại sứ và lãnh sự Nhật.
Mối hiềm thù lịch sử đã tồn tại hàng chục năm giữa đôi bên, nhưng trong năm qua nó bùng lên mãnh liệt nhất. Nhiều người suy đoán đằng sau cao trào tức giận của người Trung Quốc là nỗi e ngại Nhật có thể trở thành thành viên thường trực HĐBA, cạnh tranh vị thế độc tôn này của Trung Quốc trong khu vực. Tuy ông Koizumi đã nhiều lần xin lỗi về quá khứ xâm lược, nhưng Bắc Kinh tỏ ra chưa hài lòng, và như thế mối hiềm khích này vẫn có nguy cơ biến thành ngòi nổ cho những mâu thuẫn trong tương lai.
Saddam Hussein ra tòa
![]() |
Cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein trước tòa án đặc biệt. |
Việc cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein cùng 7 quan chức cũ ra tòa án hôm 19/10 gây xôn xao dư luận Ảrập và thế giới. Đây là nhà lãnh đạo Ảrập đầu tiên phải ra toà. Chính quyền Mỹ và Iraq ca ngợi đây là một bước tiến đến dân chủ, nhưng nhiều nước châu Âu tẩy chay phiên tòa. Tòa án này bị nghi ngờ về tính công bằng và hợp pháp, bởi nó được tổ chức dưới sự chiếm đóng của quân đội Mỹ. Saddam Hussein tuyên bố không công nhận phiên toà.
Phiên tòa diễn ra không lâu trước cuộc bỏ phiếu thứ ba của người Iraq trong năm qua - bầu cử quốc hội chính thức. Cuộc tổng tuyển cử lịch sử diễn ra tương đối êm ả và có sự tham gia của cả ba phe nhóm chính ở nước này. Quốc hội mới được kỳ vọng sẽ mang lại ổn định cho Iraq và tạo điều kiện cho quân đội Mỹ - Anh rút đi. Trước đó, người Iraq đã bỏ phiếu bầu quốc hội lâm thời và trưng cầu dân ý về hiến pháp.
Syria rút khỏi Libăng sau 29 năm chiếm đóng
Cựu thủ tướng Libăng Rafik Hariri thiệt mạng trong một vụ đánh bom hồi tháng 2, dẫn tới những cuộc biểu tình chống Syria lớn chưa từng thấy. Áp lực quốc tế buộc Syria phải rút toàn bộ lực lượng sau 29 năm chiếm đóng ở quốc gia láng giềng. Kết luận sơ bộ của uỷ ban điều tra Liên Hợp Quốc cho rằng các quan chức cấp cao Syria có liên quan đến vụ ám sát, và cuộc điều tra hiện còn tiếp tục. Damascus có thể phải gánh chịu lệnh trừng phạt của HĐBA.
Các diễn biến liên quan đến Syria không chỉ khiến người dân nước này hoang mang, gây chia rẽ trong các cộng đồng dân chúng Libăng mà còn tăng bất ổn cho khu vực Trung Đông, vốn đã căng thẳng vì bạo lực Israel-Palestine cũng như bất đồng giữa Iran và phương Tây quanh chương trình hạt nhân của Tehran.
Bất ổn ở Pháp
![]() |
Người dân ngoại ô Paris nhìn một chiếc ôtô bị đốt, hôm 3/11. |
Tháng 11 năm nay, lần đầu tiên sau 50 năm, chính phủ Pháp phải áp dụng luật về tình trạng khẩn cấp, cho phép giới nghiêm ở những nơi vốn nổi tiếng thanh bình. Sự kiện bất thường này diễn ra sau khi các phần tử quá khích ở khu ngoại ô Paris, tức giận sau cái chết của hai thiếu niên gốc Phi, đua nhau đập phá cửa hàng, đốt ôtô và ném bom xăng vào cảnh sát. Lúc cao điểm, có tới 1.500 xe hơi bị đốt trong một đêm. Bạo loạn nhanh chóng lan ra các thành phố khác ở Pháp và châu Âu, và chỉ dịu đi sau khi có các lệnh giới nghiêm.
Nguyên nhân sâu xa của bất ổn là do nhiều thanh niên nhập cư ở Pháp thất nghiệp, khó hòa nhập xã hội, bị phân biệt đối xử dẫn đến bất mãn và dễ bị kích động. Bạo loạn không chỉ khiến Pháp lo ngại mà còn làm nhiều nước láng giềng đứng ngồi không yên, e sợ nguy cơ một "intifada" ở châu Âu. EU đã ngay lập tức đề nghị trợ giúp Pháp 50 triệu euro để ngăn chặn nguy cơ đốm lửa biến thành đám cháy.
Cách mạng màu sắc ở Liên Xô cũ nhạt màu
Một cuộc cách mạng màu sắc diễn ra ở Kyrgyzstan hồi tháng 3, khi dân chúng biểu tình phản đối kết quả bầu cử quốc hội. Họ chiếm trụ sở chính quyền các thành phố lớn trong nước, trong khi cảnh sát được lệnh của chính phủ không bắn người dân. Kết quả là tổng thống Askar Akayev của đất nước 5 triệu dân bị lật đổ và lưu vong. Tuy cách thức tiến hành giống cách mạng Hoa hồng ở Gruzia và Cam ở Ukraina, diễn biến ở Kyrgyzstan không hẳn phản ánh sự cạnh tranh ảnh hưởng của Nga và Mỹ ở Trung Á, mà chỉ là nỗi bất mãn của dân chúng.
Nga và Mỹ, vốn có lợi ích an ninh ở Kyrgyzstan (đồng minh của Washington trong chống khủng bố), đều không muốn nơi này xảy ra bất ổn. Tiếp sau Kyrgyzstan, quốc gia láng giềng Uzbekistan cũng xảy ra bạo loạn, nhưng Tổng thống Karimov nhanh chóng dập tắt bằng sức mạnh quân sự trong sự chỉ trích của nhiều nước phương tây. Làn sóng cách mạng màu sắc ở các nước thuộc Liên Xô cũ dường như chậm lại, sau khi người dân ở các nước “Cam” hay “Hồng nhung” cảm thấy thất vọng trước những gì họ nhận được sau cách mạng.
Dải Gaza về tay Palestine sau 38 năm bị chiếm
Thủ tướng Israel Ariel Sharon từ chỗ là một nhân vật chuyên ủng hộ mở rộng các khu định cư đã quyết định rút quân khỏi Dải Gaza và một phần khu Bờ Tây để đổi lấy hòa bình với người Palestine. Vì điều này, ông đã vấp phải sự phản đối quyết liệt trong đảng Likud cánh hữu của mình. Israel hoàn tất việc rút khỏi Dải Gaza hồi tháng 9, sau 38 năm chiếm đóng.
Việc này mở ra hy vọng lớn cho tiến trình Trung Đông, giúp Palestine từng bước biến ước mơ có một nhà nước độc lập thành hiện thực. Còn Israel vừa chứng tỏ thiện chí của mình, vừa xác lập đường biên giới vĩnh viễn của đất nước. Tuy nhiên, hòa bình vẫn là một ẩn số lớn khi chiến binh Palestine còn tiến hành những cuộc đánh bom tự sát, và Israel tiếp tục chính sách ám sát chỉ huy chiến binh.
Mặt khác, việc Sharon mới đây ngã bệnh cũng khiến người ta đặt ra những câu hỏi về sức khỏe của ông cũng như tác động của nó tới cục diện tổng tuyển cử và kèm theo đó là số phận hòa bình Trung Đông.
(Theo VnExpress)